Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Ăn dặm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thói quen ăn uống của trẻ sau này. Có nhiều cách ăn dặm cho bé, tuy nhiên mẹ đã biết cách cho trẻ ăn dặm chưa? Hãy lựa chọn đúng đắn nhé bởi ăn dặm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn định hướng tới việc ăn uống sau này ở trẻ.



Trong thời kì cho con ăn dặm quan trọng không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển thể chất của bé mà chúng còn giúp bé làm quen với thế giới ẩm thực muôn màu muôn vẻ.


1. Thực đơn ăn dặm cho bé như thế nào?


Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng thìa thay vì bú mút. Các thức ăn đầu tiên có thể là:


- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng thìa.


- Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn, trộn với vài thìa sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.


- Một thìa bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm hoặc sữa, 1 thìa nước cơm hòa với sữa.


- Tán nhuyễn vài thìa bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.


Đầu tiên, cần chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn, có thể tăng dần lên 1-3 thìa nhỏ. Nên tập lúc bé đói; sau đó vẫn cho bú bình thường đến khi đủ no.


Khi bé đã quen với thức ăn đầu tiên, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần, bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn. Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sền sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi. Mỗi loại thức ăn mới cần tập trong 3-5 ngày mới chuyển sang thức khác. Thời gian này đủ để bé làm quen với thực phẩm, giúp mẹ phát hiện ra loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.


Cách chế biến bột ăn dặm cho bé


Để đảm bảo trẻ hấp thụ đủ chất dinh dưỡng mà luôn cảm thấy ngon miệng, khi chế biến món ăn mẹ cần chú ý một vài điểm sau:


- Ða dạng các loại thực phẩm: điều này sẽ tránh gây nhàm chán cho trẻ trong các bữa ăn. Khuyến khích mẹ nên chọn những loại đồ ăn mà trẻ thích.


- Thức ăn cho trẻ phải mềm, dễ tiêu, tránh những thức ăn thô nguyên hạt khó tiêu thấp năng lượng như ngô, khoai môn, bột sắn…


- Với trẻ ăn kém, chậm lên cân hay sau đợt ốm, cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp đà phát triển, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm động vật: sữa mẹ, sữa công thức (trong trường hợp không được bú mẹ), trứng, thịt, cá…


Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ để đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể được thuận lợi.


Mẹ chú ý khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu dễ nhiễm bệnh vậy nên đồ ăn phải sạch, tươi, khâu chế biến phải được đảm bảo.


Thực đơn ăn dặm như thế nào cho đủ chất?


Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất bột đường (gạo, bún, mì, bánh phở), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, tào phớ), rau và trái cây.


Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất (trừ giai đoạn đầu chỉ ăn dặm với 1 loại thực phẩm). Với nửa bát bột hay cháo (khoảng 100 ml), cần cho thêm chất đạm, rau củ (đều băm nhuyễn), dầu ăn (hay mỡ nước), mỗi thứ 1 thìa canh.


Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín. Nên nấu bữa nào ăn bữa đó; thay đổi món thường xuyên cho bé. Giữa các bữa ăn, bạn nên cho bé uống thêm 50-100 ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết.


 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét