Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Vẽ và viết nguệch ngoạc


Trong khoảng từ 12 đến 18 tháng tuổi, con bạn có lúc cố viết một cái gì đó trên giấy và từ 18 đến 24 tháng tuổi, bé có thể khiến bạn ngạc nhiên vì vẽ được những đường thẳng nằm ngang hay đứng và có khi còn vẽ được cả một vòng tròn.



Hãy khích lệ những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên ấy của con mình và giúp bé phát triển kỹ năng hoàn toàn mới vô cùng quan trọng cho cả cuộc đời bé sau này. Cầm bút vẽ là là tập hợp các kỹ năng vận động tinh tế gồm có cầm nắm, giữ và điều khiển; kỹ năng này giúp thúc đẩy thị giác và khai thông trí tưởng tượng tuyệt vời của con trẻ.


 


Để khích lệ trí tưởng tượng và phát triển kỹ năng cầm bút vẽ của con, hãy trải một tấm giấy to, dày và tốt nhất nên cố định bằng cách dán lên mặt bàn hoặc sàn để bé tự do sáng tác bức tranh của mình và mẹ thì không phải phát điên vì bé vẽ lên tấm khăn trải bàn tinh tươm mẹ mới thay. Bạn chỉ cần cho con vài cây chì sáp to hoặc bút lông xoá được dễ cầm với vài màu sắc cơ bản là đủ để bé bắt đầu “sự nghiệp” vẽ vời của mình.


 


Nếu con bạn không hứng thú với kiểu vẽ “nghiêm túc” này, hãy thử một cách khác như cho bé vẽ phấn màu an toàn không tạo bụi trên sân ngoài trời, vẽ trên giá thay vì đặt trên nền phẳng chẳng hạn. Bạn cũng đừng quên cho con tập vẽ với ngón tay nữa nhé, Kỹ năng cầm bút rất quan trọng, nhưng tập vẽ bằng ngón tay cũng giúp luyện kỹ năng vận động tinh cho con bạn và đó cũng là một bài thể dục đầy sáng tạo nữa.


 


Nếu bé thấy mệt với chuyện vẽ vời, bạn hãy thử cho bé chơi trò in dấu xem sao. Ngoài in dấu tay hay dấu chân, bạn và con còn có thể dùng rất nhiều thứ như lá cây, cánh hoa hay miếng cà rốt khía hoa để làm con dấu. Độc đáo hơn nữa, thỉnh thoảng bạn có thể hào phóng cho bé sáng tác tranh với kem pudding hay bột rau quả nghiền có màu sáng. Bé có thể vừa vẽ, vừa liếm ngón tay lại vừa thêm yêu chuyện ăn uống nữa chứ.


 


Bỏ vào và đổ ra


Vậy là đã đến lúc bạn phải làm quen với cuộc chiến bày bừa hàng ngày của bé, chúng diễn ra mỗi ngày khi bé bất đầu thức giấc và đổ hết đồ trong mọi thùng hộp trong tầm tay của bé ra. Cũng hợp lý thôi vì đổ đồ ra thì dễ hơn là cho đồ vào thùng rất nhiều, và đây là một trong những kỹ năng vận động tinh đầu tiên mà con bạn sẽ thuần thục.


 


Kỹ năng này của bé hơi bị phiền với mẹ, vì bạn sẽ phải đi dọn dẹp đống đồ bé đổ ra mỗi ngày, nhưng hãy tự nhủ rằng đó là một kỹ năng bước đệm quan trọng đối với nhận thức của bé. Bé đang dần nhận ra rằng một đồ vật như cái xô có thể chứa đựng một đồ vật khác, như đồ bẩn chẳng hạn. Khi mới nhận thức được điều này, bé sẽ rất thích thú với việc đổ mọi thứ ra, kể cả việc đó có làm bạn phát điên vì bé đổ luôn cả rác và đổ bẩn ra nhà.


 


Để chuẩn bị cho giai đoạn này khỏi hỗn độn, bạn hãy tạo cho bé một không gian để chơi riêng với những món đồ dễ dọn và sạch sẽ. Hãy đặt những khối đồ chơi vào hộp lớn, cài nắp hộp lại để tăng độ khó và giữ bé luôn bận rộn và không nghĩ đến chuyện đổ túi thức ăn của mèo hay xô chứa đồ bẩn ra sàn.


 


Hãy kiên nhẫn mẹ nhé, vì sau giai đoạn “đổ ra”, bé sẽ bước sang giai đoạn “cho vào”. Bé sẽ nhận thức được rằng các hành động của mình có thể đảo ngược, những gì bé đổ ra khỏi hộp thì có thể cho vào lại, thật là thú vị phải không? Cho đồ vào hộp chứa là kỹ năng vận động tinh khó hơn nhiều so với đổ đồ ra, vì vậy bạn hãy kiễn nhẫn và cho con thời gian để rèn luyện.


Đối với kỹ năng cho vào, bạn có thể tập cho con với mức độ thử thách tăng dần, từ bỏ đồ lớn vào hộp lớn đến bỏ những món nhỏ hơn vào những vật chứa nhỏ hơn, vật chứa có nắp đậy, hay vật chứa có cổ thắt. Ngoài ra, ngay lúc này đây, bạn đã có thể bắt đầu dạy con phân loại đồ đạc khi cho vào các vật chứa rồi đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét