Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Bước sang giai đoạn mang thai tháng thứ 6 mà cụ thể là tuần thứ 24, lúc này cột sống của bé đã khỏe hơn và đủ sức nâng đỡ cơ thể rồi, ngoài ra bé còn phản ứng lại được với âm thanh và sự va chạm bên ngoài nữa. Bấy giờ bé đã sẵn sàng cho việc hô hấp rồi, tuy nhiên do vẫn còn nằm trong bụng mẹ nên việc thở vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ.  Tuần này mẹ trông có vẻ kém tươi tắn, mẹ cần bồi bổ thêm những thực phẩm giàu năng lượng, chọn loại áo ngực phù hợp để nâng đỡ bộ ngực căng tràn vì các mô tuyến sữa đang phát triển.



 


Nhật ký bé trong bụng mẹ – Tuần thứ 24


Ngày thứ 162: Bé nặng khoảng gần 1kg rồi và bắt đầu cảm thấy tử cung của mẹ chật hẹp.


Mẹ làm cho bé: Dường như mẹ đang cân nhắc về một số dịch vụ giữ trẻ? Vậy thì hãy bắt đầu bằng 3 điều sau: Tìm kiếm tỷ lệ và số lượng nhà trẻ gần nhà, xem xét cách thức chăm sóc trẻ và số lượng trẻ trung bình mỗi lớp đồng thời xem xét yếu tố an toàn cho bé sau này.


Ngày thứ 163: Bé hiếu động nhiều, đôi khi sẽ tóm lấy chân và mút ngón chân nữa.


Mẹ làm cho bé: Một cách để kiểm tra sức khỏe của thai nhi là đếm số cú huých (thúc) của bé. Ghi lại trên giấy note toàn bộ thời gian bé chuyển động trong ngày, nếu xấp xỉ 10 lần trong vòng 15 phút – 2 giờ đồng hồ tức là bé hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu trên 2 giờ mà không đủ khoảng 10 lần thai máy thì nên tham vấn bác sĩ sản khoa.


Ngày thứ 164: Bé đã sẵn sàng cho việc hô hấp với lá phổi riêng nhưng không khí vẫn chưa thể đi vào phổi khi bé còn ở trong bụng mẹ.


Mẹ làm cho bé: Đừng ăn những món lặp đi lặp lại mà nên đa dạng hóa thực đơn của mẹ để bổ sung dinh dưỡng hợp lý hơn cho cả mẹ lẫn bé. Cần biến tấu mới mẻ cho bữa ăn như trộn cà chua với vài món rau củ khác để kích thích vị giác, như thế mẹ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.


Ngày thứ 165: Nếu bố áp tai vào bụng mẹ ngày hôm nay, bố sẽ nghe nhịp đập trái tim của bé.


Mẹ làm cho bé: Mang thai tháng thứ 6, ngoài bố mẹ thì ông bà nội ngoại của bé cũng là những người luôn háo hức mong đợi được gặp bé. Cố gắng chuẩn bị đầy đủ và tươm tất những gì có thể phục vụ cho ngày “lâm bồn”, đừng bỏ qua sự hỗ trợ của ông bà.


Ngày thứ 166: Bé phản ứng lại với cả âm thanh và sự va chạm vào ngày hôm nay.


Mẹ làm cho bé: Nếu mẹ theo đạo Thiên chúa thì đây là lúc mẹ cân nhắc chọn cha đỡ đầu cho trẻ.


Ngày thứ 167: Cột sống của bé đã mạnh hơn và đủ sức nâng đỡ cơ thể rồi.


Mẹ làm cho bé: Phải cảm ơn những hình ảnh qua máy siêu âm vì nhờ nó mà mẹ biết được bé đã lớn lên như thế nào. Mẹ hãy giữ những bức hình đó làm kỷ niệm cho bé về sau nhé. Có thể lồng vào khung hình và chưng ở trong phòng ngủ, trên bàn làm việc chẳng hạn.


Ngày thứ 168: Bé tăng cân rõ rệt và mỡ được phân bố đi 3 khu vực: vùng gáy, quanh quả cật và vùng xương ức. Lớp mỡ nâu này tương tự một số động vật trữ mỡ như gấu để giữ ấm qua mùa đông vậy. Nó giúp bé ấm áp trong tuần đầu tiên sau khi rời bụng mẹ.


Mẹ làm cho bé: Bấy giờ vai trò của bố rất lớn, bố phải từ bỏ các cuộc vui để săn sóc mẹ và bé lúc này. Mẹ hãy nhờ bố làm dùm những công việc trong nhà, cùng trò chuyện với con như mẹ từng làm…


Nhật ký mẹ mang thai – Tuần thứ 24


Ngày thứ 162: Những ngón tay của mẹ lại sưng phồng lên khiến những ngón tay đeo nhẫn của mẹ càng bị bó chặt và khó chịu.


Mẹ làm cho mẹ: Để thoải mái hơn, mẹ nên ngâm tay trong nước lạnh, để tháo nhẫn dễ dàng, mẹ chỉ cần cho một chút xà phòng vào là nhẫn sẽ trượt ra khỏi ngón tay. Cất kỹ nhẫn vào đâu đó cho đến lúc giảm triệu chứng này thì có thể đeo lại.


Ngày thứ 163: Trông mẹ sẽ rất “xuống sắc” ngày hôm nay, mẹ sẽ phải gập người về phía trước một chút mới thấy được chân mình.


Mẹ làm cho mẹ: Hãy cắt tỉa móng tay, tóc tai gọn gàng hơn, massage đôi chân giúp đôi chân bớt phù nề và vững vàng hơn.


Ngày thứ 164: Dù mẹ có chọn phương pháp sinh con không đau như dùng thủ thuật Lamaze thì mẹ vẫn luôn e ngại về cơn đau đẻ của mình.


Mẹ làm cho mẹ: Thật không dễ dàng chút nào vì cơ thể sẽ không chỉ huy (kìm giữ) được những cơn rét run khi lâm bồn. Tất cả những gì mẹ cần làm là phải tự tin vào bản thân mình, nhủ thầm trong đầu về những thử thách cần vượt qua. Chuẩn bị những bản nhạc thư giãn để nghe trong khi chờ sinh nở cũng là một giải pháp hay.


Ngày thứ 165: Mang thai tháng thứ 6, bụng mẹ lớn hơn nên cần phải có những chiếc áo dài và rộng hơn, thoải mái hơn Những chiếc thắt lưng lúc này không còn an toàn cho bé nữa và áo sơ mi thì có thể che phủ được toàn bộ chiếc bụng.


Mẹ làm cho mẹ: Mẹ nên sắm sửa cho mình ít nhất mỗi thứ một đôi để có thể thay đổi được, nó bao gồm: áo, váy, vớ, giày dép…Sắm sửa 1-2 bộ áo đầm đẹp để có thể tham dự các lễ tiệc nữa.


Ngày thứ 166: Mẹ có thể thấy là mình trì trệ, uể oải và thiếu sinh lực nhưng có thể do tính chất việc mà mẹ không thể nghỉ ngơi ngay được.


Mẹ làm cho mẹ: Bồi đắp nguồn năng lượng cơ thể với carbohydrate chứa lượng chất béo thấp: trái cây tươi, bánh mì lạt, khoai tây, nho khô.


Ngày thứ 167: Nếu mẹ để ngón tay miết theo bao tử, mẹ sẽ chạm vào một nơi mềm mại, đó là cơ bụng của mẹ đang được phân tách.


Mẹ làm cho mẹ: Cơ bụng phân tán ra như thế sẽ giúp cho tử cung tăng kích thước lên, điều này đồng nghĩa với việc sẽ dễ bị tổn thương hơn khi thúc đẩy hoặc kéo căng ra. Không nên đứng lên ngồi xuống đột ngột, cẩn thận khi mang vác…Các cơ bụng sẽ trở lại trạng thái cũ sau sinh nên mẹ không nên quá lo lắng.


Ngày thứ 168: Vào cuối thai kỳ bầu ngực sẽ tăng lên nhờ một lớp mô và mỡ, đó là lúc sẵn sàng để chuẩn bị nuôi con bằng sữa mẹ.


Mẹ làm cho mẹ: Mẹ cần lựa chọn loại áo ngực cho con bú với kích cỡ vừa, hơi rộng và thấm hút tốt. Ngực mẹ sẽ tiếp tục lớn lên và càng lớn hơn khi có sữa, mẹ lưu ý để chọn những chiếc áo ngực vừa vặn nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét