Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Ăn dặm là một dấu mốc phát triển quan trọng của mọi trẻ sơ sinh. Bé cần tập ăn dặm để cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng và phát triển, nhưng bé lại chưa quen chút nào với loại thức ăn kỳ lạ này. Mẹ nên làm sao đây?


Chọn thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm: Trẻ sơ sinh thường khi đến khoảng 4-6 tháng tuổi là sẵn sàng cho việc ăn dặm, nhưng tốt nhất bạn hãy tham khảo bác sỹ trước khi thực hiện việc này. Bên cạnh đó, cũng hãy quan sát để nhận ra những tín hiệu từ con, chẳng hạn như con đã kiểm soát đầu tốt, ăn nhiều hơn, tỏ ra hứng thú với những gì mà bạn ăn… những dấu hiệu này cho thấy bé đã sẵn sàng thử thực đơn ăn dặm.


Chuẩn bị đầy đủ “công cụ lao động”: một cái muỗng mềm, đầu tròn, một cái yếm, một cái bát nhựa hoặc loại không dễ vỡ, và nếu có thì một chiếc ghế ngồi ăn nữa thì sẽ rất tốt.


Hãy bắt đầu đơn giản thôi, bạn có thể trộn ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh với sữa mẹ hay sữa công thức; hoặc bạn nghiền lê, khoai lang, đậu… cho con ăn làm quen. Và hãy chuẩn bị tinh thần cho một bãi chiến trường. Trẻ nhỏ chưa thể nào biết được những quy tắc ăn uống đàng hoàng lịch sự như người lớn, vậy nên bạn hãy chuẩn bị đón nhận những việc như thức ăn rơi đầy bàn, rơi cả xuống đất, dính lên người cả mẹ lẫn con…


Bạn cũng đừng ngạc nhiên hay nản lòng nếu như ban đầu con không tỏ ra hào hứng với loại thức ăn mới này chút nào, hãy tiếp tục cho con ăn và bé sẽ dần quen với việc này. Chụp lại những khoảnh khắc ngộ nghĩnh này của con, khi bé đang “bước” tới một dấu mốc rất quan trọng trong sự phát triển của mình nữa, mẹ nhé.


 

Kích thích tất cả các giác quan


Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em lớn lên trong một môi trường đa dạng – nơi bé được trải nghiệm với nhiều sự tương tác, tiếp xúc của các giác quan – thì bộ não sẽ hoạt động nhiều hơn so với những bé lớn lên mà mà giác quan thụ động. Kích thích các giác quan của con là cách để bạn giúp bé hình thành được thói quen và niềm vui, sự hào hứng tìm hiểu về những người, những vật xung quanh và cả những nơi bé đến. Tất nhiên, bạn không nên bắt con bạn khám phá 24 giờ / ngày hoặc cố gắng nhồi nhét tất cả vào các giác quan của con, vì điều đó sẽ gây phản tác dụng. Và các bác sĩ khuyên bạn không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với TV.


 


Âm nhạc cũng đóng 1 phần quan trọng giúp bé phát triển tư duy. Bạn hãy tìm hiểu về tác dụng của âm nhạc trong sự trợ giúp phát triển kỹ năng của trẻ ở các lứa tuổi khác nhau, trong đó có cả lời các bài hát ru yêu thích của bạn.Với đồ chơi, bạn hãy cho con chơi nhiều loại đồ chơi với hình dạng, kết cấu, màu sắc, âm thanh, và trọng lượng khác nhau để bé hình thành tư duy phân biệt. Cho bé chơi các trò tương tác như ú òa, chi chi chành chành, đi bộ cùng nhau, hay cùng đi mua sắm và để cho bé gặp gỡ những người mới. Ngay cả những hoạt động hàng ngày đơn giản cũng sẽ kích thích sự phát triển não bộ của bé.


Bạn cần khuyến khích con đi lại, vận động để phát triển cơ bắp, giữ thăng bằng tốt hơn, học cách phối hợp sự sờ nắn để thu thập dữ liệu cho mình. Và để tạo cho con một môi trường khám phá tốt nhất, bạn hãy đặt để những vật dụng an toàn trong phòng của con để không cần phải liên tục nói “không” hay “đừng chạm vào”. Hãy cất/giữ những thứ nguy hiểm hoặc có giá trị ra khỏi tầm với bé; ví dụ, trong nhà bếp, hãy đặt khóa an toàn ở tất cả các tủ. Riêng với bát nhựa, ly đo lường, muỗng gỗ, và nồi chảo inox thì em bé của bạn có thể chơi một cách an toàn.


Khuyến khích các thách thức mới


Bạn đừng làm con chán nản với món đồ chơi hay các hoạt động nằm ngoài khả năng của bé, nhưng món đồ chơi / hoạt động cần “hơi khó” một chút mới đem lại tác dụng tốt hơn cho bé, vì chúng sẽ kích thích bé tự tìm ra cách để hoàn thành “nhiệm vụ” – cũng là cách để khuyến khích phát triển trí tuệ. Nếu bé đang cố gắng để mở một chiếc hộp, bạn hãy ngăn mình nhào tới làm hộ ngay cho bé, hãy để bé tự cố gắng vài lần trước khi bạn làm thử cho bé thấy, rồi sau đó đưa trở lại cho bé 1 chiếc hộp kín khác để bé có thể thử lại một mình.


Chăm sóc bản thân


Bé chỉ có thể thật sự hạnh phúc khi bố mẹ bé hạnh phúc. Vậy nên các bạn đừng quên chăm sóc chính mình, cùng với con. Hãy tranh thủ tập thể dục, ngay cả khi đi tản bộ với em bé trong xe đẩy, ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe, và ôm bé trong tay với 1 giấc ngủ ngắn để chắc chắn bạn có đủ thời gian để nghỉ ngơi.


Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, hãy tìm cách chia sẻ nhiệm vụ với mọi người trong gia đình và trao trách nhiệm nuôi dạy con với chồng/vợ của mình. Nếu bạn là một người mẹ độc thân, hãy tìm quanh những người có thể cho bạn sự giúp đỡ và hỗ trợ. Đừng quên dành cho mình những khoảng thời gian để thư giãn, bạn nhé, vì là một người mẹ bận rộn con cái, bạn rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, nên bạn cần thời gian để nạp lại năng lượng cho riêng mình.


Nếu bạn bị choáng ngợp với việc chăm sóc bé hoặc bạn đang cảm thấy stress, hãy tìm một người mà bạn tin tưởng để trút tâm sự chứ đừng cố gắng giữ trong lòng, bởi khi cảm thấy buồn hay khó chịu thì sẽ rất khó khăn để bạn nhạy cảm và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của con mình.


 


Nếu bạn thấy mình hay buồn bã hoặc lo âu rất nhiều, bạn không thể chăm sóc cho mình hay cho con, và những điều bình thường làm cho bạn hạnh phúc thì giờ không thế nữa… bạn có thể đã bị trầm cảm. Hầu hết phụ nữ có kinh nghiệm đều cho biết, sau khi sinh con, họ gặp phải một “phản ứng” tình cảm, thường kéo dài trong một tuần hoặc hơn một chút. Trầm cảm sau sinh là tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng nó cũng có thể điều trị được. Vậy nên đừng quá lo lắng, chỉ cần bạn chịu tìm kiếm lời khuyên, và đặc biệt là đến gặp bác sỹ thật sớm để được giúp đỡ kịp thời và nhanh chóng.


Người trông trẻ tốt


Nếu bạn phải làm việc và không thể cả ngày ở bên chăm con thì việc tìm một người trông trẻ chất lượng là điều cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé. Và cho dù người sẽ thay bạn trực tiếp chăm sóc em bé trong lúc bạn đi vắng là ông bà, người thân, hoặc một cô giữ trẻ thuê về… thì đều cần có kinh nghiệm chăm sóc, có uy tín, sự nhẫn nại với tình yêu đích thực cho trẻ em cũng như sức khỏe tốt để giúp bé phát triển kỹ năng.


 

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Những năm đầu đời, con xem chuyện chơi cũng đại sự như “công việc toàn thời gian” của bố mẹ và rất chuyên tâm cho công việc này. Nếu bố mẹ đi làm để lo cho tương lai gia đình thì con chơi cũng để chuẩn bị cho mình một tương lai xán lạn. Vì sao lại thế nhỉ?


Suốt thời thơ ấu, việc chơi đùa có mối liên hệ không gì lay chuyển được với việc học tập, hòa nhập xã hội, sự phát triển và thậm chí cả trí năng của trẻ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc được tiếp cận với những “nguyên liệu” chơi (như đồ chơi và trò chơi) là một trong những cách phù hợp nhất để khơi dậy trí thông minh của trẻ. Đồ chơi của các bé không cần phải đắt tiền hay là món đồ hiện đại nhất, và không nên là đồ chơi chạy điện, vì như thế có nghĩa món đồ chơi ấy sẽ tự mình làm mọi thứ để phục vụ bé tận răng. Những món đồ chơi đơn giản, rẻ tiền, tự do (những thứ mà bé có thể chơi theo bất cứ cách nào mà bé muốn) sẽ tốt hơn nhiều.


 


Chơi giúp con thông minh hơn.


Giờ chơi và sự tương tác với đồ chơi là quan trọng nhất, qua đó con sẽ phát triển kỹ năng cơ bản. Hãy để ý một đứa bé chơi với một bộ đồ chơi xe lửa. Bé không chỉ chủ động biết được thêm về xe lửa mà còn biết được các bánh xe vận hành ra sao, làm sao để sử dụng đường ray và thậm chí cả trọng lực hoạt động thế nào. Cũng chính đứa trẻ đó khi phân loại những chiếc xe lửa, bé sẽ học được về màu sắc, con số, kích cỡ và hình dáng.


Bạn có thể làm gì? Hãy tắt TV , các đĩa DVD giáo dục, và lấy ra búp bê, ô tô, những quả bóng và bong bóng xà phòng, cùng con chơi những trò chơi trong nhà để gần gũi hơn với bé.


Chơi giúp phát triển kỹ năng xã hội.


Chờ đến lượt, hợp tác cùng nhau, tuân theo luật lệ, thông cảm và khả năng tự điều chỉnh – những thứ trên chỉ là vài trong số những kỹ năng xã hội mà việc chơi đùa nhấn mạnh đến. Nó giúp trẻ con hiểu được các quy tắc tương tác xã hội mà sẽ rất có giá trị trong mọi mối quan hệ sau này của bé. Những đứa trẻ có thể chơi chung tốt với nhau sẽ có thể hợp tác tốt với mọi người khác sau này, và nghĩa là chúng có kỹ năng xã hội tốt.


 


Bạn có thể làm gì? Dù là một buổi chơi chung hay một chuyến đi đến sân chơi thì cũng hãy cho con bạn cơ hội tiếp xúc với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Những lúc như thế sẽ tạo nền móng cho những mối quan hệ xã hội trong tương lai, đồng thời gây nên những “áp lực” khiến chúng hành xử theo những cách chúng ta trông đợi.


Chơi giúp phát triển kỹ năng kiềm chế bốc đồng.


Người ta thường nói rằng chơi là công việc của trẻ con, và quả thật là thế, nó mang tính chất của công việc nhiều hơn ta tưởng. Đặc biệt, chơi tự do không phải là tự do. Đó là vấn đề của sự tự chủ và tuân theo những quy tắc xã hội. Những đứa trẻ từng tham gia vào trò chơi đóng kịch có thể rèn luyện được tính trách nhiệm xã hội cao hơn. Những đứa trẻ bốc đồng có xu hướng cho thấy sự tiến bộ tốt nhất khi được cho cơ hội chơi nhiều hơn.


Bạn có thể làm gì? Đừng quá vội vã tạo nên một lịch chơi khi cùng con ra ngoài hay tổ chức một buổi chơi chung với những nhà khác. Hãy cho con có cơ hội và đồ chơi để chơi (như quả bóng, những chiếc hộp và những khối nhiều hình thù) để tạo nên một buổi chơi “tự do” theo đúng nghĩa của nó. Hoặc bạn cũng có thể cùng con sắp xếp nhà cửa và tranh thủ thời gian đó để cho trẻ tập làm quen với vật dụng trong nhà.


Chơi làm giảm căng thẳng.


“Căng thẳng gì chứ?” bạn có thể đang tự hỏi như vậy. Chắc rồi, con bạn ngủ, ăn, và chơi bời gần hết thời gian của ngày, thế thì có gì mà căng thẳng chứ, nhưng tuổi thơ còn bao gồm cả việc học các quy tắc xã hội, kiềm chế những cơn bốc đồng, làm theo những điều mà người lớn nói và đối đầu với những “cuộc chia ly” – và đấy là chúng thậm chí chỉ mới vừa chập chững tập đi!


Bạn có thể làm gì? Nếu bạn đang đối mặt với thứ nhiều khả năng là một tình huống gây lo lắng cho con (một cuộc hẹn khám bác sĩ, một bữa ăn cùng rất nhiều khuôn mặt xa lạ…) hãy cố gắng đến sớm cùng với đồ chơi và dành thời gian cùng con chơi vui trước đó. Như thế sẽ giúp gián tiếp chuyển sự chú ý của con khỏi nỗi lo sợ và giúp con làm quen với môi trường mới thông qua những sự khuyến khích quen thuộc.


Chơi giúp tăng cường khả năng tập trung, sự chú ý và trí nhớ.


Khả năng tập trung và chú ý là những kỹ năng học tập, và chơi là một trong những cách tự nhiên nhất và thú vị nhất để một đứa trẻ có thể bắt đầu phát triển những kỹ năng này. Tất cả chúng ta đều từng thấy một đứa trẻ chập chững mải mê chơi đến nỗi thậm chí không nghe thấy khi bạn gọi tên bé. Sự tập trung này cũng chính là kỹ năng mà một đứa trẻ cần trong những năm sau đó để viết một bài luận, lắng nghe một bài giảng hay biểu diễn một bản piano.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Những điều cần biết khi thực đơn cho bé ăn dùng hải sản


Với những lợi ích về dinh dưỡng không thể chối cãi của các loại cá biển cùng với những băn khoăn không thừa từ bản năng làm cha mẹ, vậy làm thế nào để bé ăn dặm có thể tiếp cận sớm với nguồn dinh dưỡng quý giá này mà vẫn đảm bảo an toàn? Sau đây là đáp án cho những câu hỏi phổ biến nhất của cha mẹ.


Khi nào có thể cho bé ăn cá và hải sản?


Trừ các loại hải sản có vỏ, bạn có thể dùng cá ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn làm thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi khi bé bắt đầu ăn dặm. Cá biển có vẻ là thức ăn dành cho người trưởng thành nhưng thực tế là nó cũng phù hợp cho cả trẻ sơ sinh.


Loại cá nào là tốt nhất? Các loại cá giàu omega-3 nhất bao gồm cá ngừ trắng, cá mòi, cá bơn và cá hồi. Tuy nhiên cá mòi nhiều xương không phù hợp để làm thức ăn cho trẻ nhỏ, trong khi đó cá bơn và cá ngừ có hàm lượng thủy ngân cao., vì vậy cá hồi trở thành nguồn DHA (omega-3) tốt nhất cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ngoài ra, cá da trơn (điển hình là cá basa, cá tra) cũng là một lựa chọn tốt.


Những loại hải sản nào nên tránh trong thực đơn cho bé ăn dặm? Một số loại cá chứa hàm lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm cao. Nên tránh ăn cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn. Cá hồi, cá minh thái (pollock), cá ngừ trắng đóng hộp, cá da trơn và cá trê là những loại cá an toàn và bé có thể ăn tối đa 85g cá / tuần. Các loại hải sản có thể gây dị ứng như tôm, cua, sò, ốc hến nên tránh hoàn toàn trong 2 năm đầu đời của bé.


Cho trẻ ăn cá chỉ vì omega-3? Đúng là omega-3 là dưỡng chất nổi bật nhất có trong cá nhưng ngoài ra, cá còn chứa lượng đạm động vật lành mạnh và vitamin D – một loại dưỡng chất rất cần thiết cho xương mà đa số trẻ dung nạp không đủ chuẩn.


Em bé cần bao nhiêu DHA? Mức DHA khuyến nghị cho trẻ sơ sinh vào khoảng 300mg/ngày, trong đó hơn một nửa định mức này bé đã có thể dung nạp từ chế độ ăn hàng ngày trong sữa mẹ và sữa công thức bổ sung DHA. Bên cạnh đó, bạn có thể cho bé ăn thêm 50g cá hồi / tuần trong chế độ ăn dặm của bé từ 6 tháng tuổi. Một khi bé không bú mẹ hoặc uống sữa công thức nữa, bạn có thể tăng khẩu phần cá hồi lên khoảng 150-200g cá / tuần. Nếu định mức này khó có thể đạt được với gia đình bạn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung DHA cho bé qua thuốc bổ hoặc dầu cá.


Thai phụ và phụ nữ đang cho con bú có nên ăn nhiều cá hơn? Bạn muốn chắc rằng mình không hấp thụ quá nhiều thủy ngân nhưng vẫn nhận được lượng DHA lành mạnh? Lời khuyên là tránh các loại cá biển lớn đã nêu ở trên, đồng thời đảm bảo thuốc bổ tiền thai kỳ mà bạn dùng có chứa DHA. Hãy cố gắng tiêu thụ tối thiểu 300mg DHA/ ngày (trong 170g thịt cá hồi Bắc Mỹ chứa 2000mg DHA và các loại axit béo omega-3 khác).


 


Thực đơn ăn dặm đơn giản từ cá cho bé


Bột cá và rau củ:


- 1 miếng phi-lê cá hồi hoặc basa.


- 2 muỗng café sữa mẹ hoặc sữa công thức bé đang dùng.


- 1 muỗng café mỗi loại: đậu Hà Lan hạt, khoai lang và cà rốt – tất cả bỏ vỏ, hấp chín và nghiền mịn. Có thể thay thế đậu Hà Lan và khoai lang bằng bông cải xanh và khoai tây.


- 1 muỗng bơ lạt hoặc dầu ô-liu.


- Trộn tất cả nguyên liệu với nhau và tán nhuyễn đến mịn như kem.


Cá hồi sốt thì là – ăn kèm với bột lạt hoặc cháo, cơm


- 180g phi-lê cá hồi.


- 1 muỗng canh bột mì, 30g bơ.


- 250ml sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức).


- ½ muỗng canh nước cốt chanh, ½ muỗng canh lá thì là xay nhuyễn.


- Hấp cá cho đến chín (có thể đun cá với sữa cho đến chín thay vì hấp) và lọc sạch xương dăm.


- Đun chảy bơ rồi cho vào bột mì trộn đều, sau đó đổ sữa vào đánh tan trước khi thêm nước cốt chanh và thì là thành hỗn hợp sốt mịn. Đun tiếp trong 2 phút.


- Cho cá hấp vào và tán mịn hoặc xay bằng máy sinh tố.


- Dùng kèm các loại bột lạt em bé như bột gạo, bột khoai nghiền, hoặc cháo.

Từ một quả trứng tí hon vừa được thụ tinh, thai nhi trải qua 40 tuần trong bụng mẹ để trở thành một em bé với đầy đủ chức năng sống và hình hài đáng yêu của một đứa trẻ. Trong suốt thời gian thai nghén, bé đã trải qua những cột mốc phát triển quan trọng đầu tiên của đời người, từ trước khi chào đời.


Tam cá nguyệt đầu tiên


3 tuần thai: Em bé đang tượng hình của bạn lúc này là một quả bóng tế bào nho nhỏ có tên gọi là túi phôi. Túi phôi đã mang đầy đủ thông tin di truyền DNA của bạn và cha bé, những thông tin này quy định giới tính, màu mắt và những đặc điểm di truyền khác,


4 tuần thai: Quả bóng tế bào đã chính thức trở thành một phôi thai với kích thước bằng một hạt poppy. Trong 6 tuần tới đây, tất cả các bộ phận của cơ thể bé sẽ bắt đầu hình thành và phát triển, trong số đó một số bộ phận đã bắt đầu thực hiện chức năng của mình.


5 tuần thai: Trái tim bé nhỏ của con bạn bắt đầu đập, với tốc độ gấp đôi nhịp tim của bạn. Cả cơ thể của bé lúc này chỉ nhỏ bằng một hạt vừng mà thôi.


6 tuần thai: Các bộ phận chính vùng mặt của bé gồm mắt và mũi bắt đầu hình thành, và ở vị trí hai bên đầu, hai chiếc chồi tai của bé đang nhú lên.


8 tuần thai: Tay và chân bé bắt đầu lớn lên và bé giờ đã có những ngón tay nhỏ xinh, chiếc mũi và môi trên. Bé đã bắt đầu cử động, nhưng bạn chưa thể cảm nhận được đâu. Bé dài khoảng 1.5cm và nhẹ vô cùng, chỉ hơn 1g thôi.


9 tuần thai: Đôi mắt đã phát triển, dù mí mắt của bé vẫn hoàn toàn đóng chặt. Bé đã rụng “đuôi” và trông giống một bào thai con người hơn rồi.


10 tuần thai: Phôi thai đã được gọi là bào thai. Những bộ phận quan trọng cho sự sống như thận, ruột, não và gan đã bắt đầu hoạt động. Những chiếc móng tay và móng chân nhỏ xíu cũng đang hình thành.


11 tuần thai: Bé đã tượng hình gần như đầy đủ. Xương của thai nhi đang bắt đầu cứng dần, và cơ quan sinh dục cũng bắt đầu phát triển ra bên ngoài. Bé có thể nấc, dù là vẫn còn quá sớm để bạn có thể cảm nhận được.


12 tuần thai: Bạn có thể nghe thấy nhịp tim của em bé khi đi khám thai. Bé lúc này dài khoảng 5cm và nặng khoảng 14g.


Tam cá nguyệt thứ hai


14 tuần thai: Thận của bé bắt đầu bài tiết nước tiểu và thải ra môi trường nước ối. Bé đã có thể vận động cơ mặt và còn biết mút tay nữa.


15 tuần thai: Bé có thể nhìn thấy ánh sáng được lọc qua thành bụng của bạn dù mí mắt của bé vẫn đóng kín.


16 tuần thai: Giới tính của thai nhi có thể được xác định ở lần siêu âm giữa thai kỳ khoảng giữa tuần thai thứ 16 và 20.


18 tuần thai: Nếu chưa cảm nhận được cử động của bé, thì bạn sẽ cảm thấy trong vài tuần tới. Sẽ mất khoảng đôi ba tuần nữa để chồng bạn và những người khác có thể cảm nhận được cử động của bé từ bên ngoài.


19 tuần thai: Bé có thể nghe được nhịp tim của mẹ và âm thanh từ bên ngoài cơ thể mẹ như giọng nói của bố. Bé thậm chí còn có thể giật mình khi có tiếng động lớn bất ngờ bên ngoài.


23 tuần thai: Giác quan về cử động của bé đã phát triển, vì thế bé có thế cảm nhận được chuyển động khi bạn khiêu vũ. Thính giác của bé đang tiếp tục hoàn thiện. Bạn thỉnh thoảng có thể cảm nhận được bé đang nhào lôn bên dưới da bụng của mình.


24 tuần thai: Các nụ vị giác của bé đang phát triển. Não của con của đang tăng trưởng rất nhanh, và tóc bé cũng đã bắt đầu mọc rồi. Bé dài khoảng 30cm và nặng gần nửa kg.


27 tuần thai: Bé đang thực hành bài tập thở bằng cách hít vào và thở ra nhưng bằng không khí. Nếu bé bị sinh non tại thời điểm này, phổi của bé vẫn thực hiện chức năng hô hấp được dù cần rất nhiều thuốc men và thiết bị y tế hỗ trợ. Mang thai tháng thứ 6, bé đã có thể mở và nhắm mắt.


Tam cá nguyệt thứ ba


28 tuần thai: Bước vào giai đoạn mang thai tháng thứ 7, Bé con của bạn đã biết mơ mộng. Bé đã có lông mi và tầm nhìn đã xa hơn một chút. Bé nặng chừng 1kg và dài khoảng 38cm từ đầu đến chân.


32 tuần thai: Móng tay và móng chân của bé đã mọc lên rất xinh rồi. Bé dài 43cm từ đầu đến gót chân và nặng khoảng 1.75kg.


34 tuần thai: Nếu bé ra đời ở thời điểm này, bé được xem là trẻ sinh non muộn. Trẻ sơ sinh ra đời khoẻ mạnh ở thời điểm này thường sẽ phát triển tốt dù bé có thể cần chăm sóc đặc biệt sau khi sinh.


37 tuần thai: Lúc này bé đã được xem là đủ tháng để chào đời. Phổi bé đã có thể hoạt động tốt nếu được sinh ra ở thời điểm này, nhưng dù sao đi nữa, bé vẫn cần ở thêm vài ba tuần nữa trong bụng mẹ để cứng cáp hơn.


40 tuần thai: Bé trải qua trọn vẹn hành trình trong bụng mẹ và đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài. Trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh vào khoảng 3.4kg và chiều dài trung bình là 51cm. Nếu sau 1-2 tuần nữa mà bạn vẫn chưa chuyển dạ để sinh con thì bác sỹ có thể áp dụng đẻ chỉ huy.


Và cuối cùng, để hình dung trực quan hơn hành trình kỳ diệu mà bé đã trải qua trong 40 tuần thai, mời các mẹ hãy xem đoạn clip “Phép màu cuộc sống đã bắt đầu như thế nào?”

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Cho bé ăn là một việc quan trọng đối với mọi bà mẹ, xoay quanh công việc tưởng chừng rất bình thường này lại có khá nhiều vấn đề làm đau đầu các bà mẹ. Dưới đây là 5 trong số các vấn đề như vậy cùng giải pháp từ các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em.


Bé nôn trớ


Độ tuổi phổ biến:mới sinh cho đến 6 tháng tuổi.


Hầu như mọi đứa trẻ đều nôn trớ. Tình trạng này thường xảy ra do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện. Cơ vòng thực quản (cơ giữ cho thức ăn nằm lại trong dạ dày) của bé không đóng chặt như ở các bé lớn hơn. Kết quả là, bé thường xuyên bị trào ngược thức ăn đã nuốt vào, vì vậy mà các bé ở tuổi này luôn được đeo yếm sữa khi ăn và bố mẹ cũng bận thêm vì phải giặt giũ suốt ngày.


Thông thường, chuyện nôn trớ này chẳng có gì phải lo cả. Nếu bé vẫn tăng cân bình thường theo tiêu chuẩn và bác sĩ nhi khoa cho là bé vẫn phát triển tốt, tức là bé vẫn được ăn đủ. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé ăn tốt là số lượng tã bé thải ra mỗi ngày, vào khoảng 6-10 chiếc là tốt.


Để giảm nôn trớ, chỉ cho bé ăn khi bé tỏ ra đói, giữ bé ở tư thế dựng người lên trong lúc cho bú, và giúp bé ợ thường xuyên trong bữa ăn. Một cách khác là giữ bé ngồi thẳng trong khi ăn và hạn chế di chuyển hay rung lắc bé trong vòng nửa giờ sau khi ăn.


Đôi khi nôn trớ nhiều trở nên nghiêm trọng hơn là một sự phiền toái. Nếu bé không tăng cân, khóc nhiều, hóc nghẹn, hoặc dường như bé rất đau, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng có tên gọi là chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên biểu đồ tăng trưởng và tổng thể các triệu chứng. Nếu bé bị trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc giảm axit cho bé. May thay, dù có bị trào ngược thực quản hay không, tình trạng nôn trớ này sẽ biến mất dần trong giai đoạn từ 6 tháng đến 1 tuổi.


Cho bé ăn dặm trong giai đoạn đang bú mẹ (hoặc bú bình)


Độ tuổi phổ biến: từ 4 đến 12 tháng tuổi.


Khi các bé bắt đầu bước vào giai đoạn tập ăn thô, chúng có thể bắt đầu bú ít hơn và giảm lượng sữa công thức hay sữa mẹ. Điều này khiến cha mẹ bối rối không biết dinh dưỡng của sữa hay của thực đơn cho bé là quan trọng hơn cho bé.


Đây quả là một vấn đề khó xử với các bà mẹ. Nhưng bất chấp thực tế là bé đã sẵn sàng để ăn thô hơn, sữa mẹ và sữa công thức vẫn là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn của bé, đặc biệt là chất béo trong sữa rất cần cho sự phát triển não bộ và canxi giúp tạo răng và xương chắc khỏe. Bạn có thể từ từ giảm lượng sữa của bé mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé. Hãy theo sát con khi bé bắt đầu bước vào giai đoạn phân chia thức ăn dạng lỏng và thô, nếu bé vẫn phát triển khỏe mạnh với tỷ lệ bạn cho bé ăn, chẳng có việc gì mà bạn phải lo lắng nữa cả.


Vậy cho bé bú trước hay ăn trước khi bé đói? Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các chuyên gia khuyến cáo bạn nên bắt đầu với việc cho bé bú sữa trước, dành thực đơn ăn dặm cho kỳ giữa và sau cùng cho bé bú lại để tráng miệng. Lý do cho việc này là khi đói bé có thể không tập trung xử lý thức ăn rắn trong miệng được và có thể sẽ từ chối nó.


Dưới đây là một số thông tin hướng dẫn giúp bạn xác định được tỷ lệ giữa sữa và thực đơn ăn dặm cho bé hàng ngày . (Ghi chú: mỗi khẩu phần thức ăn trung bình của bé thường chứa 35-50 kcal).


Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi


- ≤ 100 kcal từ thức ăn.


- 50 – 150 phút bú mẹ; 800 – 1100 ml sữa công thức.


9 tháng tuổi


- 200 – 300 kcal thức ăn.


- 40 – 120 phút bú mẹ; 700 – 1000 ml sữa công thức.


12 tháng tuổi:


- 300 – 500 kcal thức ăn.


- 10 – 90 phút bú mẹ; 600 – 900 ml sữa công thức.


Bé không ngồi yên cả ngày để ăn cho ra bữa


Độ tuổi phổ biến:10 tháng tuổi đến 2 tuổi.


Không gì thú vị đối với một em bé hơn việc khám phá ra rằng bé có thể tự di chuyển, vì thế hầu hết các bé tuổi biết bò sẽ loay hoay và bò lổm ngổm cả ngày hơn là chịu ngồi yên để ăn. Và dạ dày của các bé lứa tuổi này khá nhỏ, nên nên bé cần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để nhận đủ calo bé cần cho hoạt động của mình. Nhưng, thật khó để cung cấp thức ăn tốt cho một em bé hiếu động không chịu ngồi yên, bởi vì những bữa ăn tĩnh thường cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn những món ăn vặt. Nếu bạn có một “siêu quậy” tuổi này, hãy chuẩn bị thức ăn vặt cho bé như bạn làm một bữa lớn, với lượng dinh dưỡng tương đương chứ không phải chạy theo bé cho ăn được bao nhiêu thì cho. Các thức ăn vật giàu vitamin và khoáng chất là những lựa chọn tốt cho các bé ở tuổi này, ví dụ chuối cắt hay phô-mai miếng.


Cũng nên nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để tập thói quen ăn uống lành mạnh. Các chuyên gia khuyên bạn nên giữ cho bé ngồi yên ăn cùng gia đình ít nhất một bữa trong ngày. Đừng thỏa hiệp, hãy tiếp tục giữ “siêu quậy” vào ghế ăn trong vài phút mỗi lần. Đến khi bé được 2 tuổi, bạn hãy giữ bé ở bàn ăn lâu hơn và giảm số lần ăn vặt xuống còn 2 bữa mỗi ngày đồng thời với việc cho bé được lựa chọn nhiều hơn trong giờ ăn.


 


Bé ăn rất nhiều trong một ngày rồi không ăn ngày tiếp đó.


Độ tuổi phổ biến: 12 tháng tuổi đến 3 tuổi.


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều này không có gì lo lắng cả. Phần lớn trẻ em có bản năng tốt hơn người lớn trong việc kiểm soát cơn đói. Trong khi người lớn thường ăn vì thức ăn ở trước mặt họ hay vì họ chán nản, một đứa trẻ có ý thức tốt hơn nhiều về sự ngon miệng của chúng. Thêm nữa, giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở khoảng 2- 3 tuổi có thể khiến bé ăn uống có vẻ không được điều độ lắm. Nhu cầu ăn uống của bé sẽ tăng giảm theo sức lớn của bé. Kết luận ở đây là gì? Đừng áp đặt ý muốn của bạn để bắt bé ăn theo ý mình.


 


Hãy đặt ra một giới hạn thời gian hợp lý cho bữa ăn của bé, và áp dụng như thế. Bạn cần đảm bảo rằng bé không nạp tất cả nhu cầu năng lượng qua đường uống; quá nhiều sữa và nước trái cây có thể làm mất cảm giác ngon miệng của bé với thức ăn. Khoảng 100 – 120ml nước trái cây mỗi ngày là đủ. Để cai thói quen uống nước trái cây cả ngày, hãy pha loãng dần cho đến khi bé có thể hoàn toàn uống nước lọc mỗi khi thấy khát. Điều quan trọng là trẻ em cần được nạp đủ lượng dinh dưỡng mà các chế phẩm sữa cung cấp, nhưng không phải hoản toàn từ sữa. Trẻ độ tuổi này cần khoảng 2 chén chế phẩm sữa mỗi ngày, và bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua như một phần của chế độ ăn.


Bé kén ăn


Đôi khi, những đữa trẻ sẽ có một vài món ăn yêu thích và không chịu ăn món gì khác. Chuyện sống chỉ bằng một loại thức ăn là không thể với người lớn, nhưng với trẻ con, điều này cũng tương tự như một khóa học. Bé lúc này đã có khả năng hiểu biết, việc ăn uống cũng giống như một cách để cảm thấy thoải mái. Chỉ ăn một loại thức ăn và từ chối các loại khác cũng là cách các bẻ kiểm tra giới hạn với cha mẹ.


Hãy cố gắng đừng tỏ ra sốt ruột quá; điều này có thể khiến bé sử dụng thức ăn như một cách gây chú ý. Nếu bạn lo ngại điều gì, hãy ghi lại nhật ký ăn uống của con trong khoảng 1-2 tuần và cho bác sĩ nhi của bé xem liệu bé đã ăn đủ hay chưa.


Miễn là bé phát triển bình thường, không có gì nguy hại với một chế độ ăn hạn chế tạm thời. Nhưng để bé có thể nhận được chất dinh dưỡng phong phú hơn, viên bổ sung đa sinh tố hàng ngày có thể là một giải pháp. Và với phương pháp không gây áp lực với bé, bạn hãy tiếp tục cho bé thêm những món ăn mới vào bát của bé cùng với món cũ yêu thích, cả khi bé không thèm đụng đến. Sự tò mò tự nhiên của trẻ con rồi sẽ thôi thúc bé nếm thử món mới thôi.

Bé và những bước tiến thần kỳ trong tuổi tập đi – Sự phát triển kỹ năng, năng lực học hỏi phi thường, ghi nhận mọi thứ.


Sự bùng nổ về từ vựng.


Từ khá lâu trước khi biết nói, trẻ đã có thể hiểu được ngôn ngữ rồi. Khoảng 1 tuổi, con bạn đã có thể hiểu được khoảng 70 từ, nhưng nói vẫn là việc quá khó khăn với bé. Khi được 18 tháng tuổi, vốn từ vựng của các bé chập chững thường phát triển đến mức đáng kinh ngạc, thậm chí là phát triển tăng theo từng giờ. Khi được 6 tuổi, bé đã có thể hiểu được khoảng 13.000 từ (so với khoảng 60.000 từ của người lớn), mặc dù bé không thể vận dụng hết tất cả vốn từ của mình nhưng sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ đó quả là phi thường.


Tay trái và tay phải.


Hầu hết các bé 1 tuổi đều thuận cả hai tay, hoặc sử dụng cả hai tay ngang bằng nhau. Khi được 2 hoặc 3 tuổi, các bé sẽ thể hiện rõ mình thuận tay phải hay tay trái – có đến 90% trẻ em thuận tay phải.


Tại sao có nhiều trẻ em thuận tay phải đến như vậy? Không ai có thể biết chắc về điều này. Gien di truyền đóng một vai trò quan trọng (bố mẹ thuận tay trái thì nhiều khả năng con cái cũng thuận tay trái), bên cạnh đó là tiêu chuẩn của xã hội, của trường học. Ngoài ra, có một giả thuyết giải thích vì sao con bạn có xu hướng sử dụng tay phải nhiều hơn từ rất sớm, đó là trong tuần cuối của thai kỳ, khoảng 75% số bào thai có xu hướng xếp cánh tay phải bên ngoài nên có thể di chuyển tự do hơn. Một lý giải khác cho rằng vì các em bé thường hay quay đầu về phía bên phải hơn là bên trái (nhưng có vẻ lời giải thích này không rõ ràng). Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng điều này đơn thuần chỉ là một hành vi được học hỏi – phụ huynh thường đưa các đồ vật cho con mình bằng tay phải, và các bé sẽ học theo điều đó.


Những bước phát triển của bộ não.


Mặc dù chức năng cơ bản của bộ não trẻ nhỏ đã hình thành từ lúc mới sinh, nhưng vỏ não của các bé – phần não bộ có chức năng tư duy, lưu giữ ký ức và điều khiển hoạt động của các cơ – chỉ được kích hoạt khi các bé thực sự trải nghiệm thế giới bên ngoài.


Trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuổi, cứ mỗi giây vỏ não của bé sẽ có thêm hơn 2 triệu khớp thần kinh mới – đây chính là những mối nối giữa các tế bào não. Lên 2 tuổi, con bạn sẽ có hơn 100 tỉ khớp thần kinh – con số cao nhất trong suốt cuộc đời người, đó chính là lý do giải thích vì sao trong giai đoạn này các bé có năng lực học hỏi đáng kinh ngạc. Giai đoạn đỉnh cao của năng lực tiếp thu kiến thức và phát triển kỹ năng có thể kéo dài đến khi bé được 8 tuổi, nhưng thực ra các bé vẫn không hề sử dụng hết toàn bộ các khớp thần kinh của mình. Khi con bạn thực sự trưởng thành, có đến hơn 50% số lượng khớp thần kinh sẽ mất đi.