Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi con mình đã đến kỳ ăn dặm mà chưa biết phải chế biến thực đơn ăn dặm mỗi bữa của bé thế nào. Thông thường, việc xay chút bột rau, cá, gan lợn, thịt… cho vào cháo là điều xem chừng đơn giản, nhưng xay như thế nào và tỉ lệ bao nhiêu? Dưới đây là một số gợi ý.


Trẻ 6 tháng tuổi là đủ độ tuổi cứng cáp để ăn dặm, trong bột và cháo của bé nên cho thêm thực phẩm phụ và cần chế biến thành dạng bột hoặc vụn để bé dễ nuốt.


Cách thức nghiền rau thịt để nấu bột ăn dặm cho bé


Bột rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải…) bỏ cuống, xé nhỏ, chần qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào may xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.


Bột cá: Rửa sạch cá khúc (cá trắm, cá hố, cá thu…) cho vào bát, nêm chút gia vị rồi hấp cá trong 10-15 phút. Sau khi cá nguội, bạn lóc bỏ da và xương rồi dùng thìa ép thành dạng bột.


Bột thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay rồi cho thêm chút bột mì, rượu và gia vị vào trộn đều, sau đó bỏ vào nồi hấp chín.


Bột gan lợn: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, cho một tí rượu và gia vị hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.


Bột tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, nêm gia vị, trộn đều và hấp chín.


Những lưu ý về tỉ lệ trong thực đơn ăn dặm


Thành phần dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn của bé cũng cần một tỉ lệ thích hợp, thông thường tỉ lệ này là: 3: 2: 1 (ví dụ: với 30g gạo thì kèm với 20g bột thịt khoảng và 10g rau). Sau khi nấu xong, cần thêm vào vài giọt dầu thực vật để tăng thêm hương vị và nhiệt năng.


Chế biến và cho bé ăn dặm hợp lý là trên cơ sở chất bột, thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật vào cũng cần một tỉ lệ hợp lý. Bất kể xuất phát từ nhu cầu sinh trưởng của trẻ hay mùi vị thì cũng không nên lấy khẩu vị người lớn làm tiêu chuẩn vì nếu món ăn quá mặn sẽ bắt thận của bé làm việc quá sức, thậm chí phù nề. Đặc biệt bạn nên hạn chế bột nêm, hương liệu, mì chính… trong thực đơn cho bé.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Bé 6 tháng tuổi bạn đã có thể cho bé thử những muỗng bột ăn dặm đầu tiên. Qua 7 tháng, bé sẽ ăn tốt hơn và các nhóm thực phẩm cũng đầy đủ hơn. Để bé ăn ngon miệng, đủ chất, trong một chén cháo được chế biến hoàn chỉnh cần hội đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo rau củ và đạm. Tùy theo số tháng tuổi mà bạn có thể cho bé ăn ít hay nhiều.


4 nhóm thực phẩm cần thiết trong thực đơn ăn dặm của bé gồm có


Nhóm tinh bột:


Thực phẩm: Gạo, đậu, khoai củ, bột mì…


Số lượng : Tùy theo độ lỏng hay sệt.


Cách chế biến:


Thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi : Bột thật mịn;


7 tháng tuổi : Bột mịn vừa phải;


8 tháng tuổi : Bột lợn cợn, cháo nhuyễn;


9-12 tháng tuổi : Cháo hạt mịn;


12 tháng tuổi : Cháo hạt to lợn cợn.


Nhóm chất đạm:


Thực phẩm: Thịt, cá, tôm, cua, đậu hũ, đậu hạt, trứng…


Số lượng: 30g/1 chén (2 muỗng canh gạt)


 


Cách chế biến:


6-7 tháng tuổi: Đạm mềm, băm nhuyễn;


8-9 tháng tuổi: Băm nhuyễn, tán qua rây;


9-12 tháng tuổi: Băm nhuyễn;


> 12 tháng tuổi: Băm nhỏ.


Nhóm rau củ:


Thực phẩm: Rau lá, rau củ, bí bầu, trái cây tươi…


Số lượng: 20g/1 chén (2 muỗng canh).


Cách chế biến:


6-8 tháng tuổi: Băm/ Tán thật nhuyễn.


