Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Bạn đã mang thai được 6 tháng. Bụng của bạn đã tròn to lên. Bạn chắc chắn đã bắt đầu lên kế hoạch cho ngày sinh em bé và đang suy tính mình sẽ cần những gì. Nếu bạn đã từng sinh con thì điều này khá là đơn giản với bạn, nhưng nếu đây là lần đầu, có vẻ như bạn sẽ “bơi” trong hàng đống những lo lắng và những việc cần chuẩn bị. Cùng tìm hiểu những thay đổi của cơ thể tkhi mang thai tháng thứ 6 qua từng tuần thai nhé.


Thay đổi của cơ thể bạn trong tuần 23


Bạn thấy có một ít máu trên bàn chải đánh răng? Lợi của bạn đang làm việc “ngoài giờ” để hỗ trợ răng và hệ xương bao quanh. Bạn cũng có thể phát hiện thấy lợi của mình bị sưng hoặc viêm. Nhớ đánh răng mỗi ngày ít nhất hai lần và dùng chỉ nha khoa vào ban đêm. Lợi bị chảy máu là dấu hiệu cho thấy cần phải đánh răng nhiều hơn chứ không phải ít đi. Hãy nhớ rằng bạn nên hẹn gặp nha sĩ ít nhất 2 lần trong suốt thai kỳ.


Dây chằng và cơ hỗ trợ tử cung của bạn cũng đang tập thể dục! Progesterone và Relaxin, những hoóc môn quan trọng trong thai kỳ, đang phù phép bằng cách nới lỏng và làm chùng những bó xơ căng cứng. Điều này giúp cơ thể bạn chuẩn bị cho việc sinh nở, nhưng nó đi kèm với việc khiến cho mọi thứ trở nên lỏng lẻo hơn. Tắm nước ấm, xoa bóp bụng và thậm chí là vật lý trị liệu đều có thể giúp xoa dịu sự khó chịu.


Bạn thường xuyên mở tủ lạnh và cảm giác bạn không bao giờ no? Bạn luôn luôn tìm thứ gì đó để ăn? Hãy nhớ rằng bánh quy và bánh ngọt có thể hấp dẫn nhưng không tốt cho bạn hay em bé của bạn. Hãy chọn bánh mì làm từ 100% bột lúa mì nguyên hạt, bánh nướng xốp, thức uống từ sữa và ngũ cốc loại tốt nhúng trong sữa phủ thêm ít trái cây. Hãy nghĩ đến chất lượng, không phải số lượng. Không cần phải bỏ đói chính mình, nhưng nên tránh những thứ vô bổ vì chúng không giúp em bé của bạn phát triển.


Thai nhi tuần 24


Bụng của bạn mỗi tuần mỗi lớn hơn và đến thời điểm này, có lẽ bạn khó mà nhìn thấy đầu gối mình khi đứng thẳng. Một số chị em thấy việc thay đổi trên cơ thể mình thật đáng báo động bởi họ đã trở nên kém hấp dẫn đi, nhưng số khác thì chấp nhận sự thật này dễ dàng hơn, bởi họ cho rằng đương nhiên là mọi chuyện phải thế. Mang thai đơn giản là một quá trình sinh học. Việc người mẹ cảm thấy thế nào về hình thức của mình cũng chẳng làm thay đổi được những gì đang diễn ra với cơ thể họ. Hầu như mọi thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai đều có nguyên nhân rõ ràng.


 


Tổng lượng máu trong người bạn tăng lên khoảng 25% so với trước lúc mang thai. Nhưng khi đến gần tuần thứ 35 thì lượng máu mới lên tới đỉnh điểm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận ra rằng những ngón tay và mắt cá chân của mình bị sưng phù lên vào mỗi cuối ngày.


Tuần này bạn sẽ bị chứng co thắt Braxton Hicks thường xuyên hơn. Những cơn co thắt này khiến cho dạ con của bạn co cứng lại vào những lúc bất chợt. Đừng lo lắng trừ phi bạn quá đau, hay các cơn co thắt diễn ra thường xuyên, hoặc bạn bắt đầu bị đau lưng dưới. Đặc biệt, bạn sẽ bị chứng này nhiều hơn sau mỗi lần cúi người xuống, đứng thẳng lên, sau khi quan hệ tình dục và khi leo cầu thang.


Sẽ có nhiều thay đổi diễn ra trong ruột của bạn nữa, thật không dễ chịu gì. Chứng táo bón là một vị khách lì lợm cứ cố dai dẳng ở lại với bạn, và bạn cảm thấy như mình đang dành quá nhiều thời gian cho việc đi đại tiện, nhiều hơn mức bạn muốn. Nhớ uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, và cố gắng tập thể dục hàng ngày. Những thức ăn đã qua xử lý và có màu trắng sẽ làm tình hình tệ hơn, thế nên hãy tránh ăn chúng và thay vào đó là các thực phẩm làm từ bột nguyên hạt.


Từ giờ trở đi, phải rất cẩn thận mỗi khi bạn đứng lên. Nhiều phụ nữ mang thai bị chứng hạ huyết áp khi thay đổi tư thế. Lúc ra khỏi giường, hãy ngồi ở thành giường một vài phút trước khi đứng lên. Nếu bạn thấy choáng váng như thể sắp ngất xỉu, hãy cúi đầu mình vào giữa 2 chân và gọi ai đấy gần mình nhờ giúp đỡ. Nếu không còn lựa chọn nào khác, thì hãy ngồi xuống sàn cho tới khi bạn cảm thấy bình thường trở lại. Bạn cứ yên tâm là mình không phải bà bầu đầu tiên làm như thế, và càng không phải là người cuối cùng.


Mang thai tuần 25


Khi bụng bạn lớn ra, thì khung xương sườn cũng lớn theo. Chắc chắn khung xương phải nở ra bởi dạ con của bạn cần có chỗ để nhô lên cao và nhô ra ngoài. Giai đoạn này bạn có thể cảm thấy khó thở vì phổi không còn chỗ để nở ra mỗi khi bạn hít vào. Thi thoảng bạn nên thở thật sâu. Khi bạn nói chuyện điện thoại, leo lên một chiếc cầu thang máy rất dốc hay đi nhanh quá là những lúc hơi thở của bạn trở nên gấp gáp. Hãy để ý tư thế của mình và tránh thõng người xuống, bạn cần phải để cho phổi của bạn đủ không gian để làm việc và cung cấp oxy cho cả bạn lẫn bé.


Bạn có thể sẽ thấy ngứa ở bụng, cảm giác như có kiến bò lung tung quanh đó. Lý do có thể là bởi những sợi collagen ở lớp giữa của da bạn đang duỗi ra. Bạn có thể giảm cảm giác này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm lên bụng sau khi tắm. Tránh tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, và tránh dùng các loại xà bông tắm làm khô da. Chỉ nên dùng các loại khăn bông cotton hoặc bông sợi tự nhiên, và đừng làm gì để da bạn bị nóng lên.


Có thể bạn sẽ bị mất ngủ ở tuần thứ 25 này. Bạn thường cảm thấy mình đã rất mệt khi lên giường, thế nhưng lại rất khó ngủ dù muốn lắm. Tâm trí bạn cứ đầy ắp suy nghĩ về mọi thứ, và vấn đề chỉ được giải quyết khi bạn dậy đi vệ sinh. Lại nói về chuyện đi vệ sinh, có thể bạn thường phải đi vào nhà vệ sinh vài lần một đêm, và rõ ràng là phải thức dậy nhiều lần trong đêm như vậy không giúp ích gì cho chứng mất ngủ của bạn. Nhưng cứ nằm trên giường lăn qua lại thì cũng tệ chả kém. Nếu bạn bị mất ngủ như thế, thì bạn nên ngồi dậy một lúc. Có thể xem truyền hình, uống một cốc sữa, đi tắm, hoặc đọc sách. Những thứ nhẹ nhàng dễ chịu như là những tấm ga trải giường sạch sẽ thơm tho, không khí trong lành, gió quạt dìu dịu thổi qua người, hay một chồng gối êm êm đều có thể giúp cho bạn chìm vào giấc ngủ dễ hơn.


Khi bạn đang bị mất ngủ về đêm, thì hãy cố gắng chống cự với cơn thèm ngủ ban chiều. Thay vào đó, hãy đi ngủ sớm hơn và tận dụng sự mệt mỏi của cơ thể lúc này. Cố gắng đi ngủ điều độ và tránh dùng máy tính trước lúc ngủ. Bạn cần gạt hết mọi yếu tố gây kích thích từ môi trường chứ không phải là tạo thêm điều kiện để chúng tác động đến giấc ngủ của bạn.


Có thể bạn sẽ phải chịu đựng hội chứng ống cổ tay trong tuần này. Sự nghẽn dịch khiến cho cườm tay bạn sưng phồng lên, tạo áp lực lên thần kinh điều khiển hai tay. Vật lý trị liệu cũng có tác dụng đáng kể với chứng này, và có thể bạn cần nẹp tay nếu chuyên gia vật lý trị liệu của bạn thấy cần thiết. Nếu bạn thấy quá khó chịu, hãy đặt tay đau lên một chiếc gối khi nằm ngủ. Làm như vậy sẽ giúp cho lượng dịch dư thừa phân tán bớt khỏi vùng cườm tay.


Mang thai tuần 26


Mang thai tháng thứ 6, những dấu đỏ trên bụng có thể sẽ xuất hiện. Xin đừng hoảng hốt nếu bạn thấy chúng. Những dấu đỏ ấy là không-thể-tránh-khỏi. Mặc dù lúc đầu chúng hiện lên có màu đỏ và trông rất rõ ràng, trong vòng 1 năm chúng sẽ trắng nhạt đi và rất khó để có thể nhận biết được.


Bạn sẽ thấy khó khăn khi ngồi xổm và gập người xuống, và rõ ràng bạn cũng không nên làm như vậy. Hãy tìm những cách khác hiệu quả hơn. Nếu bạn còn đi làm, hãy sắp xếp chỗ làm việc của mình sao cho phù hợp nhất. Chiếc ghế làm việc trước bàn vi tính của bạn cũng vì vậy mà cũng nên được điều chỉnh một ngày vài lần.


Vú của bạn cũng bắt đầu sản xuất sữa non, sau này sẽ trở thành sữa mẹ. Đây là một chất lỏng sánh, không màu và đôi khi có màu vàng, chứa rất nhiều kháng thể (các chất trong máu nhằm phát hiện và chống lại vi trùng, vi khuẩn). Đây là dấu hiệu tuyến vú của bạn bắt đầu tiết sữa, chuẩn bị sẵn sàng để chăm sóc cho đứa con sắp sửa ra đời. Nếu bạn đã từng cho con bú trước đó, sữa non có thể được tiết ra sớm hơn một chút.


Xem tiếp: Mang thai tháng thứ 7

0 nhận xét:

Đăng nhận xét