Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Những em bé mới sinh sẽ không thể nhận thức được về bản thân mình là một cá thể độc lập. Bé vẫn cho rằng mẹ hay tất cả những người xung quanh bé chỉ là một. Bé thậm chí chẳng thể nhận ra rằng đôi bàn tay bé xíu đang đung đưa trước mặt kia là của chính mình.


Theo thời gian, bé sẽ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, song song với phát triển kỹ năng. Bé sẽ bắt đầu khám phá ra rằng mình chính là… mình, với cơ thể, suy nghĩ và những cảm xúc riêng. Và đương nhiên, lúc này bé sẽ rất thích được tự làm theo ý mình đấy!


Khi nào nhận thức của bé sẽ phát triển?


Nhận thức về cá thể của bé sẽ mất nhiều năm mới có thể phát triển kỹ năng hoàn thiện. Vào khoảng 6-7 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu biết được bản thân bé tách biệt hoàn toàn với mẹ. Đây cũng là lúc những căng thẳng, lo lắng khi phải xa mẹ xuất hiện và nó có thể kéo dài cho đến năm thứ hai.Tuy nhiên, đến lúc bé trở nên quen thuộc hơn với thế giới xung quanh, cũng như tự tin hơn vì biết rằng mẹ sẽ lại quay trở về đón bé từ nhà trẻ hoặc từ vú nuôi, bé sẽ dần có thể vượt qua được sự lo âu đó và dần trở nên độc lập hơn. Trong những năm đầu đời của bé, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề rắc rối, khóc lóc, giận dỗi… do bé dần biết tự chủ và chỉ muốn làm theo ý của mình mà thôi.


Nhận thức sẽ phát triển thế nào?


Từ 1-6 tháng tuổi


Trong 6 tháng đầu đời, bé hoàn toàn chẳng nhận ra được bản thân mình và cho rằng mình cũng giống như là người đang ở trước mắt kia. Bé chỉ hành động và phản xạ theo bản năng, thậm chí bé cũng chẳng thể suy nghĩ về việc mình đang làm gì trong những tháng đầu đời. Mối quan tâm duy nhất của bé chính là thỏa mãn được những nhu cầu tức thời về thức ăn, tình thương và sự quan tâm.Bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu của sự tự chủ đầu tiên xuất hiện từ sớm ngay khi bé 4 tháng tuổi. Lúc này bé đã phát hiện ra rằng mình có thể khóc để được chú ý. Đây là một trong những bước đầu tiên bé học được rằng mình có một ý thức độc lập và rằng hành động của mình có thể gây ảnh hưởng đến người khác – tức là mẹ đấy!


Một trong những nghiên cứu nổi tiếng chứng minh mức độ nhận thức về bản thân của các em bé là hoàn toàn bằng 0. Các nhà nghiên cứu đặt một vài em bé dưới một tuổi trước một tấm gương để xem các bé phản ứng thế nào, các bé có biết rằng đó chỉ là hình ảnh phản chiếu của mình hay không?


Kết quả là các bé đều vỗ hoặc chạm vào hình ảnh trong gương của mình như thể bé đang nhìn thấy một em bé khác. Và khi các nhà nghiên cứu chấm mực đỏ vào mũi của bé rồi đặt lại trước gương, các bé chỉ cố gắng để chạm vào chiếc mũi chấm đỏ trong gương mà không phải là mũi của mình.


Từ 7-12 tháng tuổi


Khoảng 7 tháng tuổi, bé đã nhận ra được sự tách biệt của bản thân và mẹ. Nhận thức mới mẻ này vô cùng thú vị nhưng lại có thể khiến cho bé rơi vào tâm trạng căng thẳng, lo âu. Bé biết rằng mẹ có thể rời xa bé nhưng lại không biết mẹ rồi sẽ quay trở về. Vì thế, thường bé sẽ khóc lóc mỗi khi mẹ rời đi.


Tuy vậy, mẹ cần phải tránh đừng lén lút bỏ đi khi để bé ở nhà cho vú nuôi hoặc gửi bé tại nhà trẻ nhé. Cách này chẳng giúp cho bé nguôi ngoai mà còn khiến bé càng hoảng loạn và lo sợ bạn sẽ không quay lại nữa. Dù rằng rất khó khăn nhưng mẹ nhớ nhé, hãy hôn bé, chào tạm biệt và cho bé thấy lúc bạn ra đi.


Từ 13-24 tháng tuổi


Bé đang học cách tách biệt mình với mẹ và thế giới xung quanh. Trong cùng một nghiên cứu đã nói bên trên, các nhà nghiên cứu cũng chấm mực đỏ lên mũi của những đứa bé khoảng 21 tháng tuổi. Khi nhìn thấy hình ảnh mình trong gương, các bé đã tự sờ tay vào mũi của mình – như vậy ở độ tuổi này bé đã hiểu được hình ảnh phản chiếu trong gương chính là mình.


