Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Đối với trẻ ở độ tuổi ăn dặm đến dưới 1 tuổi, dường như các bậc cha mẹ cho rằng cá biển và hải sản có vẻ không an toàn để làm thực đơn ăn dặm cho các em bé, chưa kể mùi vị khá đặc biệt của chúng. Vậy bạn có cam tâm bỏ qua cơ hội cho bé tiếp cận sớm với một trong những nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất thế giới không?


Những món quà từ biển cả


Hầu hết chúng ta đều đã nghe về những lợi ích của axit béo omega-3, một trong những loại dưỡng chất thiết yếu được tìm thấy nhiều trong hải sản. Nhiều nghiên cứu đã chứng mình chúng cũng góp mặt vào sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh và hơn thế còn là một dưỡng chất tốt cho trẻ từ đầu đến chân, từ não bộ đến làn da. Dù vậy, hầu hết phụ huynh tỏ ra không yên tâm lắm về việc cho thiên thần nhỏ xíu của mình ăn cá biển vốn rất giàu dưỡng chất DHA – là loạt axit béo omega-3 tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Vậy hãy xem những gì mà việc cho bé ăn dặm với ăn cá đem lại cho bé và cho chính bạn:


Giúp bé thông minh hơn.


Vào thập niên 80 và đầu 90 của thế kỷ trước, các nghiên cứu ban đầu đã cho thấy rằng các bé sơ sinh được nuôi bằng công thức bổ sung DHA có tốc độ phát triển kỹ năng nhận thức tốt hơn. Trải qua nhiều nghiên cứu và thực nghiệm, đến năm 2001, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ cho phép bổ sung chất tăng cường trí não DHA vào các công thức dành cho trẻ sơ sinh. Kể từ đó, các chứng cứ về tác dụng của DHA liên tục được công bố. Một nghiên cứu năm 2003 nhận thấy các bà mẹ bổ sung omega-3 trong suốt thai kỳ và thời gian cho con bú thì con của họ sẽ phát triển nhận thức sớm hơn 4 năm tuổi so với các trường hợp không bổ sung DHA. Vào năm 2005, một nghiên cứu khác công bố trẻ tiểu học được bổ sung omega-3 có kỹ năng đọc và chính tả tốt hơn. Não trẻ phát triển nhanh nhất trong bụng mẹ và tiếp tục phát triển thần tốc trong năm đầu đời, nhân ba về kích thước vào cuối năm đầu tiên, đây chính là thời gian lý tưởng để bổ sung DHA cho trẻ.


Tập trung tốt hơn.


Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng các bà mẹ có nồng độ DHA trong máu cao tại thời điểm sinh con thì các bé này khi vào tuổi chập chững sẽ có khả năng duy trì tập trung tốt hơn những bé mà mẹ có nồng độ DHA thấp hơn.


Cải thiện thị lực.


DHA được chứng minh là giúp bé sơ sinh có khả năng nhìn sắc nét hơn.


Ổn định tâm trạng.


Nghiên cứu cho thấy người trưởng thành tiêu thụ omega-3 nhiều hơn có tỉ lệ rối loạn tâm trạng thấp hơn và phụ nữ ăn nhiều cá giàu omega-3 trong suốt thai kỳ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm sau sinh hơn. Vì sao vậy? Omega-3 có thể tác động lên não bộ làm tăng nồng độ các hormone “hạnh phúc” như dopamine và serotonin – các dẫn xuất thần kinh này cũng là mục tiêu của các thuốc chống trầm cảm theo toa.


Tăng cường miễn dịch.


Các axit béo tuyệt vời này còn giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Trong một nghiên cứu, các bé tuổi chập chững được bổ sung dầu cá vào sữa công thức có nồng độ protein cao hơn quyết định chức năng miễn dịch tốt hơn so với những trẻ chỉ uống sữa công thức và sữa bỏ bình thường.


Phòng chống chàm.


Omega-3 giúp giảm viêm ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả da. Vì vậy, thực đơn ăn dặm cho bé với thịt cá hồi hoặc cá ngừ trắng trước 9 tháng tuổi có thể bảo vệ bé khỏi chứng dị ứng da – theo một nghiên cứu của Thụy Điển.


 


Những lo ngại từ cha mẹ khi cho bé ăn cá


Mặc dù cá và hải sản tốt như vậy nhưng những quan ngại của các bậc cha mẹ về khi chọn hải sản làm thực đơn cho bé không phải là không có căn cứ. Đó là:


Hình thành cơ địa dị ứng hải sản.


Hải sản (bao gồm cả tôm, cua, cá, mực…) được xếp trong nhóm các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao và nhiều năm qua người ta tin rằng cho trẻ nhỏ ăn những thực phẩm này sớm sẽ càng làm tăng nguy cơ phát triển cơ địa dị ứng với các dị nguyên này. Tuy nhiên, từ năm 2008, các nhà khoa học dinh dưỡng Mỹ đã chứng minh giả thuyết này là không có cơ sở, cơ địa dị ứng của một người không phụ thuộc vào việc họ tiếp xúc dị nguyên đó sớm hay muộn vài tháng.


Vì vậy nếu gia đình bạn có lịch sử bị dị ứng thực phẩm, bạn có thể cho bé thử loại thực phẩm đó muộn hơn khi bé đã lớn và cứng cáp nhờ đó tình trạng dị ứng sẽ đỡ gây ảnh hưởng nặng đến bé hơn (chứ cũng không giúp bé không hoặc ít dị ứng với món đó hơn). Các loại thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm trứng, đậu phộng, các loại hạt và hải sản có vỏ (tôm, cua, sò, ốc) – nhưng thường nguyên nhân gây dị ứng nằm ở vỏ, gạch (tôm, cua) và trứng của chúng.


Hàm lượng thủy ngân cao.


Thủy ngân là một độc tố thần kinh khá mạnh, đặc biệt ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ nhỏ, tuy nhiên lượng thủy ngân trong hầu hết các loại tôm cá nhỏ là không đáng kể nếu được dùng với khẩu phần hợp lý. Các loài sinh vật biển đều chứa một lượng thủy ngân nhất định, tuy nhiên những loại cá lớn và sống lâu có hàm lượng thủy ngân cao hơn, do vậy cần tránh trong thực đơn cho bé ăn dặm những loại cá như cá thu lớn, cá ngừ đại dương, cá kình, cá mập, cá cờ, cá cờ. Cá hồi có hàm lượng thủy ngân thấp và là loại cá rất giàu omega-3.


Nỗi ám ảnh xương cá.


Hóc xương cá là nỗi lo có tính ám ảnh của bố mẹ, nhất là khi bé còn quá nhỏ. Mặc dù khi làm cá cho con, bố mẹ đều lọc rất kỹ xương và xay nhuyễn (các bé lớn hơn có thể ăn ruốc cá) nhưng vẫn lo không thể lấy sạch xương dăm rất nhỏ trong cá và chiếc xương này sẽ mắc vào thực quản của bé khiến bé đau và khó ăn uống. Chính vì vậy, phụ huynh được khuyên không nên chọn những loại cá nhỏ hoặc có nhiều xương dăm (xương chĩa ba), thay vào đó hãy chọn những loại cá dễ tách xương như cá hồi.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Mẹ đang thấp thỏm hoài nghi về những dấu hiệu có thai chưa rõ ràng? Vậy còn chờ gì nữa mà không tiến hành thử thai ngay thôi. Cũng chỉ là một loại xét nghiệm y tế thông thường, nhưng vì sao việc thử thai lại đặc biệt với người phụ nữ, người mẹ đến vậy? Ta hãy tìm hiểu thêm một chút về nó nhé!


Thử thai là gì & nó hoạt động ra sao?


Thử thai là phương pháp xét nghiệm xác định thai kỳ dựa trên sự có mặt của hormone human chorionic gonadotropin (hCG) trong nước tiểu. Hormone này được sản sinh ngay sau khi trứng được thụ tinh bám vào thành tử cung.


Hiện tượng này thường xảy ra trong khoảng 6 ngày sau khi thụ thai thành công. Nếu bạn có thai, nồng độ hCG sẽ tiếp tục tăng nhanh, tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.


Có những cách thử thai nào?


Có 2 loại thử thai chính có thể cho biết bạn có mang thai hay không là thử nước tiểu và thử máu.


Thử thai bằng mẫu nước tiểu có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại phòng khám. Phần lớn phụ nữ thử thai tại nhà sau khoảng một tuần trễ kinh. Thử thai tại nhà là hình thức xét nghiệm thực sự đem lại sự thoải mái và riêng tư.


Các sản phẩm thử thai tại nhà được sản xuất với hướng dẫn sử dụng chi tiết và hoàn toàn có thể thực hiện đơn giản tại nhà. Chỉ cần tuân theo đúng chỉ dẫn, bạn đã có thể có được kết quả thử thai khá chính xác. Sau khi thử thai tại nhà, bạn có thể xác nhận lại kết quá bằng cách đi khám, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm có độ nhạy cao và cho kết quả chính xác hơn.


Thử thai bằng mẫu máu được thực hiện ở các phòng khám chuyên khoa, và ít được sử dụng hơn so với thử thai bằng nước tiểu. Thử thai bằng mẫu máu có thể phát hiện thai ở ngày 6-8 sau rụng trứng, tức là sớm hơn so với thử nước tiểu tại nhà. Nhưng biện pháp này lại cho kết quả lâu hơn so với que thử thai tại nhà.


Đối với thử máu, có hai loại xét nghiệm được áp dụng:


Xét nghiệm hCG cơ bản chỉ kiểm tra xem có sự có mặt của hCG trong máu hay không, và chỉ cho kết quả “có” hoặc “không” đối với câu hỏi “Bạn có thai không?”. Bác sĩ thường chỉ định loại xét nghiệm này để xác nhận thai sớm vào khoảng 10 ngày sau khi trễ kinh, mặc dù loại xét nghiệm này có thể phát hiện hCG sớm hơn nhiều.


Xét nghiệm beta hCG có thể đo lường chính xác lượng hCG trong máu và có thể cho kết quả cả với nồng độ hCG còn rất thấp. Vì các xét nghiệm này có thể đo lường được nồng độ hCG, chúng có thể hữu ích trong việc theo dõi một số vấn đề trong thai kỳ. Chúng cũng có thể được dùng để sàng lọc thai ngoài tử cung hoặc để giám sát phụ nữ sau sảy thai khi mức hCG sụt giảm nhanh.


Kết quả thử thai chính xác đến đâu?Bạn cần biết rằng để có kết quả thử thai chính xác nhất, bạn nên đợi khoảng 1 tuần sau khi kinh nguyệt không trở lại như thường lệ. Kết quả thử thai cũng có thể chính xác hơn nếu bạn thực hiện vào buổi sáng ngay khi vừa ngủ dậy vì lúc này nước tiểu đầu ngày của bạn đậm đặc hơn.


Phương pháp thử thai bằng nước tiểu tại nhà có thể cho kết quả chính xác đến 97%, trong khi phương pháp thử máu cho kết quả còn chính xác hơn thế.


Độ chính xác của kết quả thử thai tại nhà phụ thuộc vào các yếu tố sau:


- Bạn có tuân thủ chỉ dẫn của dụng cụ thử thai hay không.


- Thời điểm rụng trứng và có hiện tượng làm tổ sau thụ tinh.


- Thời điểm bạn thử thai sau khi đậu thai.


- Độ nhạy của dụng cụ thử thai


Thử thai ở nhà có khó khăn và đắt đỏ?


Bạn có thể mua dụng cụ thử thai tại nhà ở các nhà thuốc mà không cần có toa bác sĩ. Giá bán tuỳ thuộc vào thương hiệu nhưng nhìn chung không đắt, que thử phổ biến vào khoảng 10.000 – 20.000 đồng, các dụng cụ thử thai điện tử hoặc sản phẩm nhập ngoại có thể đắt hơn với giá dao động trong khoảng 8 – 20 đô-la Mỹ (khoảng 160.000 – hơn 400.000 đồng.)


Thử thai tại nhà khá nhanh chóng và dễ dàng. Chúng cũng cực kỳ chính xác nếu bạn tuân thủ chỉ dẫn một cách cẩn thận. Thông thường các loại dụng cụ thử thai tại nhà có cách sử dụng tương tự nhau. Bạn có thể thử thai trên mẫu nước tiểu theo 1 trong 3 cách sau:


- Đưa và giữ que thử giữa dòng nước tiểu (tức là bạn đi tiểu trực tiếp vào que thử.)


- Lấy nước tiểu vào cốc đựng mẫu và nhúng que thử vào.


- Lấy nước tiểu vào cốc đựng mẫu và dùng ống nhỏ giọt nước tiểu lên que thử.


 


Với cả 3 cách trên, bạn cần đợi vài phút để xem được kết quả. Tuỳ vào loại dụng cụ thử thai bạn sử dụng, kết quả có thể hiển thị bằng ký hiệu vạch, màu sắc hoặc dấu “+/-“. Các dụng cụ thử thai điện tử có thể hiển thị thông báo rõ ràng bằng chữ trên màn hình rằng bạn “có thai” hay “không có thai”.


Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về việc thử thai cũng như kết quả thử thai, hãy hỏi bác sĩ hoặc nhờ tư vấn theo số điện thoại nhà sản xuất ghi trên hộp đựng dụng cụ thử thai của bạn.


Kết quả thử thai có ý nghĩa gì?


Như mọi xét nghiệm y khoa, dụng cụ thử thai sẽ cho bạn một trong hai kết quả: dương tính hoặc âm tính.


Nếu kết quả là dương tính, bạn đã có thai (xin chúc mừng!). Đây thường là kết quả chính xác mặc cho vạch (hoặc dấu hiệu có thai) trên kết quả có màu sắc hay độ đậm nhạt thế nào. Nếu bạn nhận được kết quả dương tính, chẳng có lý do gì để bạn không đặt hẹn khám với bác sĩ sản khoa cả.


Trong trường hợp hiếm gặp, bạn có thể có kết quả dương tính giả, có nghĩa rằng bạn không có thai nhưng vẫn cho kết quả thử thai dương tính. Hiện tượng này xảy ra khi trong nước tiểu của bạn có lẫn máu và protein. Một số loại dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống co giật hoặc thuốc ngủ có thể khiến dụng cụ thử thai cho kết quả dương tính giả.


Nếu kết quả là âm tính, nhiều khả năng bạn không có thai. Dù vậy, bạn vẫn có thể mang thai nếu:


- Dụng cụ thử thai quá hạn sử dụng.


- Sử dụng dụng cụ thử thai không đúng cách.


- Thử thai quá sớm.


- Mẫu nước tiểu quá loãng do bạn uống khá nhiều nước ngay trước khi thử thai.


- Bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc kháng histamin (thuốc dị ứng).


Nếu bạn có kết quả thử thai âm tính, hãy thử thai lại trong một tuần sau đó để kiểm tra lại. Một số nhà xuất dụng cụ thử thai khuyên bạn nên thử thai lại một lần nữa dù cho kết quả lần đầu như thế nào. Cùng với sự xét nghiệm này thì hãy để ý những thay đổi trên cơ thể mình, nó cũng phản ánh những triệu chứng mang thai rõ rệt khi bạn đã có em bé đấy.


Nếu hai lần thử thai của bạn cho kết quả khác nhau? Hãy đặt hẹn khám với bác sĩ. Xét nghiệm máu lúc này là phù hợp để xác nhận kết quả thử thai của bạn.

Những em bé mới sinh sẽ không thể nhận thức được về bản thân mình là một cá thể độc lập. Bé vẫn cho rằng mẹ hay tất cả những người xung quanh bé chỉ là một. Bé thậm chí chẳng thể nhận ra rằng đôi bàn tay bé xíu đang đung đưa trước mặt kia là của chính mình.


Theo thời gian, bé sẽ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, song song với phát triển kỹ năng. Bé sẽ bắt đầu khám phá ra rằng mình chính là… mình, với cơ thể, suy nghĩ và những cảm xúc riêng. Và đương nhiên, lúc này bé sẽ rất thích được tự làm theo ý mình đấy!


Khi nào nhận thức của bé sẽ phát triển?


Nhận thức về cá thể của bé sẽ mất nhiều năm mới có thể phát triển kỹ năng hoàn thiện. Vào khoảng 6-7 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu biết được bản thân bé tách biệt hoàn toàn với mẹ. Đây cũng là lúc những căng thẳng, lo lắng khi phải xa mẹ xuất hiện và nó có thể kéo dài cho đến năm thứ hai.Tuy nhiên, đến lúc bé trở nên quen thuộc hơn với thế giới xung quanh, cũng như tự tin hơn vì biết rằng mẹ sẽ lại quay trở về đón bé từ nhà trẻ hoặc từ vú nuôi, bé sẽ dần có thể vượt qua được sự lo âu đó và dần trở nên độc lập hơn. Trong những năm đầu đời của bé, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề rắc rối, khóc lóc, giận dỗi… do bé dần biết tự chủ và chỉ muốn làm theo ý của mình mà thôi.


Nhận thức sẽ phát triển thế nào?


Từ 1-6 tháng tuổi


Trong 6 tháng đầu đời, bé hoàn toàn chẳng nhận ra được bản thân mình và cho rằng mình cũng giống như là người đang ở trước mắt kia. Bé chỉ hành động và phản xạ theo bản năng, thậm chí bé cũng chẳng thể suy nghĩ về việc mình đang làm gì trong những tháng đầu đời. Mối quan tâm duy nhất của bé chính là thỏa mãn được những nhu cầu tức thời về thức ăn, tình thương và sự quan tâm.Bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu của sự tự chủ đầu tiên xuất hiện từ sớm ngay khi bé 4 tháng tuổi. Lúc này bé đã phát hiện ra rằng mình có thể khóc để được chú ý. Đây là một trong những bước đầu tiên bé học được rằng mình có một ý thức độc lập và rằng hành động của mình có thể gây ảnh hưởng đến người khác – tức là mẹ đấy!


Một trong những nghiên cứu nổi tiếng chứng minh mức độ nhận thức về bản thân của các em bé là hoàn toàn bằng 0. Các nhà nghiên cứu đặt một vài em bé dưới một tuổi trước một tấm gương để xem các bé phản ứng thế nào, các bé có biết rằng đó chỉ là hình ảnh phản chiếu của mình hay không?


Kết quả là các bé đều vỗ hoặc chạm vào hình ảnh trong gương của mình như thể bé đang nhìn thấy một em bé khác. Và khi các nhà nghiên cứu chấm mực đỏ vào mũi của bé rồi đặt lại trước gương, các bé chỉ cố gắng để chạm vào chiếc mũi chấm đỏ trong gương mà không phải là mũi của mình.


Từ 7-12 tháng tuổi


Khoảng 7 tháng tuổi, bé đã nhận ra được sự tách biệt của bản thân và mẹ. Nhận thức mới mẻ này vô cùng thú vị nhưng lại có thể khiến cho bé rơi vào tâm trạng căng thẳng, lo âu. Bé biết rằng mẹ có thể rời xa bé nhưng lại không biết mẹ rồi sẽ quay trở về. Vì thế, thường bé sẽ khóc lóc mỗi khi mẹ rời đi.


Tuy vậy, mẹ cần phải tránh đừng lén lút bỏ đi khi để bé ở nhà cho vú nuôi hoặc gửi bé tại nhà trẻ nhé. Cách này chẳng giúp cho bé nguôi ngoai mà còn khiến bé càng hoảng loạn và lo sợ bạn sẽ không quay lại nữa. Dù rằng rất khó khăn nhưng mẹ nhớ nhé, hãy hôn bé, chào tạm biệt và cho bé thấy lúc bạn ra đi.


Từ 13-24 tháng tuổi


Bé đang học cách tách biệt mình với mẹ và thế giới xung quanh. Trong cùng một nghiên cứu đã nói bên trên, các nhà nghiên cứu cũng chấm mực đỏ lên mũi của những đứa bé khoảng 21 tháng tuổi. Khi nhìn thấy hình ảnh mình trong gương, các bé đã tự sờ tay vào mũi của mình – như vậy ở độ tuổi này bé đã hiểu được hình ảnh phản chiếu trong gương chính là mình.


Đứa bé 2 tuổi vẫn có thể cảm thấy buồn rầu, lo lắng khi mẹ rời khỏi nhà hoặc mẹ đưa bé đi nhà trẻ, tuy nhiên lúc này bé sẽ lấy lại bình tĩnh nhanh hơn vì bé có cảm giác an toàn hơn với bản thân. Kinh nghiệm và trí nhớ của bé đã dạy rằng mẹ đi chỉ một lúc thôi rồi lại quay về. Mẹ cũng đã xây dựng được niềm tin với bé vì sự yêu thương và chăm sóc của mình.


Cũng chính sự tin tưởng này giúp cho bé có được tự tin để khẳng định bản thân. Chẳng hạn như bé chỉ mặc một chiếc áo mấy ngày liên tục, ăn một vài loại thức ăn nhất định hay tự trèo lên ghế ngồi… là những dấu hiệu cho thấy bé đã biết tự chủ hơn.


Từ 25-36 tháng


Từ 2-3 tuổi, bé sẽ tiếp tục “đấu tranh” để giành quyền tự chủ cho mình. Bé sẽ đi xa hơn khỏi bạn để khám phá xung quanh, bé liên tục thử nghiệm với những giới hạn của mình (ví dụ như vẽ bậy lên tường – điều mà mẹ vừa bảo bé không được làm). Trên thực tế, “để con làm” là một trong những điệp khúc phổ biến nhất mà bạn sẽ nghe từ một đứa bé trong độ tuổi này.