9-12 tháng tuổi: Băm nhuyễn


> 12 tháng tuổi: Băm nhỏ, ăn cả lá, miếng trái cây mềm…


Nhóm chất béo


- Thực phẩm: Dầu ăn, mỡ cá, mỡ heo, bơ…


- Số lượng: 6-10g/1 chén (1-2 muỗng canh)


- Cách chế biến: Cho vào chén bột, cháo nóng


Dầu tinh luyện (salad oil): ăn sống


Dầu hỗn hợp (cooking oil), dầu thô, mỡ: nấu chín trước khi ăn


 


Khẩu phần ăn của trẻ từ mới sinh đến 24 tháng tuổi


 


Tháng tuổiKhẩu phần sữaKhẩu phần ăn


< 6 thángBú mẹ hoàn toàn


6-7 thángBú mẹ (800-1000ml)Tập ăn dặm;


Uống nước trái cây.


7-8 thángBú mẹ (800-900ml)½ chén x 2 (bột sệt)


Trái cây


9-12 thángBú mẹ (700-800ml)2/3-1 chén (bột hay cháo đặc)


Trái cây, chế phẩm từ đậu nành, bánh flan, sữa chua


12-24 thángBú mẹ (500-600ml)3-4 chén cháo đặc


Trái cây, chế phẩm từ sữa tươi, bún, nui sao, phở, …


 


Những quan niệm sai lầm khi cho bé ăn dặm


- Ăn thịt nhiều thì bổ.


- Không ăn dầu mỡ khi trẻ bệnh.


- Xay nhuyễn thức ăn cho trẻ dễ ăn.


- Hầm thật kỹ thức ăn lấy nước.


- Kiêng cữ cá biển, trứng gà, thịt bò…


- Cho trẻ ăn nhiều “đồ bổ” hỗn hợp.


- Trẻ uống nước nhiều cho tốt.


- Uống sữa thay ăn cũng được.


- Ăn cơm sớm cho trẻ mau cứng cáp.


 

Trong những tháng đầu đời, toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của con bạn đều được sữa mẹ hoặc sữa bình đáp ứng đầy đủ. Khi bé lớn dần lên, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng trở nên phức tạp. Đối với rất nhiều bà mẹ, thời kỳ cai sữa này khiến họ hết sức mệt mỏi và lúng túng, nhưng với kiến thức đúng đắn và một chút kiên trì, mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái cả.


 


Khi nào con tôi sẵn sàng cho thức ăn khác ngoài sữa?


Tổ chức Y tế Thế giới khuyên rằng chỉ nên cho con ăn thức ăn thô sớm nhất là 4 tháng tuổi và trễ nhất là 6 tháng tuổi. Đó là bởi vì trước 4 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của con bạn chưa thực sự sẵn sàng để xử lý thức ăn thô, và các phản xạ nguyên thủy có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi nuốt. Ăn thực đơn ăn dặm đặc sớm quá cũng có thể khiến bé bị dị ứng thức ăn.


 


Sau 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của con bạn trở nên phức tạp hơn, và chỉ sữa mẹ hay sữa bình không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể đang lớn lên rất nhanh. Nếu bạn không bắt đầu cho con ăn thức ăn đặc lúc 6 tháng tuổi, bạn có thể gặp vấn đề khi cho con ăn vì bé sẽ không chịu ăn các loại thức ăn. Nếm thử những mùi vị và dạng thức ăn mới cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.


Giai đoạn cai sữa và cho bé ăn dặm bắt đầu khi bé được từ 4-6 tháng tuổi


Ngoài độ tuổi, bạn cũng có thể biết được con mình đã sẵn sàng cho thức ăn đặc dựa trên những dấu hiệu sau:


 


- Bé có thể ngồi không cần tựa và kiểm soát tốt đầu cổ.


- Bé đưa tay với lấy đồ vật cho vào miệng


- Bé tỏ ra hiếu kỳ với những gì bạn ăn, thậm chí còn nhép miệng làm động tác nhai


- Bé tăng cân không đều như trước hoặc sụt cân vì cơ thể sử dụng nhiều calorie mà một mình sữa không thể cung cấp đủ.


- Sữa dường như không thể làm bé no, và bé đòi ăn nhiều hơn


 


Cũng cần lưu ý rằng bắt đầu cho con ăn thực đơn ăn dặm đặc với mục đích khiến bé ngủ suốt đêm không phải là ý hay. Thay vì khuyến khích thói quen ngủ đúng giờ, việc này có thể phản tác dụng.


 


Bắt đầu cho con ăn dặm như thế nào?


Đây là một trải nghiệm mới cho cả bạn và bé, nghe ra thì vất vả nhưng có thể sẽ rất vui. Hãy đảm bảo cả hai mẹ con đều đồng thuận khi lần đầu cho bé ăn thức ăn. Hãy làm điều đó khi con bạn bình tĩnh thoải mái và tỉnh táo. Sẽ mất vài ngày bé mới quen nuốt thức ăn đặc, và những bữa ăn đặc đầu tiên của bé đúng thật là một thí nghiệm với những dạng và mùi vị mới – bạn dọn dẹp thì nhiều mà cho con ăn chẳng được bao nhiêu.


 


Bữa trưa là thời điểm tốt nhất để tập cho con bạn làm quen với thức ăn đặc, vì bạn có thời gian dành cho bé. Hãy cho bé uống chút sữa cho bớt đói, rồi thử cho ăn chút thức ăn đặc. Những thức ăn đầu đời của con bạn cần phải mềm và dễ tiêu. Trong những bữa đầu tiên, cố gắng giữ cho dạng thức ăn gần giống như sữa mà bé đã quen uống. Vì vậy, nên bắt đầu cho con ăn những món như bột lỏng hay bột ngũ cốc sơ sinh pha chút sữa mẹ hay sữa bình. Pha trộn theo hướng dẫn cho đến khi tạo thành một mỗi hợp lỏng sền sệt và đút cho bé ăn từng chút một. Khi bé đã quen, hãy thử cho bé ăn nhiều ngũ cốc hơn và pha hỗn hợp đặc dần lên theo thời gian.


 


Bạn cũng có thể bắt đầu với rau củ và dần dần lên sinh tố trái cây, hãy nhớ đảm bảo cho hỗn hợp đủ lỏng trong thời gian con bạn làm quen với món ăn mới. Trái cây ngọt hơn rau củ, vì vậy nếu cho bé ăn trái cây trước khi ăn rau củ, con bạn có thể trở nên thích trái cây hơn rau và bạn sẽ rất khó bắt con ăn rau sau này.


 


Thực đơn ăn dặm cho bé từ rau củ và trái cây thường được chọn bao gồm: khoai lang, bí đỏ, cà rốt, chuối, táo và lê. Hãy bắt đầu với các loại rau củ có màu cam trước khi tiến đến các loại có màu xanh đậm. Bạn cũng có thể cho sữa vào sinh tố để đặt độ lỏng cần thiết. Khi con bạn đã chịu ăn cháo bột hay ngô dằm sữa, hãy chuyển sang rau củ nghiền rồi sinh tố trái cây.

Tôi nên cho con ăn bao nhiêu thì đủ?


Các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu cho con ăn hai bữa một ngày, sau đó tiến dần lên ba bữa một ngày sau vài tuần. Hãy nhớ rằng ban đầu con bạn chỉ có thể ăn một hay hai muỗng cà phê một lần thôi. Trong những tuần tiếp theo, khi bé bắt đầu quen với chế độ dinh dưỡng mới và đã chịu ăn cả ba loại thức ăn: ngũ cốc, rau củ và trái cây, hãy tăng dần độ đặc và lượng thức ăn lên nửa cốc mỗi bữa.


Hãy để con bạn quyết định lượng thức ăn bé ăn mỗi bữa – nếu bé không chịu ăn hay quay đầu đi chỗ khác, hãy ngừng đút và thử lại vào lúc khác. Nếu bé tỏ ra không thích một loại thức ăn nào đó, hãy dẹp nó đi và cho bé ăn lại sau vài ngày. Các nghiên cứu cho thấy rằng, phải sau từ 15 đến 20 lần nếm thử thì trẻ mới chịu chấp nhận một loại thức ăn mới.


Tôi sẽ cho con ăn gì tiếp theo?


Khi con bạn đã quen với thực đơn mới bao gồm ngũ cốc và rau quả, bạn có thể bắt đầu thử các mùi vị và dạng thức khác. Khi trẻ khoảng 7 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu cho con ăn thức ăn với hình thức đa dạng hơn. Điều này có nghĩa là bột dặm của bé sẽ thô hơn. Bạn cũng có thể cho thêm sữa chua, phô-mai và lòng đỏ trứng vào thực đơn ở độ tuổi này.


Khoảng 8, 9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho con ăn thức ăn bốc – những miếng đồ ăn vừa miệng mà bé có thể tự ăn dưới sự giám sát của bạn, ví dụ như cà rốt nấu xắt que, những miếng dưa leo hay phômai, bánh mì nướng xắt que, v.v… Bạn cũng có thể cho con ăn thịt nạc và thức ăn tổng hợp, ví dụ như mì/nui với thịt bằm.


 


Đến lúc 1 tuổi, bé đã có thể ăn thức ăn giống với mọi người trong gia đình nếu như chế độ ăn uống của bé cân bằng, và thức ăn được xắt hay bằm nhỏ. Bạn nên cho con ăn lượng thức ăn mỗi bữa tương đương mỗi món 1 muỗng canh cho mỗi năm tuổi của bé. Ví dụ như, nếu con bạn 2 tuổi và bữa tối bao gồm thịt gà, cơm, bông cải và cà rốt, hãy cho con ăn 2 muỗng canh mỗi món. Bé sẽ đòi thêm nếu chưa no. Nếu bạn bắt con ăn nhiều quá, trẻ sẽ ngán và có thể không chịu ăn gì hết.


Những thức ăn nên tránh


Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch của bé nhầm lẫn rằng chất mà bé ăn vào có hại, thế là cơ thể sản sinh ra kháng thể để ngăn ngừa mọi tiếp xúc với món đó về sau. Những triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ có thể bao gồm tiêu chảy, nổi mề đay, ói mửa, tiêu ra máu, chảy nước mũi, thở khò khè hay đỏ mắt, chảy nước mắt.Hãy lưu ý những điểm sau để tránh dị ứng thức ăn cho con:


- Cho con làm quen mỗi lần một loại thức ăn mới trong khoảng thời gian 5 ngày. Điều này sẽ cho bạn thời gian để nhận ra bất cứ phản ứng tiêu cực nào. Cho con bú hoàn toàn sữa mẹ cho đến ít nhất 4 tháng tuổi cũng có thể giảm thiểu nguy cơ con bạn bị suyễn, nổi mề đay và dị ứng thức ăn.


- Nếu trong gia đình có tiền sử dị ứng hay bệnh coeliac (một loại dị ứng đường ruột đối với chất gluten trong thức ăn), thì nên tránh làm quen với một số loại thức ăn trong khoảng thời gian nhất định: Tránh cho bé ăn thức ăn có chứa gluten (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, yến mạch) cho đến khi 7 tháng tuổi, vì cho ăn chất gluten sớm được cho là có liên quan đến bệnh coeliac. Không cho con uống sữa bò và ăn lòng trắng trứng cho đến khi đủ 1 tuổi, và cũng tránh xa cả các loại hạt, tôm cua và cá.


- Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong và sirô bắp vì hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển để chống lại được chứng ngộ độc bào tử. Đây là một loại bệnh gây tê liệt gây ra bởi thức ăn nhiễm khuẩn.


- Đừng bao giờ cho muối hay đường vào trong thức ăn của bé, thay vì vậy hãy tạo mùi vị cho thức ăn bằng các loại rau thơm (khi bé lớn hơn) vì chúng chứa đầy các khoáng chất cho cơ thể đang phát triển của trẻ.


Tất cả những gì bạn cần để cho con ăn dặm là một chút lòng kiên trì và kiến thức. Hãy nhớ động viên con tự ăn và cố đừng lo lắng về những rắc rối, bừa bộn mà giai đoạn này mang lại; bé càng hứng thú với đồ ăn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, ngay cả khi điều đó khiến bạn phải chùi rửa bí đỏ dính trên tường hay dùng lược chải ngũ cốc ra khỏi tóc bé. Luôn luôn giám sát khi con ăn và động viên bé khám phá những thức ăn mới.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Bé lúc nào cũng thích thú với những món ăn mới, bạn phải thường xuyên đổi món cho bé nhằm giúp bé ăn được ngon miệng hơn. Những món cháo cá lóc sau không những giúp bé ngon miệng mà còn giúp bé nhuận tràng, không lo táo bón nhé.


Cháo cá lóc với khoai tây, cà rốt


Khẩu phần giàu đạm và cân đối đạm động vật, thực vật giúp bé tăng trưởng tốt. Nhiều canxi giúp xương vững chắc. Nhiều caroten giúp bé mắt sáng


Nguyên liệu


Bột gạo 20g


Cà rốt 10g


Cá lóc 30g


Khoai tây 10g


Dầu ăn


Nước


Hướng dẫn


Nấu chín nạc cá lóc, cà rốt, khoai tây. Để còn ấm pha bột vào từ từ, cho dầu ăn vào sau cùng.


Lưu ý: Khi nấu các món cháo dinh dưỡng cho bé được chế biến từ cá lóc nên lưu ý cá có xương cần sơ chế kỹ để bé không bị hóc xương và cá dễ tanh nên cần cạo sạch cho hết nhớt.


Cháo cá lóc khoai lang cho bé ngon miệng


Nguyên liệu:


Cháo trắng : 2/3 chén


Nước dùng: 30ml


Cá lóc: 3 muỗng canh


Khoai lang: 2 muỗng


Nước mắm


Dầu ăn cho bé


Thực hiện:


Để nấu cháo trắng ngon bạn có thể tham khảo Cách nấu cháo trắng đơn giản nhưng thơm ngon cho bé.


Cá lóc hấp chín, gở bỏ xương, phần thịt tán nhuyễn để riêng.


Khoai lang hấp chín, tán nhuyễn.


Cho cháo trắng vào nồi, cho thêm nước dùng vào nấu sôi, khuấy đều, cho cá và khoai vào trộn đều, nêm vào cháo 3 muỗng cà phê nước mắm, và 10ml dầu ăn cho bé, tắt lửa.


Vậy là bé đã có một chén cháo thơm ngon và giúp bé đổi khẩu vị rồi đó.


Thực đơn cho bé ăn dặm nấu vừa ăn không đặc quá. Món này nên dùng thật nóng, khi nào ăn mới cho rau vào để rau không bị mềm mất ngon. Nếu sợ lẫn xương trong nồi cháo, có thể nấu riêng nước dùng từ phần xương cá lóc sau đó lọc lại, dùng nước đó nấu cháo. Tuy nhiên sẽ làm tốn kha khá thời gian của các bạn. Nhưng tốn thời gian mà con yêu có được 1 tô cháo cá lóc ngon cũng đáng mà phải không các mẹ.

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nui xào bò


Hình dáng, màu sắc của những sợi nui quện lẫn thịt bò viên chắc chắc sẽ khiến bé thích thú và ăn ngon miệng.


Nguyên liệu


250g thịt bò xay nhuyễn, 150g nui, 1 củ hành tây băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 củ cà rốt băm, 5g ngò rí cắt nhỏ, 1 hộp xốt cà chua, 120ml sữa tươi, 100g bột bánh mì khô, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 50g bơ lạt (hoặc 2 thìa súp dầu ăn).


Hướng dẫn Nui xào thịt bò


Bước 1: Trộn thịt bò với hành tây, tỏi, cà rốt, ngò, bột bánh mì khô, muối, đường, viên thành 15 viên nhỏ.


Bước 2: Cho cà chua, sữa tươi và 250ml nước vào nồi nấu sôi, thả thịt bò đã viên vào, nấu nhỏ lửa khoảng 20 phút là chín.


Bước 3: Nui luộc chín, vớt ra, xốc với bơ cho thơm, trút ra tô hay đĩa sâu lòng, cho thịt bò và nước súp lên, rắc ít ngò cho đẹp. Có thể chọn bất cứ loại nui nào mà bé thích, trừ nui ngôi sao vì nhỏ quá, làm món này không ngon. Nếu bé không quen ăn bơ, có thể thay bằng dầu ăn khi trộn nui.


 


Mách nhỏ:


Các bé thường rất thích món nui xào bò vì dễ ăn, những món này chế biến thêm với ít thịt bò mềm và xốt béo thì bé sẽ rất ngon miệng.


 


Nui xào thịt heo


Từng cọng nui ngấm đều vị chua, ngọt của cà chua và thịt heo, mùi thơm của hành lá, 1 chút cay của tương ớt… làm món ăn thật hấp dẫn và ngon miệng.


 


Thành phần nguyên liệu gồm có:


- 250gr nui.


- 200gr cà chua.


- 70gr hành tây.


- 250gr thịt heo xay.


- 3 cọng hành lá.


- Tỏi băm nhuyễn, gia vị.


 


Đun 1 nồi nước sôi để luộc nui, cho ¼ thìa cà phê muối và chút dầu ăn vào. Muối làm cho nui dai hơn và ngon hơn.


Khi nui vừa chín tới thì vớt ra một tô nước lạnh, sau đó để nui thật ráo nước


Hành lá chia đôi, một nửa đem cắt khúc, còn lại thái nhỏ.


Đặt chảo lên bếp, đợi phi thơm tỏi băm, sau đó cho hành tây vào.


Tiếp theo, bạn cho thịt xay vào, xào đều tay, nêm 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 ít tiêu xay.


Sau 5 phút thịt sẽ chín, bạn cho ra 1 đĩa.


Tiếp tục cho 1 thìa canh dầu vào chảo. Đợi dầu nóng, bạn trút cà chua vào, đảo đều tay, nêm 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước mắm, ½ thìa hạt nêm.


 


Khi cà chua đã chín thì cho thịt đã xào vào, đảo sơ, rồi bỏ nui vào.


Khi xào nui, có thể nui sẽ hút nước, nếu bạn thấy khô, có thể thêm một vài thìa canh nước.


Xào nui khoảng 3 phút thì bỏ hành lá vào và tắt bếp.


Bày ra đĩa, khi ăn, bạn hãy cho thêm tương ớt.


Nui xào thịt heo bạn có thể nấu cho cả nhà thưởng thức vào bữa sáng hoặc làm món ăn tối nhanh gọn. Từng cọng nui ngấm đều vị chua, ngọt của cà chua và thịt heo, mùi thơm của hành lá, 1 chút cay của tương ớt làm món ăn thật hấp dẫn và ngon miệng.


 


Nui xào lạp xưởng


Nguyên liệu: – 250g nui xoắn – 1.5 cây lạp xưởng – 100g dưa chuột (dưa leo) – 100g cà-rốt – 100g hạt đậu hà lan – 1 ít rau mùi – 20g hành tỏi băm – 2 thìa cà phê hạt nêm – 1 thìa cà phê đường – Dầu ăn – Muối tiêu.


Nui cho vào nước sôi, luộc chín với 1 thìa cà phê dầu ăn, và 1/2 thìa cà phê muối, vớt ra xả dưới vòi nước, để ráo.


 


Lạp xưởng thái lát xéo.


Rau mùi thái nhỏ. Cà-rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ.


Dưa chuột rửa sạch, bỏ 2 đầu, thái khúc dài 4cm, bỏ ruột, thái sợi nhỏ giống cà-rốt.


Hạt đậu Hà Lan luộc chín.


Phi thơm hành tỏi băm với 1,5 thìa súp dầu ăn, cho cà-rốt vào xào chín, cho tiếp lạp xưởng, dưa chuột vào xào.


Nêm 1 thìa cà phê đường. Sau cùng, bạn cho nui và hạt đậu Hà Lan vào.


Nêm thêm 1 thìa cà phê hạt nêm và 1/2 thìa cà phê đường, đảo đều, tắt bếp.


Khi ăn, bạn cho nui ra đĩa, rắc 1/4 thìa cà phê tiêu, rau mùi, có thể cho thêm dầu vừng cho thơm.

Bạn đang có tin vui và sắp làm mẹ? Câu trả lời nằm ở những biến đổi nhỏ nhất trên cơ thể của bạn như hay đau ngực, mệt mỏi, buồn nôn… và những triệu chứng mang thai này đều có thể xuất hiện trong vòng vài tuần sau khi đã thụ thai. Hãy cùng tìm hiểu để biết rõ hơn những dấu hiệu đáng mừng này nhé!


 


1. Triệu chứng khi thụ thai?


Hầu hết các nghiên cứu về quá trình thụ thai và mang thai đều cho thấy hài nhi được hình thành trong khoảng 2 tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo của bạn. Hay nói cách khác thời điểm thụ thai được bắt đầu từ 2 tuần sau kỳ kinh nguyệt trước đó.


 


Nhưng cơ thể phụ nữ chúng ta không đủ nhạy cảm đến mức có thể nhận biết được ngay các tín hiệu đầu tiên của quá trình chuẩn bị cho sự xuất hiện của “vật thể lạ”. Chỉ đến khi bào thai được cấy thành công vào tử cung của bạn, nó sẽ sản sinh ra hormone gonadotrophin (HCG) vào trong máu và lúc đó cơ thể bạn mới bắt đầu có những thay đổi. Thường người mẹ sẽ phát hiện ra việc mình mang thai khi thai kỳ đã ở tuần thứ 4 – 6.


 


Các dấu hiệu có thai dễ nhận thấy nhất:


Trễ kinh nguyệt hoặc ra máu nhẹ;


Bầu ngực và núm vú thay đổi (cương cứng hoặc bị đau);


Đi tiểu thường xuyên;


Ốm nghén, hay mệt mỏi, kiệt sức;


Đau đầu;


Có thể bị táo bón;


Có ham muốn “chuyện ấy” nhiều hơn;


Bị đau lưng, chuột rút và đầy hơi…


 


2. Ảnh hưởng từ các hormone khi mang thai


Hormon HCG được tiết ra vào thời điểm phôi thai bám vào thành tử cung, có vai trò duy trì hoàng thể – một thể nhỏ hình thành bên trong quả trứng, nó có vai trò tiết ra progesterone cần thiết cho việc hình thành phôi thai.


 


Mức độ của hormone HCG ban đầu rất thấp, nhưng chúng sẽ tăng dần theo thời gian và khiến người mẹ có nhiều thay đổi về mặt thể chất. Ở thời gian đầu, bạn chỉ có thể phát hiện được thai nhi thông qua các xét nghiệm thai dựa trên mức độ của hormone. Cho đến thời điểm mà chu kỳ tiếp theo của bạn sẽ xuất hiện (sau 12 – 14 ngày kể từ thời điểm thụ tha)i thì hormone HCG sẽ tăng cao đủ để cơ thể có những thay đổi rõ rệt.


 


Với phụ nữ mang thai sinh đôi hoặc sinh ba có thể nhận thấy những dấu hiệu nhận biết có thai sớm hơn vì mức độ HCG ban đầu sẽ cao hơn so với người chỉ mang thai một bé. Ngoài hormone HCG còn có các nội tiết tố khác cũng sẽ thay đổi trong quá trình người phụ nữ mang thai như progesterone và estrogen.


 


3. Hormone nội tiết thay đổi


Progesterone là một trong những hormone có vai trò trong việc duy trì thai kỳ. Hormone này giúp bồi đắp cho lớp niêm mạc lòng tử cung trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị đón nhận và nuôi dưỡng trứng đã được thụ tinh.


 


Trước kỳ kinh nguyệt, hormone progesterone tăng lên khiến cơ thể phụ nữ thường mệt mỏi, đau bụng, căng bầu ngực… và vẫn tiếp tục tăng cao hơn sau giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt bị trễ. Đó là lý do vì sao các dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ dễ bị nhầm lẫn với việc sắp đến kỳ “đèn đỏ”.


 


4. Có chắc đó là những dấu hiệu mang thai?


Các triệu chứng trên vẫn không thể đảm bảo là bạn đang thực sự có thai hay không. Hãy nhớ rằng mỗi người phụ nữ sẽ có cảm nhận thai nghén khác nhau, do đó không nhất thiết phải lo lắng nếu bạn không có đầy đủ những tín hiệu nhận biết trên.


 


Tốt nhất, nếu có nghi ngờ gì, bạn nên kiểm tra bằng những phương pháp thử thai tại nhà hoặc chỉ cần trải qua vài xét nghiệm đơn giản trong khoảng 6 tuần sau ngày đầu kỳ kinh cuối, hoặc khi đã trễ kinh 1-2 tuần để giúp xác định bạn có thai hay không.