Đứa bé 2 tuổi vẫn có thể cảm thấy buồn rầu, lo lắng khi mẹ rời khỏi nhà hoặc mẹ đưa bé đi nhà trẻ, tuy nhiên lúc này bé sẽ lấy lại bình tĩnh nhanh hơn vì bé có cảm giác an toàn hơn với bản thân. Kinh nghiệm và trí nhớ của bé đã dạy rằng mẹ đi chỉ một lúc thôi rồi lại quay về. Mẹ cũng đã xây dựng được niềm tin với bé vì sự yêu thương và chăm sóc của mình.


Cũng chính sự tin tưởng này giúp cho bé có được tự tin để khẳng định bản thân. Chẳng hạn như bé chỉ mặc một chiếc áo mấy ngày liên tục, ăn một vài loại thức ăn nhất định hay tự trèo lên ghế ngồi… là những dấu hiệu cho thấy bé đã biết tự chủ hơn.


Từ 25-36 tháng


Từ 2-3 tuổi, bé sẽ tiếp tục “đấu tranh” để giành quyền tự chủ cho mình. Bé sẽ đi xa hơn khỏi bạn để khám phá xung quanh, bé liên tục thử nghiệm với những giới hạn của mình (ví dụ như vẽ bậy lên tường – điều mà mẹ vừa bảo bé không được làm). Trên thực tế, “để con làm” là một trong những điệp khúc phổ biến nhất mà bạn sẽ nghe từ một đứa bé trong độ tuổi này.


Vai trò của mẹ


Mỗi đứa bé đều cần có sự gắn kết chắc chắn với người mẹ trước khi chúng có thể phát triển kỹ năng, lớn lên và khám phá thế giới của chính mình. Tình yêu thương và sự ủng hộ của mẹ sẽ xây dựng trong bé sự tự tin cần thiết để bé có thể tự lập hơn.


Bắt đầu từ khi bé mới sinh ra, hãy cố gắng đáp lại bé mỗi khi bé khóc, nói chuyện hoặc mỉm cười khi bé chú ý. Xây dựng sợi dây liên kết tình mẫu tử bằng tình thương, sự quan tâm chăm sóc em bé từ miếng ăn, giấc ngủ và vệ sinh…


Lúc này mẹ có thể chơi một vài trò chơi trong nhà nho nhỏ đế giúp bé có thể nhận thức và hiểu được sự vắng mặt và trở về của mẹ để bé không trở nên hoảng hốt khi mẹ rời khỏi bé. Ví dụ như chơi trò chơi ú òa, trốn sau đồ vật trong nhà, hoặc giấu đồ chơi dưới chăn và cùng bé đi tìm. Những trò chơi này không chỉ dạy bé nhận thức mà sự tương tác giữa mẹ và bé còn giúp thúc đẩy sự gần gũi mà bé cảm thấy đối với mẹ.


Để có thể phát triển độc lập, bé cần phải có nhiều thử nghiệm về những giới hạn của bản thân và khám phá thế giới xung quanh, vì thế bố mẹ cần tạo ra một không gian sống thật an toàn, thay vì cứ phải chạy theo con lòng vòng để đảm bảo bé không đụng đến thứ gì nguy hiểm.


Khuyến khích sự tự lập cũng như phát triển ý thức cá nhân bằng cách cho bé sự lựa chọn và để bé tự làm một số việc. Chẳng hạn như lựa chọn giữa hai bộ trang phục, loại thức ăn hay những hoạt động vui chơi mà bé có thể tự túc làm hoặc suy nghĩ… Việc dạy bé tự uống nước từ cốc hoặc dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa sau khi chơi cũng giúp bé có thể học cách để tự lập đấy.


Tuy rằng bé cưng lúc này đã bắt đầu tách dần khỏi mẹ nhưng không có nghĩa là bé cần ít tình thương và sự quan tâm của mẹ hơn. Có thể bé không có nhiều nhu cầu tức thời như trước nhưng lúc nào cũng rất cần sự âu yếm và chăm sóc từ mẹ.


Hãy cổ vũ mỗi khi bé cố gắng tự làm một việc gì đó và đừng phớt lờ nếu bé cần sự giúp đỡ từ bạn. Chắc chắn bé sẽ cần sự trấn an và hỗ trợ của bố mẹ nhiều lắm.


Khi nào cần lo lắng?


Chứng lo âu, căng thẳng là rất bình thường đối với trẻ từ 10 tháng đến 2 tuổi khi bắt đầu phải xa mẹ. Tuy vậy, mẹ cần lưu ý hỏi ý kiến của các bác sĩ nếu như chứng lo âu của bé trở nên quá độ và bé không thể làm gì nếu không có bố mẹ bên cạnh, hoặc bé khóc mãi không nín kể cả khi bạn đã rời khỏi khá lâu rồi.


Điều gì xảy ra tiếp theo?


Càng lớn, bé càng trở nên tự chủ và nhận thức về bản thân cũng như khả năng của mình rõ ràng hơn vì thế cứ mỗi bước trưởng thành, các bé sẽ càng có thêm những điều mà chúng muốn tự tay thực hiện nhiều hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét