Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Khi bạn tìm hiểu về các mốc phát triển kỹ năng chuẩn của bé trong năm tuổi thứ 2, hãy nhớ rằng đó chỉ là những hướng dẫn chung. Mỗi em bé đều là một cá thể độc đáo, và bé có tốc độ phát triển riêng của mình. Biên độ phát triển bình thường là khá rộng, nên bạn cũng đừng quá lo trừ khi bé có các dấu hiệu báo động đáng quan tâm dưới đây.



Các mốc phát triển kỹ năng của bé


Trong năm này, con bạn đã có thể tự đi đứng và lớn lên trên chính đôi chân của mình. Từ những bước chập chững đầu tiên cần bạn nâng đỡ, bé rồi đây sẽ biết tự đi, biết lên xuống cầu thang, biết đứng nhón chân, đá bóng và thậm chí chạy nhanh thoăn thoắt khi được 2 tuổi. Không chỉ vậy, bạn còn chứng kiến cục cưng của mình trèo nhoay nhoáy lên ghế và sofa nữa.


Phát triển kỹ năng ngôn ngữ, dù chưa diễn đạt được nhiều nhưng bé hiểu được nhiều hơn bạn nghĩ. Khi được 18 tháng, bé đã có thể nói được vài từ đơn, và khi được 2 tuổi bé đã có thể ghép các từ thành cụm hay câu ngắn. Bé cũng học từ mới rất nhanh khi bạn đọc sách cho bé nghe hay trong những cuộc trò chuyện hàng ngày. Và bé đã có thể hiểu được và làm theo mệnh lệnh kép như “Nhặt sách mang đến đây cho mẹ nào!”


Con bạn đã bắt đầu có thể nhận biết được các hình khối và màu sắc. Bé đã biết vẽ nguệch ngoạc bằng bút sáp, xây tháp với 4-5 khối hộp, ném bóng và thích bỏ đồ vào hộp rỗng rồi đổ ra. Bạn cũng có thể nhận ra các dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé thuận tay trái hay tay phải.


Sau một năm mọi thứ đều phải phụ thuộc vào người lớn, giờ đây bé muốn tự làm mọi thứ dù còn rất thô vụng như mặc và cởi quần áo, tự cầm cốc hay tự rửa tay. Thậm chí có bố mẹ còn bị sốc vì câu nói hoàn chỉnh đầu tiên của con có thể là bé đòi làm việc gì đó.


Bé cũng tỏ vẻ hứng thú với việc tập ngồi bô và thường bắt chước bố mẹ nói chuyện điện thoại rất ngộ nghĩnh. Bé gái sẽ bắt đầu giả bộ cho búp bê ăn, còn bé trai sẽ bắt chước bố lái xe.


Nỗi sợ xa cách lên đến đỉnh điểm vào giữa năm thứ hai, nhưng khi được 2 tuổi thì dịu đi nhiều vì bé đã biết chơi với các bé khác và thân thiện hơn với người trông trẻ. Trong khi đó, bé vẫn tiếp tục phát huy sự độc lập của mình, và điều đó cũng là thách thức với việc trông nom bé.


Vai trò của bạn


Hãy trau dồi kỹ năng nói của bé bằng cách diễn đạt thành lời các cảm xúc của bạn, đặt câu hỏi cho con, trò chuyện với con, đọc sách, hỏi ý con và tất nhiên là hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi về thế giới xung quanh của bé. Bạn biết không, khi bé ở tuổi này, bạn đã có thể bắt đầu dạy con về chữ cái và con số.


Con bạn có thể phát âm ngọng ngịu nhưng hãy cố đừng mắng bé mà chỉ cần lập lại từ đó với phát âm đúng. Khi bé chỉ vào thứ gì bé muốn, hãy khuyến khích bé hỏi thay vì chỉ trỏ. Bạn cũng hãy dạy con nói tên một số bộ phận trên cơ thể và gọi tên những đồ dùng thân thuộc.


Bạn hãy khuyến khích con chơi vớ búp bê và cả thức ăn. Hãy cùng chơi với bé những trò chơi trong nhà yêu cầu bé giúp bạn phân loại đồ chơi và xếp chúng theo từng loại giống nhau, như đồ chơi màu đỏ hoặc đồ chơi mềm. Và cũng đừng ngại dọn dẹp mà cho bé tập tự ăn với cốc và đồ dùng. Bạn cũng nên dẫn bé ra ngoài chơi nhiều; cho bé đến công viên, các sân chơi, hoặc sở thú để tập đi, chạy nhảy và tự do khám phá.


Hãy liên tục khích lệ các thói quen tốt của bé với những lời khen và sự quan tâm. Bạn đã bắt đầu phải đặt ra các giới hạn đơn giản cho con rồi, những luật lệ này nên rõ ràng, nhẹ nhàng và phải nhất quán. Hãy cho bé được lựa chọn giữa thứ này hay thứ kia. Bạn luôn phải thật kiên nhẫn và tích cực nhé, hãy nhớ là con bạn chỉ đang mới bắt đầu học kiểm soát và thể hiện bản thân thôi mà.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét