Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Bước sang giai đoạn mang thai tháng thứ 6 mà cụ thể là tuần thứ 24, lúc này cột sống của bé đã khỏe hơn và đủ sức nâng đỡ cơ thể rồi, ngoài ra bé còn phản ứng lại được với âm thanh và sự va chạm bên ngoài nữa. Bấy giờ bé đã sẵn sàng cho việc hô hấp rồi, tuy nhiên do vẫn còn nằm trong bụng mẹ nên việc thở vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ.  Tuần này mẹ trông có vẻ kém tươi tắn, mẹ cần bồi bổ thêm những thực phẩm giàu năng lượng, chọn loại áo ngực phù hợp để nâng đỡ bộ ngực căng tràn vì các mô tuyến sữa đang phát triển.



 


Nhật ký bé trong bụng mẹ – Tuần thứ 24


Ngày thứ 162: Bé nặng khoảng gần 1kg rồi và bắt đầu cảm thấy tử cung của mẹ chật hẹp.


Mẹ làm cho bé: Dường như mẹ đang cân nhắc về một số dịch vụ giữ trẻ? Vậy thì hãy bắt đầu bằng 3 điều sau: Tìm kiếm tỷ lệ và số lượng nhà trẻ gần nhà, xem xét cách thức chăm sóc trẻ và số lượng trẻ trung bình mỗi lớp đồng thời xem xét yếu tố an toàn cho bé sau này.


Ngày thứ 163: Bé hiếu động nhiều, đôi khi sẽ tóm lấy chân và mút ngón chân nữa.


Mẹ làm cho bé: Một cách để kiểm tra sức khỏe của thai nhi là đếm số cú huých (thúc) của bé. Ghi lại trên giấy note toàn bộ thời gian bé chuyển động trong ngày, nếu xấp xỉ 10 lần trong vòng 15 phút – 2 giờ đồng hồ tức là bé hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu trên 2 giờ mà không đủ khoảng 10 lần thai máy thì nên tham vấn bác sĩ sản khoa.


Ngày thứ 164: Bé đã sẵn sàng cho việc hô hấp với lá phổi riêng nhưng không khí vẫn chưa thể đi vào phổi khi bé còn ở trong bụng mẹ.


Mẹ làm cho bé: Đừng ăn những món lặp đi lặp lại mà nên đa dạng hóa thực đơn của mẹ để bổ sung dinh dưỡng hợp lý hơn cho cả mẹ lẫn bé. Cần biến tấu mới mẻ cho bữa ăn như trộn cà chua với vài món rau củ khác để kích thích vị giác, như thế mẹ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.


Ngày thứ 165: Nếu bố áp tai vào bụng mẹ ngày hôm nay, bố sẽ nghe nhịp đập trái tim của bé.


Mẹ làm cho bé: Mang thai tháng thứ 6, ngoài bố mẹ thì ông bà nội ngoại của bé cũng là những người luôn háo hức mong đợi được gặp bé. Cố gắng chuẩn bị đầy đủ và tươm tất những gì có thể phục vụ cho ngày “lâm bồn”, đừng bỏ qua sự hỗ trợ của ông bà.


Ngày thứ 166: Bé phản ứng lại với cả âm thanh và sự va chạm vào ngày hôm nay.


Mẹ làm cho bé: Nếu mẹ theo đạo Thiên chúa thì đây là lúc mẹ cân nhắc chọn cha đỡ đầu cho trẻ.


Ngày thứ 167: Cột sống của bé đã mạnh hơn và đủ sức nâng đỡ cơ thể rồi.


Mẹ làm cho bé: Phải cảm ơn những hình ảnh qua máy siêu âm vì nhờ nó mà mẹ biết được bé đã lớn lên như thế nào. Mẹ hãy giữ những bức hình đó làm kỷ niệm cho bé về sau nhé. Có thể lồng vào khung hình và chưng ở trong phòng ngủ, trên bàn làm việc chẳng hạn.


Ngày thứ 168: Bé tăng cân rõ rệt và mỡ được phân bố đi 3 khu vực: vùng gáy, quanh quả cật và vùng xương ức. Lớp mỡ nâu này tương tự một số động vật trữ mỡ như gấu để giữ ấm qua mùa đông vậy. Nó giúp bé ấm áp trong tuần đầu tiên sau khi rời bụng mẹ.


Mẹ làm cho bé: Bấy giờ vai trò của bố rất lớn, bố phải từ bỏ các cuộc vui để săn sóc mẹ và bé lúc này. Mẹ hãy nhờ bố làm dùm những công việc trong nhà, cùng trò chuyện với con như mẹ từng làm…


Nhật ký mẹ mang thai – Tuần thứ 24


Ngày thứ 162: Những ngón tay của mẹ lại sưng phồng lên khiến những ngón tay đeo nhẫn của mẹ càng bị bó chặt và khó chịu.


Mẹ làm cho mẹ: Để thoải mái hơn, mẹ nên ngâm tay trong nước lạnh, để tháo nhẫn dễ dàng, mẹ chỉ cần cho một chút xà phòng vào là nhẫn sẽ trượt ra khỏi ngón tay. Cất kỹ nhẫn vào đâu đó cho đến lúc giảm triệu chứng này thì có thể đeo lại.


Ngày thứ 163: Trông mẹ sẽ rất “xuống sắc” ngày hôm nay, mẹ sẽ phải gập người về phía trước một chút mới thấy được chân mình.


Mẹ làm cho mẹ: Hãy cắt tỉa móng tay, tóc tai gọn gàng hơn, massage đôi chân giúp đôi chân bớt phù nề và vững vàng hơn.


Ngày thứ 164: Dù mẹ có chọn phương pháp sinh con không đau như dùng thủ thuật Lamaze thì mẹ vẫn luôn e ngại về cơn đau đẻ của mình.


Mẹ làm cho mẹ: Thật không dễ dàng chút nào vì cơ thể sẽ không chỉ huy (kìm giữ) được những cơn rét run khi lâm bồn. Tất cả những gì mẹ cần làm là phải tự tin vào bản thân mình, nhủ thầm trong đầu về những thử thách cần vượt qua. Chuẩn bị những bản nhạc thư giãn để nghe trong khi chờ sinh nở cũng là một giải pháp hay.


Ngày thứ 165: Mang thai tháng thứ 6, bụng mẹ lớn hơn nên cần phải có những chiếc áo dài và rộng hơn, thoải mái hơn Những chiếc thắt lưng lúc này không còn an toàn cho bé nữa và áo sơ mi thì có thể che phủ được toàn bộ chiếc bụng.


Mẹ làm cho mẹ: Mẹ nên sắm sửa cho mình ít nhất mỗi thứ một đôi để có thể thay đổi được, nó bao gồm: áo, váy, vớ, giày dép…Sắm sửa 1-2 bộ áo đầm đẹp để có thể tham dự các lễ tiệc nữa.


Ngày thứ 166: Mẹ có thể thấy là mình trì trệ, uể oải và thiếu sinh lực nhưng có thể do tính chất việc mà mẹ không thể nghỉ ngơi ngay được.


Mẹ làm cho mẹ: Bồi đắp nguồn năng lượng cơ thể với carbohydrate chứa lượng chất béo thấp: trái cây tươi, bánh mì lạt, khoai tây, nho khô.


Ngày thứ 167: Nếu mẹ để ngón tay miết theo bao tử, mẹ sẽ chạm vào một nơi mềm mại, đó là cơ bụng của mẹ đang được phân tách.


Mẹ làm cho mẹ: Cơ bụng phân tán ra như thế sẽ giúp cho tử cung tăng kích thước lên, điều này đồng nghĩa với việc sẽ dễ bị tổn thương hơn khi thúc đẩy hoặc kéo căng ra. Không nên đứng lên ngồi xuống đột ngột, cẩn thận khi mang vác…Các cơ bụng sẽ trở lại trạng thái cũ sau sinh nên mẹ không nên quá lo lắng.


Ngày thứ 168: Vào cuối thai kỳ bầu ngực sẽ tăng lên nhờ một lớp mô và mỡ, đó là lúc sẵn sàng để chuẩn bị nuôi con bằng sữa mẹ.


Mẹ làm cho mẹ: Mẹ cần lựa chọn loại áo ngực cho con bú với kích cỡ vừa, hơi rộng và thấm hút tốt. Ngực mẹ sẽ tiếp tục lớn lên và càng lớn hơn khi có sữa, mẹ lưu ý để chọn những chiếc áo ngực vừa vặn nhất.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Sự phát triển kỹ năng và kích thích các giác quan 3-6 tháng tuổi


Hình ảnh


Khi được 3 tháng tuổi, khả năng cảm nhận màu sắc của bé đang mở rộng từ đen trắng sang các màu sắc đậm rồi cuối cùng là nhạt, với độ tương phản thấp hơn. Tầm nhìn của bé cũng dần dần mở rộng. Và khi tầm nhìn của bé phát triển, bé sẽ bắt đầu chú ý vào những chi tiết cụ thể hơn. Những giờ chơi trên đệm và “phòng tập” trong nôi trở nên thú vị hơn khi bé học cách dựa vào nhận thức thị giác của mình.


Âm thanh


Những từ đầu tiên của bé bắt đầu hình thành qua sự bắt chước. Hãy khuyến khích sự bắt chước bằng cách chính bạn hãy bắt chước các âm thanh con tạo ra trước, rồi để bé bắt chước lại âm thanh của bạn. Ngoài ra, sử dụng điệp khúc lặp đi lặp lại trong các bài hát cũng sẽ giúp phát triển bộ nhớ và nhận thức của bé.



Xúc giác / Vị giác


Trẻ đang trải nghiệm “xúc giác” qua miệng cũng như bàn tay của mình. Những chiếc vòng có kết cấu rõ ràng và đồ chơi dành cho bé mọc răng giúp bé bắt đầu “hành trình khám phá” qua tay và lưỡi của mình.


Sự phát triển kỹ năng vận động tinh


Giai đoạn này, bạn có thể đặt bé nằm ngửa trên thảm chơi, để bé với lên các món đồ chơi treo ở trên, hoặc đặt bé nằm úp xuống để lấy đồ chơi trên mặt thảm. Bé đã sẵn sàng để điều khiển các đồ vật với nhiều kích cỡ, hình dạng và chất liệu khác nhau. Bạn cũng có thể bắt đầu cho con chơicác khối gỗ hay nhựa, bóng và các vật dụng gia đình như điện thoại không dây, các khóa nhựa và muỗng lớn


Những trò chơi trong nhà như “Một ngón tay nhúc nhích nè” hay “Vỗ tay vỗ tay bà cho ăn bánh” cũng sẽ rất vui với con.


Bố mẹ hãy giúp con cân bằng bằng cách nhẹ nhàng và liên tục giữ bé trong tư thế ngồi hoặc đứng. Lưu ý là con có thể cảm nhận được sự động viên, khuyến khích, và cả sự thất vọng từ bạn đấy nhé, chẳng hạn như khi bé chưa ngồi được như bạn muốn. Hãy kiên nhẫn với cả mình và con nhé.


Tăng cường trí tuệ


Khi được 6 tháng tuổi, bé tiếp cận với khái niệm về sự tồn tại: một món đồ chơi được giấu dưới một tấm chăn không có nghĩa là nó mất đi mà chỉ là tạm thời “trốn đi” mà thôi! Bé sẽ thả một quả bóng rơi nhiều lần chỉ để nhìn thấy nơi mà nó rơi trước khi mẹ nhặt lên và trả lại bé.


Ú òa cũng sẽ là một trò chơi trong nhà mà bé rất thích. Có thể ban đầu bé chưa hiểu nhưng sẽ rất nhanh thôi, bé sẽ tích cực tham gia bằng cách giấu mặt sau bàn tay của mình hoặc tấm chăn và cười phá lên trước sự thông minh của mình.


Còn vấn đề phát triển ngôn ngữ thì sao nhỉ? Bố mẹ chỉ cần tiếp tục trò chuyện với bé!

Nấm đùi gà xào bơ tỏi chế biến đơn giản nhưng vị thơm ngon, giòn giòn của món ăn sẽ hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức.



Nguyên liệu làm nấm đùi gà xào bơ tỏi:


- 2-3 cây nấm đùi gà


- Tỏi một củ to


- Một thìa bơ


Cách làm nấm đùi gà xào bơ tỏi :


Bước 1: Nấm đùi gà sau khi rửa sạch cắt thành những lát có độ dày khoảng 5mm. Tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ.


Bước 2: Cho chảo lên bếp cho ít dầu ăn, phi một nửa chỗ tỏi cho vàng thơm rồi vớt ra. Dùng dầu ăn đó chiên hơi xém vàng các lát nấm. Việc chiên qua nấm sẽ làm nấm co chắc ăn sẽ giòn hơn. Nấm hút dầu nên khi chiên bạn đừng cho nhiều dầu nhé!


Bước 3: Trút bơ vào chảo cho phần tỏi còn lại vào xào thơm, sau đó trút phần nấm chiên vào, rắc ít muối tiêu, hạt nêm. Đảo đều vài lần để cách lát nấm ngấm bơ và vị mặn là được. Bỏ ra đĩa ăn, rắc phần tỏi phi trước đó lên trên.


Món này bạn nhớ ăn nóng, nếu ăn cay có thể ăn kèm với ít tương ớt.


Mùi thơm của bơ tỏi rất hấp dẫn, miếng nấm giòn dai sẽ là một món ngon để bạn thử làm cho gia đình thưởng thức bạn nhé!


Chúc bạn và gia đình ngon miệng với nấm đùi gà xào bơ tỏi!

Đu đủ là thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em xếp vào 1 trong 10 loại trái cây ăn dặm tốt nhất dành cho bé, do đu đủ rất giàu dinh dưỡng và giàu chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em. Nhiều cha mẹ quyết định chọn đu đủ là món cuối cùng trong thực đơn cho bé ăn dặm. Những thức ăn được coi là dễ tiêu hóa nhất khi bé tập ăn dặm là khoai lang, bơ, chuối… và đu đủ được xếp sau danh sách này.



Đu đủ chín là loại quả giàu dinh dưỡng. Nó chứa nhiều vitamin C (giúp cơ thể hấp thụ sắt), vitamin A và cả vitamin E. Đu đủ cũng dồi dào chất xơ và axit folic. Giống như xoài, đu đủ cũng là một loại quả mà thời điểm cha mẹ cho bé ăn đu đủ là khác nhau. Một số cha mẹ chọn đu đủ là món cho bé tập ăn dặm nhưng cũng có cha mẹ để bé làm quen với đu đủ muộn hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bạn có thể cho bé ăn đu đủ ở tháng thứ 7 nhưng nếu muốn cho bé ăn sớm hơn (khoảng tháng thứ 6) thì điều đó cũng không gây nguy hiểm gì.


Cách chế biến đu đủ cho thực đơn ăn dặm của bé


Từ quả đu đủ các mẹ có thể chế biến thành những món tráng miệng hấp dẫn đặc biệt cho trẻ. Sau chuối và bơ, đu đủ cũng là lựa chọn thích hợp để giúp bé tiêu hóa tốt. Các mẹ có thể chế biến đu đủ theo những cách đa dạng như sau:


1. Đu đủ nạo


Mẹ gọt sạch vỏ đu đủ, bổ dọc làm 2 phần, bỏ sạch hột đu đủ. Sau đó mẹ lấy thìa nạo đu đủ chín ở giữa để cho bé ăn ngay. Ăn đu đủ tươi luôn là sự lựa chọn đầu tiên cho trẻ vì khi đó các loại Vitamin và dưỡng chấp được hấp thụ một cách trực tiếp.


2. Sinh tố đu đủ sữa công thức


Mẹ có thể cắt đu đủ thành từng miếng nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn, thêm một chút sữa công thức thành một loại sinh tố cho bé uống. Vị ngọt và nước thanh mát là chất giải khát và bổ sung năng lượng tuyệt vời cho con yêu.


3. Đu đủ nghiền


Đu đủ chín xay nhuyễn là 1 trong 10 món thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm tốt nhất. Đu đủ còn là nguồn cung cấp betacaroten và vitamin C cho bé.


-Thành phần: 1 quả đu đủ chín.


-Cách làm: Gọt vỏ, cắt đu đủ làm đôi, xúc bỏ hạt đen. Sau đó dùng một con dao nhỏ, mũi sắc để lọc lấy lớp thịt đu đủ(không lấy cùi & màng trắng bên trong). Cho thịt đu đủ vào máy sinh tố, xay nhuyễn và cho bé thưởng thức ngay.


4. Cháo thịt tôm, đu đủ, trứng gà


Dành làm thực đơn ăn dặm cho bé từ 8 tháng tuổi


Nguyên liệu:


- ½ bát đu đủ.


- 1 quả trứng.


- 50gr thịt tôm xay.


- 1 bát cháo trắng.


Thực hiện


- Cắt đu đủ thành các miếng nhỏ hoặc xay nhuyễn nếu bé chưa quen ăn nhiều thức ăn thô.


- Trứng rửa sạch, luộc chín, tách riêng phần lòng đỏ, nghiền nát.


- Cho cháo vào nồi, đun sôi, thêm thịt lợn xay vào khuấy đều để thịt không dính lại với nhau. Đun khoảng 15-20 phút thì cho thêm đu đủ và lòng đỏ trứng. Tiếp tục đun 10 phút nữa thì tắt bếp. Đợi cháo còn nóng ấm thì mẹ cho bé ăn nhé!

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Từ 0-3 tháng tuổi


Khi đã làm mẹ, bạn có một lý do tuyệt vời để vui chơi thêm một chút! Xét cho cùng, đó là cách bạn giúp con mình học tốt nhất. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian chơi cùng con càng tốt và đừng quên tối đa hóa khả năng học mà chơi của bé nhé.


Sự kích thích các giác quan


Chơi cùng con không chỉ để vui, đó còn là cách tốt nhất để con tìm hiểu và phát triển kỹ năng xã hội, nhận thức và kỹ năng vận động tinh. Bố mẹ hãy tìm hiểu những trò chơi cùng con ở mọi lứa tuổi, cũng như cách để phát triển khả năng học tập của bé.


Hình ảnh


Tầm nhìn của trẻ sơ sinh rất hạn chế. Trong khi một bức tranh màu êm dịu có thể hấp dẫn bạn, thì đối với trẻ, những hình ảnh sắc nét với màu đen trắng và các mẫu màu khác với độ tương phản cao sẽ thu hút sự chú ý của bé tốt nhất. Để kích thích thị giác ban sơ của con, bố mẹ hãy treo một vật cách bé khoảng 20-40cm và ở lệch sang một bên thay vì thẳng trước mặt bé. Khi con học được cách nhìn tập trung, bạn hãy di chuyển một món đồ chơi sẫm màu từ bên này sang bên kia để huấn luyện các cơ mắt của con nhé.


Trẻ sơ sinh cũng thích ngắm nhìn những khuôn mặt, dù là ảnh chụp hay tranh vẽ, vì thế bố mẹ hãy cho con xem ảnh của thật nhiều nụ cười. Vào cuối kỳ “tam cá nguyệt thứ tư”, bạn hãy cho con ngồi trước cửa sổ hoặc một bể cá để bé tiếp xúc với nhiều hình ảnh mới mẻ hơn.


 


Âm thanh


Trong bụng mẹ, bé nhận được rất ít sự kích thích trực quan, nhưng thính giác lại rất tích cực gửi tín hiệu đến não giúp bé ghi nhớ tiếng vang đầu tiên của thế giới bên ngoài. Nếu bạn hát hoặc đọc cho con đang trong bụng mình nghe, hãy lặp lại cùng một bài hát ru và những câu chuyện để kích hoạt bộ nhớ của bé và nhắc bé nhớ lại sự bình an nơi “cung điện nước” của mình. Bạn hãy bật nhạc êm dịu, cổ điển (hãy thử Mozart hay Vivaldi), hoặc giải trí một chút với những món đồ chơi tạo âm thanh.


Xúc giác


Nhẹ nhàng mát xa bé giúp mối liên kết của bạn và con trở nên tốt đẹp hơn! Nhẹ nhàng vuốt ve theo nhịp điệu sẽ cải thiện sự tuần hoàn của bé, giúp bé thư giãn và đi vào giấc ngủ cũng như kích hoạt dây thần kinh cảm giác để bé làm quen với cơ thể của mình. Bạn hãy mang món đồ chơi có kết cấu và chất liệu khác nhau chạm vào má của bé hoặc đặt vào lòng bàn tay của bé. Hãy để bé cầm lấy một cái lục lạc để bắt đầu làm quen với sự phối hợp xúc giác, thị giác và thính giác.


Sự phát triển kỹ năng vận động tinh


Tuy phải đến tháng thứ tư hoặc sau đó bé mới có thể với lấy những món đồ chơi nhưng bây giờ, phản xạ của bé sẽ cho phép bé cầm nắm những cái lục lạc hay những món đồ chơi nhỏ. Một “phòng tập” trong nôi với màu sắc hấp dẫn sẽ khuyến khích bé tiếp cận với đồ chơi khi có thể.


Cột mốc phát triển kỹ năng vận động thô


Nằm sấp nào con! Bạn hãy cho bé nằm sắp ít nhất vài phút mỗi ngày để giúp con cứng cáp hơn vì bé có thể nâng đầu và vai của mình, lật và cuối cùng là bò. Bạn cũng có thể đặt một món đồ bên cạnh thảm chơi của con để khuyến khích bé lăn qua. Hoặc hãy thử để bé nằm úp trên lưng mình hoặc trên cẳng chân của mình trong khi bạn đang nằm ngửa và co chân lại song song với sàn nhà, bé có thể nhìn thấy bạn trong khi vận động cánh tay và chân của mình như một động viên bơi lội.


 


Tăng cường trí tuệ


 


Chúng ta đều học bằng cách thử nghiệm những điều mới, vì vậy cũng hãy để con tiếp xúc với những nơi mới mẻ! Hãy để bé trải nghiệm những hình ảnh, âm thanh và mùi của một nơi nào đó khác hơn là ở nhà, thậm chí chỉ cần là một chuyến đi đến siêu thị cũng đã đủ.


Và đừng quên kể chuyện cho con nghe, gọi tên sự vật, quan trọng nhất là hãy trò chuyện với con để giúp bé làm quen với ngôn ngữ nữa, mẹ nhé.

Món nấm đùi gà chiên xù rất đơn giản, dễ làm mà lại ngon vô cùng. Món này rất phù hợp trong tháng Vu Lan này. Cùng tham khảo công thức và trổ tài chế biến cho cả gia đình nhé.



Nguyên liệu làm món nấm đùi gà chiên xù:


- Nấm đùi gà: 200gr


- Bột mì


- Bột chiên xù


- Rau mùi


- Hạt tiêu, muối, dầu ăn


Giá tiền: 30.000đ


Khẩu phần: 3-4 người ăn


Thời gian: 30 phút


Cách làm nấm đùi gà chiên xù


Món nấm đùi gà chiên xù ngon lạ hấp dẫn chỉ với 5 bước đơn giản như sau:


Bước 1: Rửa sạch nấm đùi gà, thái hình con chì và ướp cùng  một chút muối và hạt tiêu trong vòng 5 phút.


Bước 2: Trộn rau mùi băm nhỏ cùng bột mỳ và nước thành hỗn hợp lỏng vừa phải


Bước 3: Nhúng từng thanh nấm qua bột mỳ, và bột chiên xù.


Bước 4: Chiên từng thanh nấm đã bọc bột trong dầu sôi đến khi chín vàng.


Bước 5: Vớt ra để ráo dầu và đặt vào đĩa trang trí cho món ăn hấp dẫn


 

Hương vị thơm lừng của bánh flan kèm với sự béo ngậy của phô mai thật tuyệt vời! Cùng vào bếp trổ tài làm bánh với cách làm bánh flan phô mai dưới đây nhé!


Nguyên liệu làm bánh flan phô mai:


Trứng gà 10 quả


Sữa tươi 1 lít


Whipping cream 100g


Sữa đặc 1 lon


Cream cheese 150g


Muối 1/4 mcf


Vani 1 mcf


Caramel : 250g đường + 1mcf nước chanh + 100g nước


Cách làm bánh flan phô mai:


Caramel :


Đường + 30g nước trộn đều bắc lên bếp lửa vừa , không khuấy khi đường bắt đầu chuyển sang màu mới được khuấy đến khi có màu như ý cho 70g nước còn lại vào , cho nước chanh vào khuấy đều , đổ khuôn.



Hỗn hợp bánh flan:


10 trứng bỏ ra 2 lòng trắng , cho muối + vani vào khuấy tan


Sữa tươi + whipping cream + sữa đặc ( mình thay sữa đặc bằng 200g đường vì sợ quá béo ): bắc lên bếp lửa nhỏ nấu ấm.


Đổ nửa lượng hổn hợp sữa vào trứng khuấy nhanh tay.


Cream cheese để mềm cắt vụn đánh cách thủy cho mịn cho hổn hợp sữa còn lại khuấy đều.


Hòa tan hổn hợp cream cheese + hổn hợp trứng lượt lại vớt sạch bọt để yên 30′ vớt bọt lần nữa đổ khuôn . Cho vào khuôn đã có caramel.


Có hai cách hấp bánh flan


Hấp bánh : Xửng nước sôi hấp lửa nhỏ , xếp bánh vào hấp 30-40′ . Khoảng 5-7′ lau nắp 1 lần tránh để nước nhỏ vào bánh.


Nướng cách thủy : Xếp bánh lên mâm cho vào lò nướng . Cho nước sôi vào mâm , nướng cách thủy , nhiệt độ 150 , 30′- 40′ tùy theo khuôn đổ dày hay mỏng hoặc xâm bánh thấy không còn dính là được.


Chúc các bạn thành công với món bánh flan phô mai.