Vai trò của mẹ


Mỗi đứa bé đều cần có sự gắn kết chắc chắn với người mẹ trước khi chúng có thể phát triển kỹ năng, lớn lên và khám phá thế giới của chính mình. Tình yêu thương và sự ủng hộ của mẹ sẽ xây dựng trong bé sự tự tin cần thiết để bé có thể tự lập hơn.


Bắt đầu từ khi bé mới sinh ra, hãy cố gắng đáp lại bé mỗi khi bé khóc, nói chuyện hoặc mỉm cười khi bé chú ý. Xây dựng sợi dây liên kết tình mẫu tử bằng tình thương, sự quan tâm chăm sóc em bé từ miếng ăn, giấc ngủ và vệ sinh…


Lúc này mẹ có thể chơi một vài trò chơi trong nhà nho nhỏ đế giúp bé có thể nhận thức và hiểu được sự vắng mặt và trở về của mẹ để bé không trở nên hoảng hốt khi mẹ rời khỏi bé. Ví dụ như chơi trò chơi ú òa, trốn sau đồ vật trong nhà, hoặc giấu đồ chơi dưới chăn và cùng bé đi tìm. Những trò chơi này không chỉ dạy bé nhận thức mà sự tương tác giữa mẹ và bé còn giúp thúc đẩy sự gần gũi mà bé cảm thấy đối với mẹ.


Để có thể phát triển độc lập, bé cần phải có nhiều thử nghiệm về những giới hạn của bản thân và khám phá thế giới xung quanh, vì thế bố mẹ cần tạo ra một không gian sống thật an toàn, thay vì cứ phải chạy theo con lòng vòng để đảm bảo bé không đụng đến thứ gì nguy hiểm.


Khuyến khích sự tự lập cũng như phát triển ý thức cá nhân bằng cách cho bé sự lựa chọn và để bé tự làm một số việc. Chẳng hạn như lựa chọn giữa hai bộ trang phục, loại thức ăn hay những hoạt động vui chơi mà bé có thể tự túc làm hoặc suy nghĩ… Việc dạy bé tự uống nước từ cốc hoặc dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa sau khi chơi cũng giúp bé có thể học cách để tự lập đấy.


Tuy rằng bé cưng lúc này đã bắt đầu tách dần khỏi mẹ nhưng không có nghĩa là bé cần ít tình thương và sự quan tâm của mẹ hơn. Có thể bé không có nhiều nhu cầu tức thời như trước nhưng lúc nào cũng rất cần sự âu yếm và chăm sóc từ mẹ.


Hãy cổ vũ mỗi khi bé cố gắng tự làm một việc gì đó và đừng phớt lờ nếu bé cần sự giúp đỡ từ bạn. Chắc chắn bé sẽ cần sự trấn an và hỗ trợ của bố mẹ nhiều lắm.


Khi nào cần lo lắng?


Chứng lo âu, căng thẳng là rất bình thường đối với trẻ từ 10 tháng đến 2 tuổi khi bắt đầu phải xa mẹ. Tuy vậy, mẹ cần lưu ý hỏi ý kiến của các bác sĩ nếu như chứng lo âu của bé trở nên quá độ và bé không thể làm gì nếu không có bố mẹ bên cạnh, hoặc bé khóc mãi không nín kể cả khi bạn đã rời khỏi khá lâu rồi.


Điều gì xảy ra tiếp theo?


Càng lớn, bé càng trở nên tự chủ và nhận thức về bản thân cũng như khả năng của mình rõ ràng hơn vì thế cứ mỗi bước trưởng thành, các bé sẽ càng có thêm những điều mà chúng muốn tự tay thực hiện nhiều hơn.

Đậu đũa xào nấm, củ năng


Các loại đậu đầy sắc màu xanh, đen, trắng, đỏ… kết hợp với rau củ làm nên sự phong phú và cung cấp nhiều dưỡng chất cho những món chay từ đậu.


- 100g đậu đũa – 100g củ năng – 1 củ cà rốt – 50g nấm rơm – 1 thìa cà phê nước tương – 1 thìa cà phê hạt nêm – 1/2 thìa cà phê đường – 2 thìa cà phê dầu hào – 2 thìa súp dầu ăn.


Đậu đũa rửa sạch, cắt khúc ngắn.


Củ năng và cà rốt gọt bỏ vỏ, rửa sạch, xắt hạt lựu lớn.


Nấm rơm ngâm nước muối khoảng 5 phút, vớt ra rửa sạch, cắt gốc, chẻ đôi.


Làm nóng chảo dầu, cho đậu đũa, củ năng, cà rốt, nấm rơm vào xào, nêm nước tương, hạt nêm, đường, dầu hào vừa ăn


Xào chín tắt bếp. Múc đậu đũa xào củ năng ra đĩa, chấm kèm nước tương và ớt xắt lát.


Mách nhỏ


Có thể luộc sơ đậu đũa, cà rốt trước khi xào để rau củ có màu sắc đẹp hơn. Nếu luộc sơ thì không nên xào quá chín, rau củ sẽ nhăn, mất ngon.


Mì Ý sốt nấm


Để thay đổi khẩu vị, gia đình bạn có thể sử dụng mì Ý bán nhiều trên thị trường làm nhanh dùng buổi sáng hoặc thay cơm bữa vừa tiện vừa ngon.


- Mì ý luộc chín 150g – Nấm rơm 100g – Cà chua 2 trái – Cà past 1 muỗng – Poarô 1 cọng – Muối – Hạt nêm – đường – Dầu điều – Tiêu – Húng quế.


Mì Ý luộc chín, xóc với ít dầu cho bóng.


Nấm rơm rửa sạch, cắt đôi.


Phi dầu điều với poarô, cho cà chua băm vào xào với 1/2 chén nước cho mềm nhừ, cho tiếp cà past và nấm rơm. Nêm 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng muối, 1 muỗng đường.


Cho tiếp mì Ý vào trộn nhanh và tắt lửa. Rắc tiêu, húng quế.


Trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Có nhiều quan niệm khác nhau về công dụng của trứng ngỗng với sức khỏe. Liệu chất dinh dưỡng mà trứng ngỗng mang lại có tỉ lệ thuận với độ lớn của trứng? Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng trứng ngỗng luôn có vi chất cần thiết cho cơ thể.


Nguyên liệu


- Trứng ngỗng: 1 quả


- Nấm đùi gà: 200g


- 100g thịt heo băm nhuyễn


- ½ thìa cà phê hành băm, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa súp dầu ăn


Hướng dẫn


Bước 1: Trứng ngỗng đánh tan với ít hạt nêm.


- Nấm ngâm nước muối pha loãng 15 phút, rửa sạch cắt bớt phần gốc, cắt hạt lựu.


- Thịt heo rửa sạch, ướp với hạt nêm và muối, để thấm 10 phút.


Bước 2:  Làm nóng dầu ăn, cho hành băm vào phi thơm, cho nấm vào xào khoảng 1 phút sau đó trút thịt vào, đảo nhanh tay rồi nhấc xuống.


Bước 3: Làm nóng dầu ở một chảo khác, đổ trứng vào rồi rải nấm và thịt đều trên mặt. Khi trứng ướt, đậy nắp lại để thêm 2 phút cho trứng chín hẳn.


Cho trứng chiên nấm đùi gà ra đĩa, rắc tiêu lên, dùng với cơm.

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Món bánh flan làm không khó, nguyên liệu cũng rất đơn giản, nhưng làm sao để có được món bánh mịn màng, mềm thơm và béo ngậy thì không phải ai cũng biết! Cùng tham khảo công thức cách làm bánh flan thơm ngon và cũng cực đơn giản dưới đây.


Nguyên liệu làm bánh flan gồm có:


- 6 quả trứng


- 600ml sữa tươi


- 120gr đường


- 1 ống vani


Làm caramen:


Cho đường và nước vào nồi rồi để lên bếp đun đến khi đường tan.


Đun thêm từ 8 đến 10 phút nữa tới khi đường chuyển màu nâu cánh gián thì tắt bếp.


Tráng đều đáy khuôn bằng lớp caramen này. Sau đó để khuôn vào chỗ mát cho caramen đông cứng lại.


Đập 6 quả trứng vào bát, dùng đũa đánh đều theo chiều kim đồng hồ.


Cho hỗn hợp sữa và đường vào nồi, đun trên bếp để sữa nóng già, chuẩn bị sôi thì tắt bếp. Đổ sữa nóng vào trứng, đánh đều lên.


Sau khi thấy hỗn hợp trứng và sữa quyện vào nhau thì dùng rây để lọc hết lòng trắng, bỏ đi.


Đổ hỗn hợp bạn vừa lọc vào các cốc đã có sẵn caramen.


Hấp bánh:


Nồi hấp đổ sẵn nước, đun sôi.


Xếp các cốc bánh flan vào nồi.


Phía bên trên nồi hấp bạn dùng một tờ báo lớn phủ kín để tránh làm hơi nước rỏ vào bánh khi hấp, sau đó đậy nắp nồi lại.


Bật lửa thật nhỏ, thỉnh thoảng nhớ dùng khăn lau nước đọng trên nắp nồi.


Hấp chừng 30 đến 40 phút, nhìn bánh đặc lại là được.


Nếu có lò nướng bạn nướng cách thủy, không cần hấp. Xếp từng cốc bánh vào khay sâu lòng, rồi rót nước nóng già vào khay sao cho mực nước cao khoảng 1/2 khuôn, sau đó cho cả khay vào lò, vặn nhiệt độ 160ºC, nướng cách thủy khoảng 35 phút.


Khi ăn, dùng dao nhọn lách quanh thành khuôn rồi úp bánh ra đĩa.


Chúc các mẹ thành công với món bánh flan nổi tiếng này nhé!

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Vừa đầy đủ dinh dưỡng lại vừa thơm ngon dễ ăn – những món nui này không chỉ chinh phục các bé mà cả các thành viên khác trong gia đình bạn cũng sẽ thích lắm đấy! Cùng vào bếp và trổ tài làm nui nấu thịt viên rau củ và Nui xào bò cho cả gia đình nhé!


Thực đơn cho bé: Nui nấu thịt viên rau củ


- 1 gói nui gạo – 2 củ cà rốt – 700gr xương và sườn heo – 150gr thịt nạc xay – 1 lọn miến – Nước mắm – Muối – đường – Hành lá – Hành khô – Tỏi phi hoặc hành phi


Xương và sườnheo rửa sạch với nước muối pha loãng, trụng sơ xương qua nước sôi rồirửa lại cho thật sạch; sau đó đổ nước lạnh ngập mặt xương, đun sôi và vặn nhỏ lửa,hầm xương mềm.


Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.Cà rốt cạo vỏ, thái khoanh tròn. Khi xương hầm hơi nhừ bạn đổ cà rốt vào nồi xương hầm, thỉnh thoảng hớt bọt cho nước được trong.


Miến ngâm vào thố nước lạnh cho mềm rồi để ráo, dùng kéo cắt thành từng khúc ngắn.Thịt nạc xay trộn lẫn với 2 thìa nhỏ muối, tiêu, miến, hành khô thái nhỏ và ít hành lá.


Nui gạo luộc chín, đổ ra thố.


Nêm 2 thìa canh nước mắm, nửa thìa nhỏ đường, 2 thìa nhỏ muối vào nồi nước hầm xương,đun sôi và nêm nếm lại tùy theo khẩu vị. Dùng thìa múc từng viên hỗn hợp thịt nạc xay cho vào nồi xương, đợi thịt chín thìtắt bếp


Múc vào bát ít nui gạo, thêm cà rốt, 1 miếng sườn và vài viên thịt nạc xay.Chan nước dùng, bên trên rắc ít hành lá và tỏi phi thơm tùy thích.


 


Bé nhà mình rất thích những món nước như bún, phở; thỉnh thoảng mình lại đổi món cho bé bằng cáchhầm xương nấu với nui gạo, thêm cà rốt và thịt nạc xay trộn với miến. Mình thường ninh thịt và luộc nui từ tối hôm trước, sáng hôm sau trộn thịt nạc xay, nấu sôi lại là có bát nuithơm ngonnóng hổi cho bé ăn sáng trước khi đi học. Món này không chỉ bé mà các thành viên khác trong gia đình mình cũng rất thích bởi vị ngọt thanh dễ ăn của nó


Nui xào bò


Cuộc sống bận rộn, các gia đình ít chú trọng bữa điểm tâm đủ chất dinh dưỡng. Xin giới thiệu với quý vị cách làm món nui xào bò rất đơn giản, ít tốn thời gian và rất ngon.


Nguyên liệu:


300 g nui ống


300 g thịt bò, cắt miếng mỏng


1/2 hộp cà chua paste


2 tép tỏi, bằm nhuyễn


1 củ hành tây, cắt miếng mỏng


5 nhánh hành lá, cắt khúc


2 trái cà chua, cắt miếng mỏng


1 nhánh xà lách, rửa sạch


Gia vị:


3 muỗng cà phê hạt nêm từ


½ muỗng cà phê tiêu xay


4 muỗng canh dầu ăn


Ăn kèm: Nước tương, ớt


Thực hiện:


- Ướp thịt bò với 1 muỗng cà phê hạt nêm và 2 thìa dầu ăn, ¼ muỗng cà phê tiêu xay, 2 tép tỏi bằm. Để cho thấm.


- Đun sôi nước lạnh cho dầu ăn và nui vào luộc chín. Vớt nui ra khỏi nồi, làm nguội bằng nước lạnh.


- Xào nui với 2/3 hộp tương cà chua.


- Xào hành tây, hành lá với thịt bò cho thơm.


- Cho nui vào đảo đều với thịt bò hành tây, nêm với 2 muỗng cà phê hạt nêm cho vừa ăn.


- Múc nui xào bò vào dĩa, trang trí với xà lách, cà chua. Dùng nóng với nước tương và ớt.

Chăm sóc em bé trong bụng một cách tự nhiên bằng cách bảo đảm bé có được những gì mình cần trước tiên từ dinh dưỡng của người mẹ. Một người mẹ không ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khi mang thai để đáp ứng cả nhu cầu của mình và của con mình,em bé sẽ là người thiệt thòi trước tiên. Vì tất cả chúng ta đều biết mẹ ăn gì thì bé sẽ ăn nấy.


Nhu cầu dinh dưỡng tổng thể của người mẹ khi mang thai cao hơn so với các thời điểm khác, vì vậy bạn cần phải đảm bảo thức ăn của bạn phải có lượng dinh dưỡng cao. Điều này không có nghĩa là chỉ cần tăng lượng calorie trong khẩu phẩn ăn của bạn là đủ. Sau đây chúng tôi xin tổng hợp 5 món ăn dinh dưỡng nên có trong thực đơn cho bà bầu:


Cháo cá chép


Nguyên liệu


- 1 con cá chép còn sống khoảng 0,5kg.


- Gạo tẻ 1/3 bát ăn cơm.


- 1 nắm gạo nếp.


- Gia vị, mì chính, hạt nêm.


- 4 củ hành khô.


- Lá ngải tươi.


- Rau mùi ta, thì là.


Hướng dẫn


Bước 1: Cá chép rửa sơ qua (không được rửa hết nhớt của cá), không được mổ tránh làm mất máu cá (máu cá chép rất bổ cho bà bầu) rửa sạch khu vực mang cá.


Bước 2: Luộc cá đến khi nước sôi, hớt bọt cho trong nước, hạ lửa cho liu riu khoảng 40’ cho cá chín đều thì vớt ra, gỡ lấy thịt cá, bóp nhuyễn.


Bước 3: Nước luộc cá để lắng, gạn lấy nước trong, đun sôi cho ít gia vị rồi cho gạo nếp, gạo tẻ vào nấu thành cháo. Chú ý nước sôi cho gạo vào đợi nước sôi lại thì hạ lửa nấc bé nhất, không được ngoáy thì cháo sẽ tự chín mà không bị khê. Hầm gạo khoảng 1 giờ là chín.


Sau khi sơ chế các nguyên liệu trên, để có món cháo cá chép thành phẩm chúng ta có 2 cách như sau:


Cách 1: Đối với những người ăn được đồ tanh (tức là không nghén): Cháo chín ta thả phần thịt cá đã gỡ sạch xương răm vào nồi cháo, đảo đều, nêm nếm gia vị rồi thả rau ngải vào cho lá ngải chín thì có thể ăn được.


Cách 2: Đối với các bà mẹ đang nghén (mà nghén thì hay sợ mùi tanh): 4 củ hành khô ta bằm nhỏ, cho dầu ăn vào chảo đợi cho sôi phi thơm hành lên xào thịt cá cho săn, trong lúc xào nhớ nêm ít gia vị. Sau đó trút vào nồi cháo đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Rau mùi và thì là thái nhỏ, khi nào ăn rắc vào cháo cá.


Trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Có nhiều quan niệm khác nhau về công dụng của trứng ngỗng với sức khỏe. Liệu chất dinh dưỡng mà trứng ngỗng mang lại có tỉ lệ thuận với độ lớn của trứng? Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng trứng ngỗng luôn có vi chất cần thiết cho cơ thể


Nguyên liệu


- Trứng ngỗng: 1 quả


- Nấm đùi gà: 200g


- 100g thịt heo băm nhuyễn


- ½ thìa cà phê hành băm, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa súp dầu ăn


Cách làm trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Bước 1: Trứng ngỗng đánh tan với ít hạt nêm.


- Nấm ngâm nước muối pha loãng 15 phút, rửa sạch cắt bớt phần gốc, cắt hạt lựu.


- Thịt heo rửa sạch, ướp với hạt nêm và muối, để thấm 10 phút.


Bước 2:  Làm nóng dầu ăn, cho hành băm vào phi thơm, cho nấm vào xào khoảng 1 phút sau đó trút thịt vào, đảo nhanh tay rồi nhấc xuống.


Bước 3: Làm nóng dầu ở một chảo khác, đổ trứng vào rồi rải nấm và thịt đều trên mặt. Khi trứng ướt, đậy nắp lại để thêm 2 phút cho trứng chín hẳn.


Cho trứng chiên nấm ra đĩa, rắc tiêu lên, dùng với cơm.


Cháo lươn


Nguyên liệu


- 300g lươn tươi sống.


- 1/3 bát gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp.


- Nước dùng (nước hầm xương, nước luộc gà).


- Gia vị, hạt nêm.


- Hành khô 3 củ.


- Mùi ta, thì là, rau răm.


 


Hướng dẫn nấu Cháo lươn


Bước 1: Lươn không được mổ mà chỉ rửa sạch nhớt, luộc chín, gỡ lấy thịt và cục máu trong bụng lươn (cục máu này là thứ bổ nhất của con lươn), phi thơm hành khô bằm nhỏ rồi xào thịt lươn, nêm ít gia vị.


-Bước 2: Xương lươn giã nát lọc lấy nước, hòa cùng nước luộc lươn, nước dùng, thêm gia vị để nấu cháo (cách nấu cháo gạo như nấu cháo cá chép)


Bước 3: Cháo chín thả thịt lươn xào thơm vào trộn đều.


Bước 4: Rau thơm thái nhỏ, lúc ăn rắc vào cháo.


Gà ác tiềm thuốc bắc


Nguyên liệu


- Một con gà ác, không cắt tiết, làm sạch, để ráo nước.


- 10 g hoài sơn


- 10 g sinh địa


- 10 g củ sâm


- 10 g táo tàu.


- 1 quả dừa tươi


- 1 thìa nước mắm


Hướng dẫn


Bước 1: Ngâm các vị thuốc bắc vào nước cho nở


Bước 2: Cho gà vào thố, rải thuốc bắc xung quanh


Bước 3: Đổ nước dừa tươi vào, lưu ý nước phải ngập mặt gà


Bước 4: Chuẩn bị nồi, cho thố gà vào hấp cách thủy


Bước 5: Có thể hấp trực tiếp với lửa riu riu cho gà mềm và thấm vị thuốc.


Salad Nga


Nguyên liệu


Khoai tây: 4 củ.


Cà rốt: 2 củ.


Trứng: 3 quả.


Ngô hột: 1 hộp.


Dưa chuột muối: 10 quả.


Quả oliu trong hộp: 10 quả.


Táo xanh: 1 quả.


Xúc xích: 200 gram.


Mùi tây: vài nhánh.


Thì là: vài nhánh.


 


Hướng dẫn


Khoai tây, cà rốt, trứng rửa sạch, luộc chín rồi để nguội và bóc vỏ.


Không nên gọt vỏ khoai tây cà rốt, cắt hạt lựu rồi luộc. Làm như vậy salad sẽ có hình dạng vuông vắn và đẹp mắt hơn nhưng bị mất rất nhiều vitamin từ vỏ khoai tây, cà rốt.


Khoai tây, cà rốt, xúc xích thái hạt lựu.


Trứng: tách lòng đỏ và lòng trắng riêng. Phần lòng trắng thái hạt lựu. Lòng đỏ để nguyên đến trước khi trộn mayonnaise thì bóp nhuyễn. Ngô cho ra khỏi hộp, để thật ráo nước.


Táo xanh, thì là, mùi tây: rửa sạch.


Táo xanh thái hạt lựu. Mùi tây, thì là thái nhỏ.


Không nên gọt vỏ táo xanh vì vitamin trên vỏ táo rất nhiều. Ví lí do an toàn thực phẩm thì có thể gọt vỏ táo.


Quả oliu cắt làm 4.


Dưa chuột muối thái hạt lựu.


Trộn hỗn hợp rau quả với mayonnaise trước khi ăn khoảng 2-3 tiếng và bảo quản lạnh.


Tốt nhất nên đeo bao tay nilong chuyên dụng để trộn salad, nếu không có bao tay thì dùng đũa, đảo đều và nhẹ tay.