Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Để giúp bé chuẩn bị thật tốt cho quá trình ăn dặm, mẹ hãy giúp con tập phản xạ nhai thật thành thạo nhé. Các chuyên gia vẫn khuyên các mẹ nên cho trẻ bú mẹ tròn 6 tháng đầu đời rồi có thể tập cho bé ăn dặm. Vào thời điểm này, các mẹ có thể tập cho bé một số phản xạ cơ bản để phục vụ cho việc ăn dặm sắp tới. Nhai là một phản xạ tương đối quan trọng bé cần học. Không ít mẹ đã tỏ ra bối rối khi bé tỏ ra muốn nôn ọe khi mẹ chuẩn bị cho con đồ ăn hơi lợn cợn một chút vì bé chưa biết cách nhai mà chỉ chực nuốt chửng. Hãy cùng tham khảo cách giúp bé học nhai thành thạo các mẹ nhé.


 


Thông thường khi con bắt đầu biết lẫy và biết cách cầm nắm đồ vật (tầm 3-4 tháng tuổi), các mẹ luôn trong tình trạng lo lắng khi con ngậm mọi thứ vào miệng vì sợ bé sẽ nhiễm vi khuẩn hay nuốt phải những dị vật không mong muốn. Tuy nhiên, đây là một cách phát triển kỹ năng bé cần phải rèn luyện và là bước đầu tiên trong quá trình tập nhai của mình. Khi ấy bé sẽ dùng môi, lưỡi và lợi để khám phá hình dạng và cấu tạo của các đồ vật xung quanh. Giai đoạn này mẹ hãy mua những món đồ chuyên dụng và hợp vệ sinh cho bé như đồ chơi gặm nướu của các nhãn hiệu an toàn và uy tín cho bé tập gặm. Lúc này, có thể mẹ đã có thể chuẩn bị cho bé thức ăn dạng sệt để bé thử dần.


 


Khi tập nhai bé sẽ cần huy động sự giúp đỡ của vô số các cơ trong miệng, các cơ này cũng đồng thời sẽ hỗ trợ bé trong quá trình tập nói. Vì vậy, khi bé bắt đầu bi bô và thốt lên những âm thanh bập bẹ như a, ô , mẹ hãy khuyến khích bé làm như vậy càng nhiều càng tốt để cơ miệng bé có thêm cơ hội phát triển. Thậm chí mẹ có thể làm bé cười đùa hùa theo những hành động, trò chơi mẹ nghĩ ra. Những hành động tưởng như rất bình thường ấy của mẹ lại giúp cơ hàm bé khỏe hơn để việc nhai sắp tới diễn ra thuận tiện hơn


 


Nôn trớ là một phản xạ tự nhiên bé có từ khi còn sơ sinh để bảo vệ bé khỏi hóc các thức ăn không phù hợp ngoài sữa. Khi bé đã đến tuổi ăn dặm, mẹ hãy giúp bé loại bỏ phản xạ này bằng cách luyện cho bé ăn những thức ăn từ loãng đến đặc dần, mịn đến hơi thô để bé có cơ hội thử khả năng nhai. Nếu ngay từ những lần thử đầu tiên mà bé có biểu hiện nôn, mẹ không nên quá lo lắng và hãy đừng ngại giúp bé thử lại một lần nữa.


 


Các bước cơ bản để bé tập phản xạ nhai


Bước 1: Thực đơn ăn dặm mẹ có thể tập cho con ăn thô đều đặn hàng ngày bằng các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa mà bé thích trước, ví dụ như đậu phụ, khoai tay nghiền, khoai lang hấp v.v. Bắt đầu cho bé ăn từ bước nghiền thật nhuyễn trước, sau đó tăng dần độ lợn cợn của thực phẩm để cho bé quen dần và xem bé có thể quen được đến mức nào. Sau đó tiến tới cho bé ăn một miếng nhỏ bằng nửa hạt đậu để bé tự mình nhai nhỏ đến khi có thể nuốt được, không nuốt chửng gây ọe nữa. Mẹ tiếp tục luyện cho con đến khi nào con có thể ăn miếng mà mẹ xắn theo kích thước nào cũng được và nhai cho đến khi miếng ăn đó nhuyễn hẳn để có thể nuốt dễ dàng.


 


Bước 2: Khi bé đã tập nhai quen các thực phẩm ăn dặm cho bé mềm trên, mẹ có thể tập cho con nhai cháo có độ thô nhiều hơn. Ở bước này, trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ hãy múc riêng ra một thìa cháo nguyên hạt, xay rối hơn độ mịn bé vẫn ăn một chút, sau đó trộn chỗ cháo này vào bát cháo đã xay nhuyễn của con. Khi cho bé ăn, mẹ hãy nghe ngóng xem con phản ứng thế nào, nếu bé không chịu được và có dấu hiệu nôn ọe, mẹ hãy dừng lại ngay. Lúc này mẹ lại quay về tập cho bé nhai bằng đồ ăn mềm cho đến khi nào bé sẵn sàng thử lại món cháo ở trên. Để giúp con không ọe, trong khi ăn mẹ nên cho bé thêm 1 thìa nước để bé nuốt được dễ dàng hơn.

Cứ như vậy, mẹ nâng dần độ thô thực đơn ăn dặm cho bé lên dần cho đến khi bé quen hẳn và có thể ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ, và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn. Bước luyện tập này mẹ có thể kéo dài cả tháng hoặc hơn, miễn là mẹ chịu kiên nhẫn. Ngoài việc luyện cho con bằng cháo và thức ăn mềm, khi bé được khoảng 7 tháng, mẹ có thể mua cho bé các loại bánh ăn dặm để bé tập cầm tay và cho vào mồm nhai. Loại bánh này có thể tan ngay khi mới cho vào miệng bé, nên mẹ cũng không phải lo bé bị hóc khi luyện tập.

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Ăn dặm đúng cách là cho bé ăn đúng thời điểm, đúng phương pháp, và lựa chọn thực đơn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Áp dụng phương pháp ăn dặm đúng cách sẽ giúp việc ăn dặm của bé trở nên nhàn tênh, bé tăng cân, phát triển trí tuệ và nhanh biết nhai cơm sớm. Các chuyên gia về nhi khoa đã có những khuyến cáo về độ tuổi ăn dặm nên bắt đầu từ 6 tháng trở lên, các mẹ không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con. Tuy nhiên, mỗi bé lại có đặc điểm và tốc độ phát triển khác nhau. Nhiều bà mẹ lần đầu cho con ăn dặm đã phân vân không biết đâu là thời điểm thích hợp để cho con ăn dặm và bữa ăn dặm cần đáp ứng những tiêu chí nào?


 


Để bữa ăn dặm cân bằng dinh dưỡng Mẹ nên cho bé ăn làm nhiều bữa nhỏ, đồng thời lưu ý nguồn protein trong thức ăn phải có đủ axit amin cần thiết. Khi mẹ cho bé bú, chất béo có trong sữa mẹ đã cung cấp 50% năng lượng cho bé. Thực đơn ăn dặm cần bổ sung thường có độ đậm năng lượng thấp do nguồn thức ăn nghèo chất béo. Đó chính là lý do vì sao, cần bổ sung chất béo ( dầu,mỡ) vào chế độ ăn cho bé. Ngoài ra, bữa ăn của bé cần có đủ vitamin và khoáng chất.


 


Tùy theo chế độ ăn của bà mẹ mà hàm lượng vitamin cần thiết trong sữa mẹ thay đổi, do đó thực đơn cho bà bầu và cho con bú cần phải đảm bảo dinh dưỡng.


- Khi xát trắng gạo chúng ta vô tình đã loại bỏ nhiều vitamin vì vậy nên bổ sung bột đậu xanh và thịt lợn nạc vì chúng có nhiều vitamin. Không ít trường hợp trẻ mắc các bệnh lý do người mẹ thực hiện chế độ kiêng kem sau sinh, làm nguồn sữa mẹ thiếu vitamin B1.


- Lòng đỏ trứng, các loại củ quả có màu vàng đậm, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin A và caroten quan trọng đối với biểu đồ tăng trưởng của trẻ.  Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến khô mắt, gây mù lòa, suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.


- Rau xanh và hoa quả tươi còn cung cấp vitamin C cho cơ thể trẻ, đồng thời hỗ trợ quá trình hấp thu chất sắt. – Mặt khác, để phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D ở trẻ, gia đình cần kết hợp giữa chế độ ăn bổ sung và tắm nắng hợp lý cho bé.


- Sữa mẹ cung cấp rất nhiều chất khoáng cần thiết đối với sự phát triển của trẻ như sắt, canxi có hàm lượng thích hợp và dễ hấp thụ. Ngược lại, chất sắt ở mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ có mức độ hấp thu khác nhau. Các loại thịt động vật, gia cầm có lượng chất sắt hấp thu cao nhất, rồi đến các loại đậu, đỗ, ngũ cốc.


 


Khi trẻ bú mẹ nguồn năng lượng bé nhận được chính là các chất béo có trong sữa mẹ.


Khi mẹ cho bé ăn dặm bột gạo nguyên chất thì bé chỉ có thể nhận được 3-5% năng lượng chất béo. Để đảm bảo bé có thể nhận đủ năng lượng thì thức ăn của bé phải đảm bảo về mặt chất lượng, tức là có đủ 4 nhóm: đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng. Trong quá trình chế biến bữa ăn cho bé, mẹ cần lưu ý bổ sung thêm các nguồn thực phẩm như thịt nạc, trứng, cá, tôm để thay đổi khẩu vị và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết.


 


Ngay từ khi sinh ra, bé chỉ làm quen với một loại thức ăn duy nhất là sữa mẹ và đây là loại thức ăn ở dạng lỏng. Khi lần đầu chuẩn bị bữa ăn phụ cho bé, các mẹ lưu ý trong khâu chế biến thức ăn của trẻ nên bắt đầu từ thể lỏng rồi chuyển sang dạng sền sệt sau đó mới đặc dần. Bên cạnh đó, để bát bột nấu cho trẻ đạt tiêu chuẩn, mẹ cần tìm hiểu về mối quan hệ giữa độ đậm đặc và độ đậm năng lượng.


 


Bột của trẻ lúc mới nấu, nhiệt độ nóng nhưng khi nguội dần sẽ càng đặc lại. Nếu pha thêm nước để đạt độ lỏng thích hợp thì sẽ làm giảm độ năng lượng. Vì vậy, để tăng độ đậm năng lượng và giảm độ đặc thì nên chia nhỏ các bữa ăn của trẻ, đồng thời bổ sung dầu mỡ trong quá trình chế biến dầu mỡ.

Mỗi bé có một khẩu vị và thói quen ăn uống khác nhau không ai giống ai. Các mẹ cần dành thời gian để quan sát, tìm hiểu sở thích của bé để có thực đơn ăn dặm cho bé chế biến phù hợp giúp bé luôn có cảm giác ngon miệng, thích thú để giờ ăn là giờ vui ngay từ những tháng đầu bé học nuốt, học nhai và sẽ ảnh hưởng đến thói quen dinh dưỡng về sau của trẻ. Ngoài các bữa bột bổ sung, mẹ có thể cho bé ăn bánh biscuit có bổ sung vitamin, calcium, DHA… thỏa mãn nhu cầu muốn nhai, cắn khi bé mọc những chiếc răng đầu tiên.

Đối với bé 9 tháng tuổi sữa mẹ hay sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Về ăn dặm mỗi ngày các mẹ cho bé ăn 3 bữa cháo mỗi lần 1 bát đầy. Các mẹ cũng nên tích cực thay đổi các món cháo ngon, đầy dinh dưỡng cho bé nhé, nay nấu cháo thịt, mai nấu cháo tôm, cua, cá, lươn, thay đổi vị bé sẽ hứng ăn hơn. Các mẹ cũng có thể cho thêm một ít dầu ăn, hoặc dầu oliu vào để bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn nhé. Giai đoạn này, bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau chân vịt (cắt nhỏ). Bé có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng. Tuy nhiên, nên cho bé ăn trứng chín hoàn toàn. Bé có thể ăn hầu hết các món cá, trừ món cá sống, gỏi cá. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt.


Cách nấu một số món cháo dinh dưỡng cho bé 9 tháng


Sau đây là gợi ý một số món cháo mẹ có thể nấu cho bé từ 9 tháng tuổi. Thay đổi thực đơn hàng ngày sẽ giúp bé ngon miệng và thích thú với việc ăn dặm.


Bột dặm thịt gà và khoai lang


Bột ăn dặm cho bé từ thịt gà và khoai lang có vị ngọt dịu, nguyên liệu dễ tìm và cách chế biến đơn giản, nhanh gọn. Loại bột này cung cấp đầy đủ tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin C và chất sắt cho bé.


Nguyên liệu


- 170g thịt ức gà lọc bỏ xương và da.


- 1 củ khoai lang lớn (khoảng 350g), lột vỏ cắt nhỏ.


Hướng dẫn


Bước 1: Thịt gà làm sạch, loại bỏ da và xương, chỉ lấy thịt nạc. Nấu chin thịt gà trong nồi nhỏ trong 15 phút hoặc đến khi thịt không còn hồng. Để nguội thịt và xé nhỏ (không bắt buộc).


Bước 2: Nấu chín khoai lang trong nồi nước xấp mặt từ 20-25 phút hoặc đến khi khoai mềm hẳn. Để khoai ráo nước rồi cho thêm nước dùng vừa đủ và tán nhuyễn khoai thành hỗn hợp sệt.


Bước 3: Xay nhuyễn thịt gà và trộn với hỗn hợp khoai nghiền. Cho thêm 125ml nước dùng để hỗn hợp vừa đủ độ sệt phù hợp cho bé. Ăn ngay trong vòng 1 ngày, hoặc có thể trữ đông trong 1 tháng.


Cách bảo quản đông lạnh: Cho bột vào khuôn đá, gạt mặt và phủ nilon trước khi cấp đông trong tủ đá đến khi đông cứng hoàn toàn. Gỡ các viên thức ăn khỏi khay, trữ đông trong túi plastic kín hoặc hộp trữ đông. Dán nhãn ghi ngày cấp đông.Trước khi dùng, xả đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm.


Hâm nóng: Đun cách thủy bột đã xả đông thành bột ấm. Đảo đều tay và nếm thử trước để kiểm tra nhiệt độ trước cho bé ăn.


Cháo tôm với rau dền


Thực đơn ăn dặm cho bé với Rau dền giàu chất sắt và vitamin A giúp bé tăng trưởng khoẻ mạnh. Giàu canxi giúp bé tăng trưởng chiều cao. Chứa một lượng sắt đáng kể, một lượng vitamin C dồi dào giúp hấp thu sắt tốt, phòng chống bệnh thiếu sắt.


Nguyên liệu


Bột gạo 20g (3muỗng canh).


Tôm đồng nạc băm nhuyễn20g (1muỗng canh).


Rau dền băm nhuyễn 10g (1muỗng canh).


Dầu ăn tinh luyện 5g (1muỗng canh).


Nước 200ml (1 chén).


Hướng dẫn


Đun sôi nước, cho tôm và rau dền vào nấu chín. Để còn ấm, khuấy bột vào từ từ, cho dầu ăn vào sau cùng.


Cháo lươn


Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng, thịt lươn có hàm lượng giá trị dinh dưỡng rất cao, thậm chí cao hơn hẳn tôm, cua, do đó hàng tuần các mẹ nên cho chế biến món cháo lươn – thực đơn cho bé ăn dặm ít nhất 1 lần để bé phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.


Nguyên liệu: Gạo lứt giã nát : 2 muỗng; Lươn thịt: một khứa; Cà rốt 3 lát; Dầu mè: 5 giọt; Nước: hơn 2 chén; Hành + Ngò, nước mắm, đường.


Hướng dẫn nấu cháo lươn cho bé


Bước 1: Gạo vo sạch, ngâm nước nóng 1 giờ, gạo hơi mềm vớt ra.


Bước 2: Lươn làm sạch với chanh hoặc giấm, bỏ xương lấy nạc băm nhuyễn, đem hấm chín (ướp tí muối + đường).


Bước 3: Cà rốt băm nhuyễn.


Bước 4: Bắc gạo + nước + cà rốt lên bếp nấu cháo nhừ, cà rốt mềm. Cho thịt lươn vào khuấy đều. Đun thêm khoảng 5 phút, nêm vừa ăn. Chi dầu mè vào khuấy đều nhấc xuống.

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Thai nhi tuần 17


Chúc mừng bạn, bạn đã vượt qua nửa chặng đường của thai kỳ. Sau 16 tuần thai kỳ, cơ thể bạn và thai nhi đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy vậy, một số thai phụ trông vẫn chưa ra dáng bà bầu nhờ sở hữu chiếc bụng thon gọn giúp che bớt phần nào vòng hai đang ngày một lớn lên. Nếu chưa muốn tiết lộ việc bạn đang mang thai, bạn chỉ cần khéo léo chọn trang phục để che đi phần bụng.


Bé lúc này dài khoảng 13 cm tính từ đỉnh đầu đến mông. Da bé trong suốt đến mức có thể nhìn thấy các mạch máu dưới da. Còn quá sớm để hình thành nên các lớp mỡ dưới da. Tuy nhiên, tuần này xuất hiện một chất đặc biệt giúp bé bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi tác động từ nhiệt độ bên ngoài của môi trường sau sinh.


Bé bắt đầu biết nuốt dịch nước ối và thận đã bắt đầu làm việc để sản xuất ra nước tiểu. Nếu bạn có siêu âm trong tuần này, bạn sẽ được nhìn thấy thận cuả bé.


Những sợi tóc đầu tiên xuất hiện trên đỉnh đầu và một lớp lông tơ mịn phủ đầy khắp cơ thể. Giai đoạn này, bé sẽ ngủ nhiều và tích luỹ năng lượng cho sự hình thành và phát triển cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra những hoạt động của bé khi bé chuyển động xoay người và máy đạp bụng mẹ, nhất là khi bạn đang ngủ. Tuần này bạn đã biết chắc chắn giới tính thai nhi rồi đấy.


 


Thai nhi 18 tuần


Từ tuần thứ 18 cuả thai kỳ, thính giác cuả bé đã được hình thành, bé có thể nghe được những tiếng ồn bên ngoài tử cung cũng như nhận ra giọng nói cuả mẹ. Vì vậy bạn hãy thường xuyên trò chuyện với bé để khi sinh ra bé có thể nhận ra giọng nói cuả bạn.


Bé lúc này dài khoảng 13.5 cm tính từ đỉnh đầu tới mông. Một lớp mỏng màu trắng được gọi là gây phủ khắp cơ thể giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn.Hiện giờ, bé được bao quanh bởi 320 ml nước ối với nhiệt độ duy trì ở mức hơi cao hơn một chút so nhiệt độ cơ thể bạn. Nhiệt độ này sẽ giúp bé luôn cảm thấy ấm áp.


 


Thai nhi tuần 19


Theo bảng so sánh theo kích thước các loại trái cây, ở tuần thứ 19 này, bé sẽ có kích thước bằng quả chuối. Không phải như chuối tiêu đâu, mà quả chuối lớn đấy nhé! Trọng lượng của bé vào khoảng 240 gram, khá nhỏ nhưng sẽ còn tăng lên khá nhiều nữa đấy. Một gợi ý nho nhỏ đối với các bà mẹ muốn ghi nhớ về quá trình tăng trưởng của bé trong bụng mẹ, các số đo của bé khi chào đời là: trọng lượng 3,5kg, vòng đầu 35cm và chiều dài cơ thể 53cm, đều là sự kết hợp của các con số 3 và 5.


Tuần này, não bộ và các cơ của bé đã phối hợp với nhau, có nghĩa là các cử động của bé trở nên ít ngẫu nhiên và bất chừng hơn bởi bé đã có thể điều khiển một phần hoạt động của cơ thể. Ví dụ như khi bạn nằm ở một tư thế đặc biệt mà bé không thích, bạn sẽ cảm thấy bé vặn vẹo để tìm không gian phù hợp. Các bé đúng là biết chọn lựa thật đấy nhỉ?


Trong bụng mẹ, bé liên tục uống và nuốt nước ối. Chu trình nuốt nước ối, tiêu hóa và sau đó thải ra nước tiểu của bé sẽ diễn ra trong suốt thời gian mang thai. Các chất thải bắt đầu hình thành trong ruột bé và sẽ được thải ra ở lần đi tiêu đầu tiên của bé.


Bắt đầu từ tuần này, các mầm răng của bé được hình thành. Nước sinh hoạt ở khu vực các bà mẹ sinh sống nếu có bổ sung fluoride sẽ giúp ích cho quá trình này của bé. Nhau thai với nhiệm vụ lọc các chất sẽ chấp nhận fluoride nếu lượng hấp thu ở mức an toàn.


 


Thai nhi tuần 20


Bé phát triển nhanh hơn nhiều và bạn sẽ cảm nhận được những cú hích nhẹ của bé trong tuần này. Rồi thi thoảng bé ngậm ngón tay cái, nắm chặt dây rốn của mình, hay tập luyện phản xạ nắm bắt và thậm chí là nấc cục nữa kìa.


Tuần này bé phát triển lớp mỡ dưới da dày hơn, vì thế da bé trông không còn “trong suốt” như cách đây vài tuần. Nên nhớ bạn không cần ăn thêm quá nhiều trong thời gian này. Các chuyên gia khuyên rằng trong thời kỳ mang thai, bạn chỉ cần ăn thêm khoảng 10 phần trăm lượng thực phẩm trước khi mang thai. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần bổ sung khoảng 1.050 calo/ngày trong 3 tháng giữa thai kỳ. Như vậy, chỉ cần thêm một miếng trái cây, hay một nắm các loại hạt, hoặc một chiếc bánh kẹp nữa là đủ.


Bé con của bạn giờ đã có móng tay nhỏ xíu. Nếu là bé gái, tử cung và âm đạo của bé giờ đã được định vị và đang phát triển. Nếu là bé trai, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ bụng xuống bìu. Do tác động của nội tiết tố sinh sản, khi vừa lọt lòng, bộ phận sinh dục của nhiều trẻ sơ sinh sẽ to hơn. Tuy nhiên, sau vài tuần, bộ phận sinh dục của bé sẽ dần về lại kích thước bình thường.


 


Thai nhi tuần 21


Bé yêu của bạn trong tuần này nặng khoảng 360 gram và dài khoảng dưới 26,7 cm tính từ đầu đến mông. Trông bé vẫn như một con búp bê bé nhỏ nhưng làn da của bé vẫn còn nhăn nheo. Điều này là bởi vì da bé phát triển nhanh hơn lớp mỡ dưới da. Trong tuần này, bạn được quyền thoải mái ăn uống, miễn sao bạn luôn nhớ rằng đó là để tăng cân cho bé, chứ không phải cho bạn.


Em bé của bạn đang bắt đầu hình thành một chất quan trọng trong phổi, đó là surfactant- một chất giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé lọt lòng. Bạn hãy liên tưởng đến những chiếc lá trên cây và sẽ hình dung ra được những túi khí nhỏ này cần được mở để có thể truyền dẫn khí ô-xy đến những mạch máu xung quanh. Nếu người mẹ chuyển dạ sớm, thì cần được tiêm steroid để hỗ trợ cung cấp chất surfactant cho bé.


Trong tuần này, qua hình ảnh siêu âm có thể nhìn thấy các khoang tim và những mạch máu chính của tim bé. Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng những cơ quan chính này sẽ phát triển cùng với các bộ phận khác của cơ thể bé.


Bé yêu của bạn đã có thể nghe được. Lúc này, tai của bé đã hoàn thiện chức năng và sẽ phản ứng nếu có tiếng ồn lớn đột ngột. Tiếng chó sủa, tiếng đóng sầm cửa, tiếng khởi động xe sẽ khiến bé giật mình đạp mạnh. Xương của bé cũng dần cứng cáp hơn, do đó bạn nhớ uống canxi đầy đủ hàng ngày.

Salad Nga mát lạnh như khí hậu của xứ sở nơi nó được phát minh ra, rất thích hợp giải nhiệt trong những ngày hè đặc biệt còn là món ăn lạ miệng cho các bà bầu khi mang thai. Salad  là 1 trong những món ăn quốc hồn, quốc túy của người Nga. Có rất nhiều loại salad nhưng salad Olivier  luôn là  món không thể thiếu được của người Nga trong những dịp đại lễ.


Olivier là tên của vị đầu bếp đã nghĩ ra món salad này khi ông làm việc tại 1 nhà hàng ở Moscow. Cách làm salad Olivier nguyên thủy khác khá nhiều so với món salad Oliver chúng ta ăn bây giờ. Món salad mà ông nghĩ ra để dành cho tầng lớp quý tộc với những nguyên liệu đắt tiền.


Tuy nhiên, cùng với thời gian, món salad Oliver đã được bình dân hóa. Dựa trên 4 thành phần cơ bản của Olivier. Để làm salad Nga ngon thì mayonnaise ngon là rất quan trọng. Bạn nên chọn mua sốt mayonnaaise xuất xứ từ Nga bạn sẽ có món salad mang đậm hương vị Nga.


Nguyên liệu làm salad Nga gồm có: 4 củ khoai tây, 2 củ cà rốt, 3 quả trứng, 1 bắp ngô, 10 quả dưa chuột, 10 quả oliu, 1 quả táo xanh, 200g xúc xích, vài nhánh mùi tây và thì là, Mayonnaise.


Các bước thực hiện món salad nga


Khoai tây, cà rốt, trứng  rửa sạch, luộc chín rồi để nguội và bóc vỏ.


Không nên gọt vỏ khoai tây cà rốt, cắt hạt lựu rồi luộc. Làm như vậy salad sẽ có hình dạng vuông vắn và đẹp mắt hơn nhưng bị mất rất nhiều vitamin từ vỏ khoai tây, cà rốt.


Khoai tây, cà rốt, xúc xích thái hạt lựu.


Trứng: tách lòng đỏ và lòng trắng riêng. Phần lòng trắng thái hạt lựu. Lòng đỏ để nguyên đến trước khi trộn mayonnaise thì bóp nhuyễn.


Ngô cho ra khỏi hộp, để thật ráo nước.


Táo xanh, thì là, mùi tây: rửa sạch.


Táo xanh thái hạt lựu. Mùi tây, thì là thái nhỏ.


Không nên gọt vỏ táo xanh vì vitamin trên vỏ táo rất nhiều. Ví lí do an toàn thực phẩm thì có thể gọt vỏ táo. Quả oliu cắt làm 4. Dưa chuột muối thái hạt lựu.


Công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất. Nếu chuẩn bị trước cho ngày hôm sau thì không nên bóp nhuyễn lòng đỏ và trộn mayonnaise luôn mà bọc kín bằng giấy nilong bọc thức ăn bảo quán ở ngăn mát tủ lanh. Mayonnaise cũng bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.


Trộn hỗn hợp rau quả với mayonnaise trước khi ăn khoảng 2-3 tiếng và bảo quản lạnh.


Tốt nhất nên đeo bao tay nilong chuyên dụng để trộn salad, nếu không có bao tay thì dùng đũa, đảo đều và nhẹ tay. Salad Nga có thể bảo quản trong âu thủy tinh to, khi ăn cho ra bát hoặc có thể bày vào những cốc bằng bột mì nướng khi dùng trong tiệc đứng. Món ăn tươi mát này rất phù hợp cho thực đơn bà bầu, tránh khỏi chứng táo bón trong thai kỳ.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy nhẹ nhõm hơn kể từ khi kết thúc giai đoạn mang thai 3 tháng đầu Những cơn ốm nghén gần như làm cạn kiệt sức lực ở giai đoạn đầu giờ đây đã trở nên ổn, và bạn đã có thể trở về với trạng thái sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt lớn. Đến đây thì tất cả các công đoạn “công phu” nhất để tạo nên hình hài em bé đã xong. Các cơ quan thiết yếu và các hệ thống trong cơ thể bé gần như đã yên vị, và đang sẵn sàng để tiếp tục phát triển, trưởng thành. Trong giai đoạn 2 của thai kỳ, em bé của bạn sẽ có kích thước tăng lên 3-4 lần, và càng ngày sẽ càng trông ra hình ra dáng hơn.


Khi mang thai tháng thứ 6, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khó khăn để che giấu cái bụng ngày một to lên của mình. Lúc nào dễ bị nhận diện ra nhất còn tùy thuộc vào kích thước và tầm vóc tổng thể của mỗi người, vào việc họ đã từng có con hay chưa, việc họ tính toán ngày giờ chính xác đến mức nào, và thậm chí vào cả sắc thái các cơ bụng của họ. Vào đầu giai đoạn hai, tử cung mới chỉ bắt đầu nâng lên từ vùng xương mu trung tâm. Trước đó, nó được bảo vệ bên trong khoang chậu nhưng giờ đây đã quá lớn nên cần được nâng ra ngoài.


Những thay đổi về mặt thể chất trong giai đoạn 2 của thai kỳ.


Chứng nghẹt mũi có thể sẽ tiếp tục làm bạn khó chịu thêm vài tuần nữa. Cố gắng hạn chế ở những nơi có độ ẩm thấp, hay những nơi phải sử dụng máy lạnh. Để một thau nước nhỏ, hoặc dùng máy làm ẩm trong phòng có thể sẽ giúp bạn thở dễ hơn.


Kích thước và vóc dáng của bạn sẽ thay đổi trong vài tháng tới. Hình dáng mang bầu của mỗi phụ nữ đều rất khác nhau. Nhiều người cho rằng họ có thể đoán được giới tính của em bé dựa vào mức độ nhô ra của bụng bầu. Điều này trên thực tế không có bằng chứng khoa học, tuy nhiên nó cũng không có nguy hại gì ngoài việc chúng ta có thêm một câu chuyện vui nho nhỏ.


Bạn hãy sẵn sàng cho những cơn co thắt (có tên khoa học là Braxton Hicks) từ khoảng tuần 26 trở đi. Đây là những cơn co dạ con không đau để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ sau này và tăng cường việc lưu thông máu. Nếu đã từng có con trước đây thì có thể bạn sẽ nhận diện ra những cơn đau này sớm hơn.


Trong vài tuần tới, một điều nên lưu ý là ghi lại nơi mình cất những món đồ cần thiết hay quan trọng, bởi vì một trong những triệu chứng phổ biến lúc này là chứng “giảm trí nhớ thai kỳ”. Đừng quá lo lắng nghĩ rằng mình đã làm mất món đồ gì đó. Cố gắng tránh làm quá nhiều việc cùng một lúc, và thỉnh thoảng cũng phải biết tự cười nhạo mình. Hài hước một chút sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.


Có những lúc bạn cảm thấy lo lắng, không biết em bé có ổn không, và mình sẽ đối phó thế nào nếu nó không ổn. Vào giai đoạn này, bạn sẽ có cảm giác hơi lo âu vì mọi thứ không thể quay trở lại được nữa. Có thai và sinh em bé là một việc mà không ai có thể dám nói trước điều gì chắc chắn 100%, nhưng bạn hãy yên tâm, tạo hóa khi nào cũng diệu kỳ, và mọi thứ đâu rồi cũng sẽ vào đó.


Chăm sóc thai kỳ giai đoạn này như thế nào?


Bạn cần bắt đầu đi khám thai định kỳ để kiểm tra xem có vấn đề gì hay không. Thông thường, bạn sẽ được cân trọng lượng, đo vòng bụng, đo huyết áp, và kiểm tra nước tiểu mỗi khi khám. Thường là bạn sẽ khám định kỳ mỗi 4 tuần trong suốt giai đoạn hai của thai kỳ. Giai đoạn này chắc hẳn bạn đã biết rõ giới tính thai nhi của bạn rồi đấy.


Xem lại chế độ ăn uống của mình có ổn không. Thật ra, bạn không cần phải ăn cho hai người, chỉ cần thực sự tốt cho một người. Phải đảm bảo bữa ăn của bạn giàu carbohydrate và protein, sắt và canxi. Hãy nhớ rằng, tất cả những món bạn ăn vào cuối cùng sẽ đến em bé và giúp bé phát triển.


Chuẩn bị tinh thần để tăng cân trong suốt quý hai. Hầu hết bà bầu thấy trọng lượng của mình vẫn ổn định trong quý đầu tiên, hoặc thậm chí tuột xuống do bị ốm nghén. Đừng quá căng thẳng nếu bạn tăng cân nhanh, tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng mức tăng tốt nhất là từ 10 đến 12 kg. Việc tăng nhiều hơn con số này có thể dẫn đến một số vấn đề cho thai kỳ và cho quá trình chuyển dạ.


Bây giờ, hãy xem em bé của bạn thay đổi như thế nào trong quý 2 này nhé.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cũng là bình thường nếu bạn so sánh lần mang thai này với những lần trước, và dùng kinh nghiệm để đoán giới tính của em bé. Tuy nhiên, bố của bé mới là nhân tố quyết định giới tính thai nhi chứ không phải bạn, và mọi thứ thì đã được an bài từ tuần thai thứ 3 mất rồi.


 


Thai nhi tuần 9


Lúc thai nhi 9 tuần tuổi, bạn sẽ chuẩn bị bước vào những tuần cuối cùng trong chu kỳ đầu tiên của quá trình mang thai. Bạn sẽ cảm thấy rất mới mẻ và phấn khích nếu đây là lần mang thai đầu tiên của bạn. Nhưng ngay cả khi bạn đã có con rồi, thì mỗi lần mang thai là một trải nghiệm khác biệt, với những thử thách mới.


 


Tuần này, em bé của bạn đã dài gần 2.5cm. Thai nhi giờ đây là một phiên bản thu nhỏ của em bé lúc ra đời. Trông em bé sẽ bớt giống người ngoài hành tinh hay một chú gấu túi, mà rõ ràng đã là người trái đất.


Em bé bây giờ lớn chưa bằng một quả táo to, cũng là lý do khiến bạn có cảm giác rõ ràng hơn ở vùng xương chậu. Vào cuối ngày, khi bàng quang của bạn đã căng phồng, hay sau khi bạn ăn rất no, bạn sẽ lại càng có cảm giác rõ rệt hơn nữa.


Trán của em bé sẽ bớt dồ, và mắt sẽ nằm ở khoảng giữa khuôn mặt. Ngón tay và ngón chân mới đây thôi còn dính vào nhau như chân vịt, thì giờ đã tách hẳn ra thành từng ngón riêng biệt.


Nếu bé của bạn là con gái, đây chính là thời điểm mà buồng trứng bắt đầu hình thành. Khi ra đời, em bé sẽ có đầy đủ số trứng mà một người phụ nữ mang trong mình suốt cả cuộc đời. Cơ quan sinh dục ngoài cũng bắt đầu thành hình, dù chỉ mới bé xíu xiu.


Cơ thể em bé cũng không còn cuộn tròn như trước mà bắt đầu duỗi dần ra. Mới trước đó, em bé nằm như hình chữ C, thì giờ đã thẳng hơn một chút, chỉ trừ hai chân vẫn còn  co lên ngang hông.


Từ tuần 9, đã có thể thấy núm vú xuất hiện trên ngực em bé. Hai tai của bé mới trước đó còn ở thấp tận dưới cổ, bây giờ đã nằm đúng chỗ.


Trong vòng ba tuần tới, thai nhi sẽ dài gấp đôi. Và có một điều chắc chắn là bạn vẫn thấy rất mệt mỏi. Ngay cả khi bạn ngủ, cơ thể bạn vẫn chăm chỉ làm việc ngoài giờ để chăm sóc thai nhi.


 


Thai nhi tuần 10


Bé nhà bạn đã lớn gấp đôi so với 3 tuần trước đó, dài khoảng từ 3.1cm đến 4cm, gần bằng 1 quả quýt to.


Bé không ngừng vận động: đá, trườn, vặn và xoay người. Tuy vậy, bé còn rất nhỏ và tử cung cuả bạn còn nằm trên đỉnh khung chậu, bạn vẫn chưa thể cảm nhận rõ sự chuyển động cuả bé. Bạn sẽ cảm nhận rõ những chuyển động tuyệt vời đó khi bé phát triển lớn hơn và bắt đầu đạp vào thành tử cung. Tuần này, tuỷ sống cuả bé bắt đầu sản sinh ra bạch cầu. Đây là những tế bào kháng thể giúp bé khoẻ mạnh và tăng trưởng tốt.


Hãy tránh xa rượu, bia, thuốc lá và các chất có cồn khác nếu bạn không muốn làm tổn thương lâu dài đến sự phát triển trí não cuả con bạn. Đây cũng là thời điểm tuyến yên bắt đầu làm việc và sản sinh ra hocmôn cần thiết cho cơ thể. Các bà mẹ thì rất tò mò để đoán giới tính thai nhi, tò mò muốn biết là một cô bé đáng yêu hay một cậu nhóc kháu khỉnh.


Cuống nhau cũng phát huy vai trò cuả nó trong việc lọc khí oxy và các chất dinh dưỡng để hỗ trợ tốt cho sự phát triển cuả thai nhi.


Cũng trong tuần này, con bạn đã có thể mút ngón tay cái. Dễ thương quá đúng không nào? Lông mi sẽ phủ đầy đôi mắt bé nhờ vậy mắt bé được bảo vệ thật an toàn.


Ruột bé bắt đầu thực hành các hoạt động co giãn nhằm giúp bé tiêu hoá tốt sau khi bé được sinh ra. Những chuyển động đầu tiên cuả ruột đánh dấu một bước quan trọng trong sự hình thành và phát triển cuả bé. Hãy kiên nhẫn đợi xem bước ngoặc đó là gì nhé.


 


Thai nhi tuần 11


Tuần này, bé cuả bạn có kích thước của một trái quýt. Các cơ quan trong cơ thể cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Lớp lông tơ bao phủ cơ thể có tác dụng bảo vệ làn da cuả bé khi bé bơi trong môi trường nước ối.


Từ tuần thứ 11 cuả thai kỳ, thanh quản cuả bé được hình thành.


Các tế bào thần kinh tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân và các khớp thần kinh kết nối các dây thần kinh trong não đã được hình thành. Bé bắt đầu có nhiều các phản xạ hơn.


 


Thai nhi tuần 12


Tuần này, mí mắt của em bé mặc dù đã phát triển đầy đủ nhưng vẫn rất nhạy cảm với bất cứ thứ gì có thể gây khó chịu. Bé cũng có thể đang mọc tóc.


 


Cổ của bé bây giờ đã phát triển rõ hơn, nối giữa đầu và ngực, thay vì cái đầu nhỏ xíu gần như gắn liền với ngực như trước đây. Cằm của bé nhô ra hơn. Đôi tai nhỏ xíu lúc đầu ở vị trí khá thấp bên dưới, giờ đã di chuyển vào vị trí đúng của nó ở hai bên đầu.


Nhịp tim của bé lúc này nhanh hơn khoảng gấp đôi nhịp tim của mẹ. Khi siêu âm, bạn sẽ có thể nhận ra âm thanh của nhịp đập đều đặn này. Những khi bị dây rốn chắn ngang phía trước thì âm thanh phát ra có thể bị nhiễu hơn một chút.


 


Tuần này, em bé sẽ có những cử động trên khuôn mặt như cau mày, nheo mắt. Thai nhi vẫn còn nhấp nháy bên trong tử cung mẹ, có những động tác nhảy bất ngờ mà bạn sẽ không thể nhận thức được. Nếu đã từng có con và cực kỳ nhạy bén thì có thể bạn sẽ cảm nhận được những chuyển động này, tuy nhiên, phải đến vài tuần sau nữa bạn mới có thể chắc chắn về điều đó.


 


Nếu bạn mang thai đôi hoặc đa thai, bụng bạn có thể to ra hơn rất nhiều. Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho biết bạn mang nhiều hơn một em bé là chứng buồn nôn thái quá, và bụng to hơn bình thường. Siêu âm sẽ giúp xác định chính xác việc mang đa thai.


 


Mỗi khi bạn được bác sĩ hay chuyên gia y tế thăm khám và sờ vào bụng thì em bé bên trong sẽ di chuyển vòng quanh để tránh những cú đụng chạm hay thúc chọc nhẹ đó.


Thông thường, thời điểm mang thai từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 18 của thai kỳ là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển trí não của bé. Vậy là bạn đã trải qua tam cá nguyệt đầu tiên – mang thai 3 tháng đầu với những thay đổi rất lớn cua thai nhi. Hãy tích cực chăm sóc cơ thể để cả bạn và bé yêu đều khỏe mạnh nhé.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Nội tiết tố hCG là tên gọi tắt của Human Chorionic Gonadotropin. Đừng lo lắng nếu như bạn chưa từng nghe đến nó trước nay bởi vì theo như những tài liệu tham khảo về thai sản thì hCG chỉ xuất hiện khi mang thai nó như một dấu hiệu có thai và được kiểm chứng qua dụng cụ thử thai. Sẽ có nhiều thuật ngữ và kinh nghiệm mà bạn phải “dành dụm” và tìm hiểu trong suốt chín tháng mang thai tới.


Bản thân bạn không nhất thiết có những biến chuyển quá nhiều để bước vào thời kì mang thai trước khi nội tiết tố hCG bắt đầu đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình thay đổi cơ thể để bắt đầu việc nuôi dưỡng thai nhi. hCG được tổng hợp bởi những tế bào hình thành trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mà chính những tế bào này sau đó sẽ phát triển thành nhau thai. Đến lượt hCG hoạt động bằng cách kích thích túi noãn hoàng tiết ra các nội tiết tố oestrogen và progesterone trong khoảng 10 tuần đầu mang thai hoặc lâu hơn cho đến khi nhau thai có thể tự đảm nhận công việc này.


 


Tiếp đến các nội tiết tố sẽ giúp làm dày lên lớp niêm mạc tử cung để cung cấp đủ máu nhằm duy trì sự phát triển của thai nhi. Toàn bộ quá trình trên hoạt động như một vòng lặp mà trong đó, khi một nhóm các mô và tế bào hoàn thành chức năng duy nhất của nó, nhóm khác sẽ đảm nhiệm phần việc tiếp theo. Dĩ nhiên tất cả việc này diễn ra ngoài ý thức kiểm soát của thai phụ. Cho nên không có gì lạ khi cảm giác buồn nôn và mệt mỏi bắt đầu xuất hiện. Trong khoảng hai tuần khi phôi thai mới hình thành bám vào thành tử cung, hCG có thể được phát hiện trong nước tiểu của người mẹ đó là cách nhận biết có thai chính xác nhất. Có thể phát hiện nó sớm hơn trong máu khoảng mười một ngày sau khi thụ thai.


 


hCG được nhận biết bởi vì chính nó dẫn đến những triệu chứng mang thai sớm như buồn nôn, mất kinh, mẫn cảm với mùi vị, mệt mỏi và tức ngực. Khoa học đã chứng minh không đơn thuần là sự hiện diện mà chính hàm lượng của hCG tuần hoàn trong cơ thể thai phụ gây ảnh hưởng lên các triệu chứng mang thai. Nếu nồng độ cao, người mẹ sẽ cảm nhận các triệu chứng nặng hơn. Cũng bởi thế, các chuyên gia sức khỏe thường trấn an bà mẹ nào cảm thấy đặc biệt buồn nôn trong những ngày đầu của thai kỳ rằng đó là dấu hiệu của bào thai ổn định. Nhưng, buồn nôn dữ dội cũng có thể là dấu hiệu nhận biết có thai của một ca đa thai do lượng hCG được tiết ra quá nhiều.


 


Những điều cần biết về nồng độ hCG


Nồng độ hCG là khác nhau đối với mỗi phụ nữ và không thể so sánh.


Có sự lệch lớn giữa các hàm lượng được cho là bình thường.


Nồng độ hCG cũng thay đổi ngày qua ngày, hàm lượng của nó dao động và không ổn định. Vì vậy những so sánh thường không mang nhiều ý nghĩa.


Thai phụ không thể làm bất cứ điều gì tác động lên hàm lượng hCG của mình. Một số loại thuốc dùng trong điều trị sức khỏe sinh sản sẽ ảnh hưởng đến nồng độ hCG, nhưng cũng sẽ được nhận biết khi nhìn vào kết quả xét nghiệm hCG.


Nguồn sinh học cung cấp hCG cao nhất chính là nước tiểu của những bà mẹ mang thai. Đôi khi chúng trở thành nguồn khoa học cho việc thu thập hCG, rồi sau đó được mang ra sử dụng cho những bà mẹ cần hỗ trở khả năng sinh sản.


 


Các dụng cụ thử thai tại nhà hoạt động bằng cách phát hiện hCG trong nước tiểu của thai phụ. Chúng không cho một con số cụ thể về lượng hCG được phát hiện.


Bởi vì các xét nghiệm nước tiểu phát hiện sự hiện diện của hCG, nó không thể cho ra một kết quả dương tính giả về việc mang thai. Nếu lượng hCG xuất hiện với nồng độ đủ cao, kết quả là dương tính. Tuy nhiên vẫn có thể có kết quả âm tính giả, đặc biệt vào những ngày đầu của thai kỳ, khi lượng hCG chưa đủ nhiều.


Không có hàm lượng hCG bình quân vào thời gian đầu mang thai. Có sự khác biệt lớn về lượng hCG trong cơ thể của mỗi thai phụ vì vậy việc định rõ một con số cụ thể là điều không thể.


Đo lường cụ thể hàm lượng hCG thường hiếm khi được thực hiện, trừ khi bác sĩ hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có sự quan tâm đặc biệt đến khả năng tồn tại của thai nhi. Trong trường hợp nghi ngờ sẩy thai không hoàn toàn bởi hiện tượng chảy máu âm đạo và giãn cổ tử cung, một xét nghiệm đo nồng độ hCG trong máu có thể được tiến hành để xác định liệu thai vẫn còn hay mất. Thậm chí một siêu âm tử cung cũng được thực hiện cùng lúc để thu thập thêm những chứng cứ bổ sung.


 


Nồng độ hCG thấp nói lên điều gì?


Nó có nghĩa là bạn chỉ vừa mới thụ thai thôi nên nồng độ hCG chưa kịp tăng cao như những giai đoạn sau này. Nồng độ hCG thấp cũng có thể cho thấy có điều gì không ổn trong quá trình phát triển của thai nhi. Bào thai có thể không tồn tại, có khả năng trứng bị hỏng (một túi thai trống) hoặc có thể là thai ngoài tử cung. Bất kỳ gián đoạn nào trong quá trình phôi thai bám vào niêm mạc tử cung đều được phản ánh qua nồng độ hCG. Nhưng phần lớn thai phụ sẽ không biết gì về lượng hCG trong họ, trừ khi họ đang được điều trị hỗ trợ khả năng sinh sản.


Nồng độ hCG cao nói lên điều gì?


Đó có thể là dấu hiệu mang thai của một ca mang đa thai hoặc một sự gián đoạn trong quá trình phát triển bình thường của bào thai, đặc biệt là hiện tượng thai chết lưu. Nồng độ hCG cao cũng có thể xuất hiện khi bào thai đã phát triển hơn nhiều. Một số khối u ung thư cũng có thể sản xuất hCG. Vì thế, nên xem xét khi có bất kỳ nghi ngờ gì đối với thai phụ và thai nhi hoặc khi lo lắng về một điều bất thường có thể xảy ra.

Không những giàu dinh dưỡng nấm đùi gà còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn cực kỳ ngon miệng tốt cho sức khỏe.


Nấm đùi gà có chất thịt nấm rất giòn, mùi vị thơm ngon. Nấm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein gấp 4-6 lần loại rau thông thường khác… Không những giàu dinh dưỡng nấm đùi gà còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn cực kỳ ngon miệng tốt cho sức khỏe.


Dưới đây là công thức làm món nấm đùi gà ăn lạ cho ngày mới cũng như rất tốt cho sức khỏe bà bầu mang thai 3 tháng đầu.


nấm đùi gà chiên trứng


 


Trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Nguyên liệu


- Trứng ngỗng: 1 quả


- Nấm đùi gà: 200g


- 100g thịt heo băm nhuyễn


- ½ thìa cà phê hành băm, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa súp dầu ăn


Hướng dẫn làm nấm đùi gà chiên trứng ngỗng


Bước 1: Trứng ngỗng đánh tan với ít hạt nêm.


- Nấm ngâm nước muối pha loãng 15 phút, rửa sạch cắt bớt phần gốc, cắt hạt lựu.


- Thịt heo rửa sạch, ướp với hạt nêm và muối, để thấm 10 phút.


Bước 2:  Làm nóng dầu ăn, cho hành băm vào phi thơm, cho nấm vào xào khoảng 1 phút sau đó trút thịt vào, đảo nhanh tay rồi nhấc xuống.


Bước 3: Làm nóng dầu ở một chảo khác, đổ trứng vào rồi rải nấm và thịt đều trên mặt. Khi trứng ướt, đậy nắp lại để thêm 2 phút cho trứng chín hẳn.


Cho trứng chiên nấm ra đĩa, rắc tiêu lên, dùng với cơm.


 


Nấm đùi gà xào bơ


Nguyên liệu: Nấm đùi gà tươi: 300g; Bơ: 30g; Tỏi khô, hành tím, gia vị, hạt nên, dầu ăn, hành lá.


Cách làm:


Nấm đùi gả rửa sạch, thái thành những lát tròn dày 3-4mm.


Bắc chảo lên bếp, đổ chút dầu ăn vào đun nóng, sau đó cho những lát nấm đã thái trước đó vào rán cho chín vàng hai mặt.


Gắp nấm đã được rán chín vàng ra khỏi chảo. Cho bơ vào đun chảy tiếp đo cho hành, tỏi băm vào phi thơm, tiếp đến cho nấm vào, thêm bột nêm, đảo đều 2-3 phút.


Cho nấm ra đĩa và rắc hành lá lên là có thể thưởng thức.


Nấm đùi gà xào vừng


Nguyên liệu: 3 cây nấm đùi gà; 1 tbs dầu vừng; 1/2 tbs xì dầu; 1/2 tbs dầu hào; 1 tbs tỏi băm; 1 tbs dầu ô liu; 1 tbs hành lá thái nhỏ; 2 tsp vừng rang


Cách làm: Nấm đùi gà rửa sạch, thái lát dày cỡ 3-4mm. Hòa nước sốt gồm dầu vừng, xì dầu, dầu hảo, tỏi băm. Cho nấm vào trộn đều rồi để ướp 15 phút. Làm nóng dầu trên chảo, cho nấm vào xào đến khi nấm chín, khoảng 4-5 phút. Cho nấm ra đĩa, rắc hành lá và vừng rang lên trên. Ăn khi còn nóng.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Cùng tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé dưới đây để chuẩn bị cho bé những thực đơn hấp dẫn, bổ dưỡng cũng như bắt đầu bước sang giai đoạn ăn dặm thật “bài bản” mẹ nhé!


Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé


Lấy nước dùng đã có để nấu cháo. Bé ăn chủ yếu là cháo gạo trắng, thỉnh thoảng có trộn thêm gạo lức hoặc đỗ xanh. bé ghét ăn cháo đặc, cứ đặc là nhè ra ngay nên mẹ phải nấu hơi loãng một chút cho dễ nuốt. Mỗi ngày mẹ nấu 1 nồi cháo trắng, đến bữa nào ăn thì múc riêng, cho thịt cá, rau củ quả vào sau. Thịt có thể hầm chung với cháo luôn cho nhừ.


- Chất đạm: bé ăn thịt bò, gà, tôm, các loại cá thịt trắng, cá hồi, đậu, lòng đỏ trứng. Từ 10 tháng trở đi ăn thêm lòng đỏ trứng chim cút. Thịt chỉ cần băm kĩ và hầm mềm. Cá chín mềm, dùng thìa nghiền nhỏ là được.


- Rau củ quả: bé có thể ăn được rất nhiều loại. Mẹ thường băm nhỏ cho bé ăn.


- Dầu ăn: tùy cháo mà mẹ thêm dầu mè (dầu này rất thơm, hợp với các loại cá, rong biển), dầu oliu (dầu oliu mùi hơi khó chịu, hợp với 1 số loại rau củ), dầu hạt cải (hầu như không mùi nên dễ kết hợp), dầu mầm gạo (cái này cũng dễ nấu, lại giàu vitamin). Mỗi bát cháo nêm 1 thìa dầu ăn (thìa nhỏ xíu thôi).


Cách nấu nước dùng


Phải nấu nước dùng riêng vì con không được ăn muối, đường hay các gia vị nêm, với lượng thịt cá cho mỗi bữa ăn quá ít (chừng 15-25gr) không thể tạo vị cho cháo được, mà nhạt nhẽo quá thì rất khó ăn. Thế nên, chế biến thực đơn cho bé ăn dặm mẹ nên nấu nước dùng riêng rồi lấy nước đó nấu cháo cho bé.


- Nước gà (gà già, lọc bỏ mỡ, da, hầm lấy nước, cho vào tủ lạnh, vớt bỏ hết mỡ, chỉ dùng nước trong). Nước này rất ngọt và bé cũng thích ăn.


- Nước rong biển: rong biển mua về rửa sạch, ngâm chừng nửa tiếng, rửa lại rồi cho vào đun nhỏ lửa. Nước này giàu canxi, iot và khoáng chất.


- Nước rau củ quả: cà rốt, củ cải, hành tây, bắp cải, nấm đông cô… rửa sạch, luộc lấy nước.


- Nước hầm nấm: nấm đông cô, (hay còn gọi là nấm bào ngư) cho thêm chút hành tây). Nước này rất ngọt và thơm.


- Nước xương hầm: xương sườn lợn hoặc xương lưng (cũng làm như với nước gà). Nước xương này thì không ngọt lắm, thỉnh thoảng bé mới măm.


- Nước cá khô: (cá cơm khô) ninh với củ cải. Nước này cũng rất ngọt và giàu canxi, khoáng chất. Tuy nhiên, nước này hơi mùi cá nên nấu với cá, tôm thì hợp. Nước này tốt nhưng hơi mặn nên bé không ăn nhiều, tuần ăn khoảng 1 ngày, sau 12 tháng thì ăn vô tư.


Gợi ý một số món cháo ngon cho bé ăn dặm


Cháo lươn nấu cải bó xôi


Món cháo lươn thơm phức, có màu xanh đẹp mắt này chắc chắn sẽ kích thích sự thèm ăn của các bé. Lươn và cải bó xôi cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể của trẻ. Món ăn này phù hợp làm thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm.


Nguyên liệu


Gạo: 30g


Thịt lươn nạc: 30g


Cải bó xôi: 30g.


Gia vị: dầu ăn tinh luyện, nước mắm, tỏi, hành lá, ngò.


Hướng dẫn


Bước 1: Gạo vo sạch, nấu nhừ thành cháo. Lươn làm sạch, cho vào cháo luộc chín, vớt ra, bỏ xương, lấy nạc. Cải bó sôi cắt nhuyễn.


Bước 2: Ướp lươn với chút nước mắm, rồi cho vào cháo đã phi tỏi thật thơm, xào sơ lươn cùng với cải bó xôi. Cho lươn và cải đã xào vào nồi cháo, trộn đều, đun sôi, thêm chút hành, ngò cắt nhuyễn.


Thực đơn cho bé lạ miệng với Cháo mực thịt heo cải ngọt


Nếu muốn một món ăn ngon nhưng lại đơn giản vào ngày đầu tuần bận rộn, đừng quên cho món Cháo mực thịt heo cải ngọt vào thực đơn ăn dặm cho bé con nhà  bạn. Món này rất bổ dưỡng mà lại không làm mất thời gian của mẹ đâu nhé!


Nguyên liệu


- 2/3 chén cháo trắng nấu nhừ hơi đặc


- 1 muỗng canh vun cải ngọt băm nhuyễn (10g)


- 1 muỗng canh gạt thịt heo băm nhuyễn (10g)


- 1 muỗng canh gạt mực ống băm nhuyễn ( 20g)


- 1 muỗng canh gạt dầu (5g)


-  1/3 chén nước


Hướng dẫn


Bước 1: Cho nước, cháo, mực và thịt vào nồi, khuấy đều, bắt lên bếp đun sôi.


Bước 2: Cho cải ngọt và dầu ăn vào khuấy đều.


Bước 3: Nêm nếm vừa ăn. Cháo chín, nhấc xuống để nguội bớt và cho bé ăn.