Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Bước vào tuần thứ 5 kể từ khi nhận thấy những triệu chứng có thai đầu tiên. Lúc này, bé bắt đầu hình thành chiếc mũi, miệng và đôi tai xinh yêu; còn mẹ của bé thì bắt đầu có tâm trạng thất thường một cách… hoàn toàn bình thường. Hãy cùng tìm hiểu để có sự chuẩn bị thật tốt cho những tháng sắp tới nhé!


Thai nhi phát triển như thế nào?


Trong tuần này, bé sẽ bắt đầu thành hình chiếc mũi, chiếc miệng và đôi tai xinh yêu mà bạn sẽ muốn hôn suốt sau 8 tháng nữa. Nếu có thể nhìn được vào tử cung mình, bạn sẽ thấy một cái đầu to quá khổ cùng những điểm tối – chính là vị trí mà mắt và mũi bé đang hình thành. Đôi tai mới nhú của bé lúc này được đánh dấu bởi những điểm lõm nhỏ hai bên đầu; tay và chân của bé cũng đang nhô ra. Tim bé đang đập khoảng 100-160 nhịp/ phút – nhanh gần gấp đôi so với bạn – và máu bắt đầu lưu thông khắp cơ thể bé. Dựa vào nhịp tim các bạn có thể đoán giới tính thai nhi nữa đấy. Ruột của bé đang phát triển, các búp mô sẽ phát triển thành phổi đã xuất hiện, tuyến yên đang hình thành, phần còn lại của não bộ, cơ bắp và xương bé cũng vậy. Lúc này, bé dài khoảng 6mm.


Cụ thể bé đã phát triển như thế nào trong tuần thứ 5? Hãy điểm qua các sự kiện trong từng ngày nhé!


Ngày thứ 29: Tim bé đã đập bình thường từ ngày này, bơm một lượng máu nhỏ xíu xuyên suốt hệ mạch máu mới hình thành của bé.


Mẹ làm cho con: Nếu gia đình bố (mẹ) có tiền sử bệnh tim thì bạn hãy trình bày cho bác sĩ hoặc bà đỡ ngay trong cuộc thăm khám đầu tiên. Bằng cách đó, bác sĩ sẽ lưu tâm đến bất kỳ vấn đề nào đối với trái tim non nớt của bé.


Ngày thứ 30: Những phần tách biệt của não bé bắt đầu hình thành và tự phân loại.


Mẹ làm cho con: Tránh dùng aspirin, ibuprofen và bất cứ loại thuốc không thật cần thiết nào kể từ khi có triệu chứng có thai và trong suốt thai kỳ. Aspirin và thuốc kháng viêm đều liên quan đến nguy cơ sẩy thai và dị tật tim ở bé. Ibuprofen dùng trong giai đoạn cuối thai kỳ (3 tháng cuối) thậm chí còn rủi ro hơn vì chúng có thể dẫn đến cạn ối rất nguy hiểm. Nếu bạn cần giảm đau, hãy trung thành với acetaminophen hoặc hỏi bác sĩ để được kê các loại thuốc phù hợp cho thai phụ.


Ngày thứ 31: Thận của bé bắt đầu phát triển và chẳng bao lâu nữa sẽ sản xuất ra những giọt nước tiểu nhỏ li ti.


Mẹ làm cho con: Kiểm soát lượng caffeine (1 hoặc 2 tách / ngày) để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bé yêu. Tốt nhất là mẹ nên hạn chế chất caffeine ngay từ đầu thai kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa lượng caffeine cao trong thai kỳ và tình trạng bé sinh ra thiếu cân.


Ngày thứ 32: Cánh tay nhỏ xíu của bé và cái chân mới nhú đã rõ ràng hơn. Chỉ trong vài tuần nữa, bé sẽ có thể cử động được chân tay.


Mẹ làm cho con: Tránh ngủ với chăn điện trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ. Một số nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa việc dùng chúng khi mới mang thai với nguy cơ sẩy thai và những dị tật ống thần kinh. Trong khi không ai chắc chắn về tác hại thực sự của loại chăn này, điện và từ trường từ chăn điện có thể làm tăng đáng kể thân nhiệt của bạn và đủ gây đe đọa để tránh sử dụng chúng.


Ngày thứ 33: Chậm rãi và chắc chắn, mũi và miệng dần thành hình trên khuôn mặt bé.


Mẹ làm cho con: Lúc này, bố mẹ đã có thể nghĩ đến việc đặt tên cho bé được rồi, hãy chọn ra một vài cái tên ưng ý cho bé trai và bé gái nhé!


Ngày thứ 34: Cơ quan sinh dục của bé bắt đầu hình thành. Các tế bào tạo thành trứng và tinh trùng trong cơ thể bé trai và bé gái đang tạo nên những bộ phận này theo cách riêng của chúng.


Mẹ làm cho con: Muốn biết giới tính thai nhi trong bụng là một sự tò mò hiển nhiên của các ông bố bà mẹ. Nhưng nhiều người lại thích dành bất ngờ này cho đến tận ngày sinh con. Hãy thảo luận với bạn đời về việc có nên biết giới tính của bé sớm hay không.


Ngày thứ 35: Hôm nay bé đã dài được 0.6cm rồi đấy.


Mẹ làm cho con: Vẫn còn những tranh cãi về việc ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng có thể làm tăng khả năng bé bị dị ứng với đậu phộng. Để chắc chắn và an toàn thì tốt hơn hết là bạn hãy tránh xa đậu phộng trong 238 ngày còn lại của thai kỳ. Điều này càng quan trọng hơn nếu bố bé hoặc gia đình bên nội có tiền sử dị ứng với đậu phộng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét