Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Bổ sung dinh dưỡng từ các loại trái cây luôn là lựa chọn tốt để chăm sóc bé mọi ngày đặc biệt hơn là với cái nắng nóng của mùa hè trẻ cần nạp thêm nhiều nước và năng lượng. Dưới đây là những công thức chế biến hỗn hợp trái cây bổ dưỡng mát lành cho bé. Mẹ cùng tham khảo nhé.


Chuối và sữa tươi


Chuối và sữa tươi là những thực đơn ăn dặm rất bổ dưỡng và cũng rất dễ ăn. Đặc điểm của món ăn này là rất giàu canxi, sắt.


Nguyên liệu: Chuối: 25g. Sữa tươi: 60ml. Bột bắp: 5g. Đường: 5g.


Hướng dẫn: Bước 1: Chuối lột bỏ vỏ, tán nhuyễn. Sữa tươi, bột bắp, đường trộn đều.  Bước 2: Cho vào nồi nấu, trong khi nấu khuấy đều liên tục, khi đã chín, cho chuối vào đun sôi trở lại là được. Để nguội, rồi mới cho bé dùng.


Cà chua dầm sữa


Thực đơn cho bé ngày hè thêm món cà chua dầm sữa này có nhiều nước, vị ngọt mát nên trẻ cũng rất dễ ăn. Nếu không có cà chua bi, bạn có thể thay bằng cà chua thường.


Nguyên liệu: Cà chua bi 1 quả. Sữa bột khoảng 10 cc


Hướng dẫn: Bước 1: Cà chua bi trần qua nước nóng, lột sạch vỏ. Bước 2: Cho vào lò vi sóng quay chín, bỏ hạt, đánh nhuyễn. Bước 3:  Tiếp đó cho sữa vào, đánh đều.


Hỗn hợp táo và sữa


Ngoài thực đơn cho bé ăn với táo tây như hoa quả, mẹ cũng có thể coi đây là một loại rau củ để chế biến đồ ăn dặm cho bé.


Nguyên liệu cần có: 1/2 quả táo; 1 /4 cốc nước lọc ; 1 /4 cốc sữa – loại bé thường dùng (hoặc 1/ 4 cốc sữa đậu nành).


Hướng dẫn: Bước 1: Táo được gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành miếng nhỏ. Bước 2: Cho táo vào nồi nước, mực nước trong nồi cao hơn mực táo một chút. Có thể thêm nước lọc nếu cần. Bước 3: Đặt nồi táo lên bếp, điều chỉnh nhỏ lửa, cho đến khi những miếng táo chín mềm, khoảng 10 phút. Luôn kiểm tra mực nước trong nồi để nước không bị cạn, thêm nước nếu cần. Bước 4: Đổ táo trong nồi ra một chiếc bát, chờ táo nguội. Sau đó, thêm sữa vào hỗn hợp táo, dùng thìa dầm nhuyễn táo và cho bé thưởng thức.


Hỗn hợp kiwi, chuối chín và phômai


Từ khi bé 5 tháng tuổi, các mẹ đã có thể làm những món hoa quả này tập cho bé ăn dặm.


Nguyên liệu gồm: 1 quả kiwi; 1/ 2 quả chuối chín. 1 khoanh phômai cỡ trung bình.


Hướng dẫn: Bước 1: Kiwi được bổ đôi, dùng thìa nạo phần thịt quả kiwi, dọc theo khối hình tròn, giống hình dạng của quả. Sau đó, cắt khối kiwi tròn thành những miếng nhỏ. Bước 2: Chuối chín được bỏ hạt, thái thành khối nhỏ. Bước 3: Cho chuối và kiwi vào một chiếc đĩa. Rắc phômai đã được bào mịn vào hỗn hợp, trộn đều hỗn hợp lên. Bước 4: Nếu hỗn hợp khô, có thể thêm vào đó chút sữa chua, tiếp tục trộn đều cho đến khi hỗn hợp thật mịn.


Nước ép cà chua


Trẻ lần đầu mới uống, nên thêm một ít nước vào làm cho nhạt bớt, rồi dần dần tăng nồng độ, khi nào bé thích hợp thì mới cho uống nguyên chất. Huggies sẽ hướng dẫn các mẹ cách làm nước ép cà chua ngon làm thực đơn cho bé ăn dặm.


Nguyên liệu: Cà chua rửa sạch, dùng dao cắt phần đáy thành hình chữ thập, cho vào nồi hấp khoảng vài phút, lấy ra bóc bỏ vỏ, cho vào vải xô, dùng thìa ép lấy nước.


Hướng dẫn: Cà chua rửa sạch, dùng dao cắt phần đáy thành hình chữ thập, cho vào nồi hấp khoảng vài phút, lấy ra bóc bỏ vỏ, cho vào vải xô, dùng thìa ép lấy nước.

Khi trẻ bị còi xương, các mẹ nên cho trẻ uống vitamin D và canxi hàng ngày, ngoài ra, các mẹ có thể bổ sung vào thực đơn của bé những món ngon bổ dưỡng, như món Cháo cá lóc.


Cháo cá lóc là món ăn đầy dưỡng chất, rất thích hợp cho trẻ suy dinh dưỡng, trẻ còi xương, trẻ chậm lớn.


Nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ chính là do thiếu ánh sáng mặt trời, trẻ sinh thiếu cân, sinh non, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ có hội chứng kém hấp thu, trẻ suy dinh dưỡng… Cá lóc là món ăn ngon, bổ dưỡng, giàu chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe và khắc phục được bệnh còi xương ở trẻ.


Dưới đây là cách nấu món cháo cá lóc với nhiều dinh dưỡng và công dụng chữa còi xương cho trẻ


Nguyên liệu nấu món cháo cá lóc cho bé


- Cá lóc: 1.3kg, dùng phần xương và đầu cá để nấu cháo


- Đỗ xanh, gạo


- Hành, thì là, gia vị, nước mắm


Sơ chế:


- Cá lóc lọc thịt, còn lại bộ xương cá, rửa sạch


- Đỗ xanh, gạo ngâm qua, vo sạch


- Hành, thì là thái nhỏ


 


Cách nấu món cháo cá lóc cho bé:


- Đun sôi nước, cho đầu và xương cá vào ninh chín.


- Bỏ ra gỡ thịt còn bám vào phần xương. – Đầu và xương cho vào cối giã nhuyễn. Rồi lọc lấy nước.


- Đổ gạo, đỗ xanh đã vo sạch và phần thịt lọc ra từ xương cá vào nước lọc xương cá để nấu cháo. Nếu dùng nồi áp suất, ninh cháo trong khoảng 15 phút, nếu dùng nồi thường, ninh khoảng 45 phút, lửa nhỏ.


- Cháo sau khi ninh nhừ, nêm gia vị, bột nêm vừa ăn (có thể nhạt một chút, khi ăn thêm một chút nước mắm để nổi bật vị cháo cá).


- Rắc hạt tiêu, có thể ăn cùng quẩy.


Món cháo lóc đã hiện xong rồi đấy các bạn à với món cháo này các bạn yên tâm là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Món này có tác dụng rất tốt đối với trẻ bị còi xương nên các mẹ chú ý bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng của bé yêu nhà mình nhé. Ngoài món cháo cá lóc, các mẹ cũng có thể làm các món sau dành cho trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng: cháo tôm, cháo lòng đỏ trứng gà, rùa hấp. Tất cả đều là những món ăn bổ sung năng lượng và dưỡng chất tuyệt vời trong thực đơn cho bé.

Chuyển sang giai đoạn ăn dặm là một mốc thời gian quan trọng cho cả bạn và bé. Do vậy, không có gì là bất ngờ khi một số bà mẹ có thể cảm thấy không chắc chắn về việc chăm sóc trẻ ăn dặm: khi nào cho bé ăn và cho bé ăn gì. Tạo lập thói quen cho ăn vào những thời gian nhất định trong ngày sẽ giúp bé quen với chế độ ăn mới khi ăn dặm.


Không có một quy tắc nhanh chóng và dễ dàng nào khi bắt đầu việc cho ăn dặm, nhưng tốt hơn cả là bắt đầu một cách từ từ. Bạn hãy thử bắt đầu bằng một bữa ăn dặm trong một ngày để xem mọi việc thế nào. Dần dần chuyển sang ăn hai hoặc ba bữa ăn dặm một ngày. Bạn có thể thấy rằng bé càng ăn nhiều thức ăn dặm, bé càng bú ít sữa. Tuy nhiên, sữa vẫn rất quan trọng và nó vẫn nên tiếp tục là một phần trong chế độ ăn của bé cho đến khi bé ít nhất là 12 tháng tuổi.


Các nhà nghiên cứu về nhi khoa cho rằng: thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là lúc 4-6 tháng, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như: sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 4 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé tròn 4 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi sự tăng cân của bé sát sao hơn. Bình thường đến thời điểm này bé sẽ tăng khoảng 150g-200g mỗi tuần. Nếu thấy bé có khuynh hướng hơi chậm phát triển thì có thể tập cho ăn dặm ngay. Nhưng nếu chỉ với sữa mẹ mà bé vẫn tăng nhanh chứng tỏ sữa mẹ vẫn đủ dư, có thể dời thời điểm cho ăn lại đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Lúc này, nếu bạn thấy trẻ dòm miệng mọi ngưòi khi ăn uống, đòi thức ăn thì có thể thử cho bé uống chút nước súp, nước cháo hoặc trái cây,… từ muỗng. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.


Trẻ từ 7-8 tháng tuổi trở đi sẽ khó khăn trong việc tập cho bé ăn dặm, do đã quá quen với việc bú sữa. Bé sẽ khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc khác sữa, không quen với cách ăn từ muỗng,… Mặt khác, đặc biệt là trong hoàn cảnh của nước ta, việc cho trẻ ăn dặm sớm có nguy cơ trẻ bị cho ăn các loại thức ăn nghèo năng lượng, không đủ chất, dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nên hết sức tránh cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi.


 


Dưới đây là gợi ý của bác sĩ về thực đơn ăn dặm bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.


- Thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 – 200 ml


- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.


- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml – 250 ml


- 12 – 24 tháng: 3 bữa cháo 250 – 300 ml


- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình


Vì nhiều lý do, không ít người mẹ cho con ăn dặm sớm, thường từ 3,5 đến trước 4 tháng tuổi. Có người còn nhầm tưởng rằng, ăn bột sớm sẽ khiến bé mau lớn, cứng cáp, bụ bẫm. Một số mẹ không chọn mua bột ăn dặm bán sẵn mà tự dùng nước cháo, nước cơm cho con tập ăn với suy nghĩ chúng bổ dưỡng, lỏng nên dễ tiêu hóa. Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé được 4-6 tháng tuổi. Tốt nhất, nên hỏi trực tiếp bác sĩ về thời điểm ăn dặm của con. Một số bé sinh non được khuyên nên bắt đầu ăn dặm muộn hơn. Nếu cho ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi) dù là ăn bột hay nước cơm, nước cháo, bé rất dễ bị tiêu chảy, nôn trớ, đi ngoài phân sống. Nguyên nhân là do từ khi chào đời, bé chỉ quen tiêu hóa sữa.

Ăn dặm là “thức ăn lạ” nếu làm quen quá sớm khiến hệ tiêu hóa còn nơn nớt của bé quá tải, gây rối loạn tiêu hóa. Cho bé ăn dặm sớm tuy bụ bẫm nhưng có thể suy dinh dưỡng. Ăn bột làm bé no bụng, gây giảm cảm giác thèm bú, dẫn tới kém bú. Trong khi bột không thể đáp ứng nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của bé như sữa. Nếu bú kém, ăn bột nhiều dễ gây hiện tượng bụ bẫm, nhưng thực ra bé lại suy dinh dưỡng, còi xương do thiếu chất. Ăn nhiều bột còn gây tình trạng loạn chuyển hóa – tăng đào thải canxi ra nước tiểu, gây còi xương. Một số bé cơ địa dễ dị ứng, nếu cho ăn dặm sớm còn làm tăng nguy cơ dị ứng ở bé. Kèm theo dị ứng là đau bụng và tăng tỷ lệ bị bệnh chàm.

Sau một thời gian tập cho bé ăn dặm, bé thường có biểu hiện biếng ăn do đó các mẹ cần phải chế biến những món ăn lạ miệng thơm ngon để kích thích bé thèm ăn trở lại. Sau đây các chuyên gia dinh dưỡng của Huggies sẽ hướng dẫn các mẹ chế biến các món cháo từ nấm thật thơm ngon và lạ miệng cho thực đơn cho bé để bé ăn ngon lành trở lại.


Cháo nằm trong thực đơn những năm đầu đời của trẻ bởi món ăn này rất dễ ăn và tiết kiệm thời gian chuẩn bị. Theo các nhà khoa học, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được ăn cháo hằng ngày để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Cháo từ gạo hoặc các hạt ngũ cốc khác có khả năng bảo vệ bé khỏi các vấn đề về đường hô hấp khi trưởng thành tới hơn 60%.


Cháo nấm thịt bò viên


Thực đơn cho bé với sự kết hợp vị ngọt của thịt bò viên với mùi hương đậm đà của nấm tạo nên món Cháo nấm thịt bò viên  không những ngon, còn dễ tiêu hóa và thích hợp cho tiết hè nóng bức.


Nguyên liệu gồm có: 150 gram nấm đông cô; 150 gram thịt bò; 50 gram đậu xanh; 2 củ cà rốt; 1 bó cải xanh; 3 lát đậu hủ chiên; Tiêu hạt trắng; Hành lá


Hướng dẫn


Bước 1: Nấu 1 nồi cháo đậu xanh tùy theo số lượng người ăn. Cháo nấu càng nhuyễn càng ngon.


Bước 2: Thịt bò băm nhuyễn (có thể mua thịt bò băm sẵn ở siêu thị ), ướp gia vị, vo thành từng viên, mỗi viên kèm theo 1 hạt tiêu trắng. Vị cay nhẹ và mùi thơm của tiêu sẽ làm thịt bò viên ngon hơn.  Cà rốt thái hạt lựu. Mỗi miếng đậu hũ cắt làm 8. Bắt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, khi dầu nóng cho hành củ vào khử, sau đó cho nấm đông cô xào sơ qua nêm gia vị nắm mì chính, ớt tươi.


Bước 3: Cháo chín cho cà rốt vào đun sôi khoảng 5 phút. Sau đó cho thịt bò viên, đậu hũ vào, chờ thêm 4 phút rồi cho thêm nấm đông cô vào.  Bước 4: Chờ cho nồi cháo sôi lại nêm gia vị cho vừa ăn.


Cháo gà – nấm rơm


Món cháo gà nấm rơm đóng góp một hương vị mới trong thực đơn cho bé. Nấm giúp bổ sung vitamin D cho bé vào mùa đông. Vitamin D giúp hệ xương và tim mạch được khỏe mạnh; đồng thời, nó cũng ngăn ngừa chứng hen suyễn, tiểu đường hoặc ung thư cho bé.


Nguyên liệu: Gạo tẻ xay nhuyễn (20g, tương đương 2 thìa canh); thịt gà nạc xay nhuyễn (15g, tương đương 1 thìa canh); nấm rơm xay nhuyễn (1-2 cái); dầu ăn (2 thìa cafe); nước (250ml); gia vị (nước mắm hoặc muối).


Hướng dẫn


Bước 1: Trước tiên, đổ cháo và nước vào nồi, đun cho sôi. Bước 2: Hòa (trộn) nấm và thịt gà đã được xay nhuyễn vào một bát nước. Sau đó, đổ bát nấm, thịt gà này vào nồi cháo đang sôi và chờ cho cháo sôi lại trong vài phút.


Bước 3: Sau khi đổ cháo ra bát mới trộn dầu ăn vào. Bạn có thể nêm vào bát cháo của bé một chút muối rồi cho bé thưởng thức.


Cháo tôm nấm rơm


Cháo tôm nấm rơm thơm ngon – thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi


Nguyên liệu gồm có: 40 g gạo; 100g tôm; 100g nấm rơm; Đậu hũ chiên; Hành ngò


Cách làm: Cho dầu vào chảo đun nóng, phi thơm hành, rồi cho gạo vào xào, thêm chút muối. Gạo thơm cho vào nồi nước sôi không đảo trong vòng 45 phút để gạo không dính đáy nồi. Tôm bóc vỏ làm sạch, đem giã nhuyễn với hành, chỉ ướp tôm với tiêu thôi, rồi viên lại. Nấm rơm ngâm với muối hoặc bột năng trong vòng 10 phút, cắt đôi. Chảo nóng cho dầu vào, phi hành thơm, bỏ tôm đã sơ chế vào xào, cho nấm vào xào cùng, nêm thêm ½ muỗng hạt nêm, ¼ muỗng muối, tiêu.Tắt bếp.  Cháo chín cho phần tôm nấm vào, đậu hũ chiên, nêm lại cho vừa ăn!

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có nhiều biến đổi mạnh mẽ để chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con mình. Dù bạn vốn có chế độ ăn lành mạnh, bạn vẫn phải chú ý hơn trong việc lưạ chọn thức ăn hàng ngày, không ít bà bầu đặt câu hỏi ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu? vì bạn đang mang trong mình một sinh linh nhỏ bé yếu ớt. Nguyên tắc cơ bản: luôn chọn ăn thực phẩm tươi, nhiều rau và trái cây để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số lưu ý quan trọng khác bạn không thể bỏ qua để chăm sóc bà bầu tốt nhất. Dưới đây là 5 món ngon dinh dưỡng dành cho bà mẹ mang thai.


1. Cháo lươn


Có tác dụng mát cho cơ thể, tránh chảy máu cam


Nguyên liệu: 300g lươn tươi sống. 1/3 bát gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp. Nước dùng (nước hầm xương, nước luộc gà). Gia vị, hạt nêm. Hành khô 3 củ. Mùi ta, thì là, rau răm.


Hướng dẫn nấu cháo lươn: Bước 1: Lươn không được mổ mà chỉ rửa sạch nhớt, luộc chín, gỡ lấy thịt và cục máu trong bụng lươn (cục máu này là thứ bổ nhất của con lươn), phi thơm hành khô bằm nhỏ rồi xào thịt lươn, nêm ít gia vị. Bước 2: Xương lươn giã nát lọc lấy nước, hòa cùng nước luộc lươn, nước dùng, thêm gia vị để nấu cháo (cách nấu cháo gạo như nấu cháo cá chép). Bước 3: Cháo chín thả thịt lươn xào thơm vào trộn đều. Bước 4: Rau thơm thái nhỏ, lúc ăn rắc vào cháo.


 


2. Tôm sốt táo


Giới thiệu đến các mẹ món ăn mới thơm ngon, bổ dưỡng. Cách làm rất đơn giản, các mẹ hãy thử làm nhé!


Nguyên liệu: 200gr tôm sú. 1 trái táo chín, bơ, bột bắp, muối, đường, dầu ăn.


Hướng dẫn: Bước 1: Tôm sú bóc vỏ, rửa sạch, xẻ lưng đem chiên chín vàng.  Bước 2:Táo ép lấy nước. Phi thơm bơ, cho nước táo vào, nêm nếm muối, đường vừa ăn.  Bước 3: Cho vào ít bột bắp tạo độ sánh. Chan phần sốt lên tôm.


3. Gà ác tiềm thuốc bắc


Chữa các chứng bệnh thường gặp trong thai kỳ như mệt mỏi, đau lưng, suy nhược cơ thể, chóng mặt…giúp tăng cường sức khoẻ để các mẹ vượt qua kỳ sinh nở một cách dễ dàng.


Nguyên liệu làm gà ác tiềm thuốc bắc:  Một con gà ác, không cắt tiết, làm sạch, để ráo nước. 10 g hoài sơn. 10 g sinh địa. 10 g củ sâm. 10 g táo tàu. 1 quả dừa tươi. 1 thìa nước mắm


Hướng dẫn: Bước 1: Ngâm các vị thuốc bắc vào nước cho nở. Bước 2: Cho gà vào thố, rải thuốc bắc xung quanh. Bước 3: Đổ nước dừa tươi vào, lưu ý nước phải ngập mặt gà. Bước 4: Chuẩn bị nồi, cho thố gà vào hấp cách thủy. Bước 5: Có thể hấp trực tiếp với lửa riu riu cho gà mềm và thấm vị thuốc.


Có nhiều quan niệm khác nhau về công dụng của trứng ngỗng với sức khỏe. Liệu chất dinh dưỡng mà trứng ngỗng mang lại có tỉ lệ thuận với độ lớn của trứng? Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng trứng ngỗng luôn có vi chất cần thiết cho cơ thể


4. Trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Nguyên liệu: Trứng ngỗng: 1 quả. Nấm đùi gà: 200g. 100g thịt heo băm nhuyễn. 1/2 thìa cà phê hành băm, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm,  ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa súp dầu ăn.


 


Hướng dẫn làm món trứng ngỗng chiên nấm đùi gà


Bước 1: Trứng ngỗng đánh tan với ít hạt nêm. Nấm ngâm nước muối pha loãng 15 phút, rửa sạch cắt bớt phần gốc, cắt hạt lựu. Thịt heo rửa sạch, ướp với hạt nêm và muối, để thấm 10 phút. Bước 2:  Làm nóng dầu ăn, cho hành băm vào phi thơm, cho nấm vào xào khoảng 1 phút sau đó trút thịt vào, đảo nhanh tay rồi nhấc xuống. Bước 3: Làm nóng dầu ở một chảo khác, đổ trứng vào rồi rải nấm và thịt đều trên mặt. Khi trứng ướt, đậy nắp lại để thêm 2 phút cho trứng chín hẳn. Cho trứng chiên nấm ra đĩa, rắc tiêu lên, dùng với cơm.


5. Salad Nga


Với nguyên liệu là các loại rau củ quả tốt cho sức khoẻ, món salad Nga đã dần trở nên quen thuộc và được nhiều người Việt yêu thích.


Nguyên liệu: Khoai tây: 4 củ. Cà rốt: 2 củ. Trứng: 3 quả. Ngô hột: 1 hộp. Dưa chuột muối: 10 quả. Quả oliu trong hộp: 10 quả. Táo xanh: 1 quả. Xúc xích: 200 gram. Mùi tây: vài nhánh. Thì là: vài nhánh.


Hướng dẫn làm món salad nga: Khoai tây, cà rốt, trứng rửa sạch, luộc chín rồi để nguội và bóc vỏ. Không nên gọt vỏ khoai tây cà rốt, cắt hạt lựu rồi luộc. Làm như vậy salad sẽ có hình dạng vuông vắn và đẹp mắt hơn nhưng bị mất rất nhiều vitamin từ vỏ khoai tây, cà rốt. Khoai tây, cà rốt, xúc xích thái hạt lựu. Trứng: tách lòng đỏ và lòng trắng riêng. Phần lòng trắng thái hạt lựu. Lòng đỏ để nguyên đến trước khi trộn mayonnaise thì bóp nhuyễn. Ngô cho ra khỏi hộp, để thật ráo nước. Táo xanh, thì là, mùi tây: rửa sạch. Táo xanh thái hạt lựu. Mùi tây, thì là thái nhỏ.


Không nên gọt vỏ táo xanh vì vitamin trên vỏ táo rất nhiều. Ví lí do an toàn thực phẩm thì có thể gọt vỏ táo. Quả oliu cắt làm 4. Dưa chuột muối thái hạt lựu. Trộn hỗn hợp rau quả với mayonnaise trước khi ăn khoảng 2-3 tiếng và bảo quản lạnh. Tốt nhất nên đeo bao tay nilong chuyên dụng để trộn salad, nếu không có bao tay thì dùng đũa, đảo đều và nhẹ tay.

Sau 2 tuần phôi thai được hình thành, tuần này nghĩa là bạn đang trong giai đoạn khởi đầu của việc mang thai, và đã có một tinh trùng và một trứng kết hợp với nhau thành công. Nếu tình cờ đến mức bạn rụng hai trứng cùng lúc và cả hai cùng được thụ tinh thì bạn sẽ mang song sinh. Bạn sẽ không thể biết điều đó, tất cả mọi chuyện đều xảy ra ở sâu bên trong ống dẫn trứng của bạn, và chúng cực nhỏ để có thể nhận ra.Dù mang thai tuần đầu tiên, bạn vẫn còn phải mất vài tuần nữa mới cảm nhận được những dấu hiệu có thai thông qua sự tác động của nội tiết tố mang thai lên cơ thể.


 


Quá trình hợp nhất giữa trứng và tinh trùng mất khoảng 24 giờ. Chỉ một tinh trùng đi được vào trong lõi trứng sau khi phải vượt qua nhiều cuộc đua tranh trước đó. Tại thời điểm đã tiếp nhận tinh trùng, trứng sẽ hình thành một lớp tường bảo vệ bên ngoài để ngăn những sự tấn công khác. Cuối cùng thì các tinh trùng còn lại cũng phải bỏ cuộc. Nếu một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng duy nhất và sau đó bị chia tách, sẽ hình thành cặp song sinh giống hệt nhau ngay từ thời điểm khởi đầu này.


 


Bây giờ trứng mới thụ tinh chính thức được gọi là hợp tử và được chia thành nhiều tế bào hơn, lúc bắt đầu chỉ có 2 tế bào thì cho đến ngày thứ 3 sẽ nhân lên thành 12. Trong giai đoạn này, hợp tử vẫn còn trong ống dẫn trứng và đang tìm đường đi xuống tử cung rồi ở lại đó để chuẩn bị cho hành trình dài 37 tuần hoặc hơn. Một số lông mao nằm trong đường ống dẫn trứng sẽ tạo thành làn sóng để ngăn cản việc hợp tử đứng yên tại nơi không dành cho nó. Mất khoảng 60 tiếng để hợp tử được đẩy xuống tử cung, giai đoạn này nó có tới 60 tế bào rồi, tất cả đều được phân chia nhiệm vụ và chức năng riêng biệt. Các tế bào bên ngoài sẽ hình thành nhau thai còn ở bên trong sẽ hình thành thai nhi.


 


Khoảng một tuần sau khi thụ tinh trong ống dẫn trứng, trứng làm tổ ở thành tử cung. Bây giờ thì có khoảng 100 tế bào liên kết với nhau và được gọi là phôi thai. Ở thời điểm này, nội tiết tố mang thai ở người Chorionic Gonadotrophin (hCG) được sản xuất và chất này có thể đo được bằng các xét nghiệm máu hoặc nước tiểu là một trong những cách nhận biết có thai. Nếu thành tử cung không nhận được các tín hiệu để sản xuất hCG, nó không còn cần thiết và sẽ bị đẩy ra ngoài trong kỳ kinh tiếp theo.


 


Cũng vẫn còn quá sớm để bạn có thể nhận ra mình đang mang thai. Mặc dù đã ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai và có thể hy vọng nhưng mà cũng phải mất vài tuần nữa mới chắc chắn được.


Có một số phụ nữ tin rằng họ có thể biết khi nào mình thụ thai. Họ thấy một số dấu hiệu nhận biết có thai như vị lạ ở miệng, cảm nhận được sự khác biệt và có cảm giác rằng có chuyện gì đó vừa xảy ra. Tuy việc thay đổi các nội tiết tố thời điểm này không phải là lí do duy nhất dẫn đến các triệu chứng kể trên nhưng vẫn không nên đánh giá thấp những khẳng định của họ.


Mọi thứ đều được tạo hóa sắp xếp rất hoàn hảo nên bạn cũng không cần quá cẩn thận về những hoạt động thể chất hoặc phải thay đổi thói quen gì cả. Nếu một trong những quả trứng của bạn được thụ tinh, nó tự biết đi đâu và phải làm gì.


Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi “cực đoan” bởi vì cứ muốn thời gian trôi nhanh hơn để biết chắc mình đã thụ thai thành công. Hãy điềm tĩnh lại, nếu đúng bạn có thai thì đây là thời điểm cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Đừng quá vội vã. Cho đến giờ thì trông thai nhi của bạn chỉ bằng đầu pin. Nó vẫn chỉ là một cụm tế bào, nhưng nó sẽ nhân lên và phân chia nhanh chóng trong suốt 24 giờ mỗi ngày.

Đu đủ là thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em xếp vào 1 trong 10 loại trái cây ăn dặm tốt nhất dành cho bé, do đu đủ rất giàu dinh dưỡng và giàu chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em. Nhiều cha mẹ quyết định chọn đu đủ là món cuối cùng trong thực đơn ăn dặm của bé. Đu đủ chín là loại quả giàu dinh dưỡng, nó chứa nhiều vitamin C (giúp cơ thể hấp thụ sắt), vitamin A và cả vitamin E. Đu đủ cũng dồi dào chất xơ và axit folic. Giống như xoài, đu đủ cũng là một loại quả mà thời điểm cha mẹ cho bé ăn đu đủ là khác nhau. Một số cha mẹ chọn đu đủ là món tập cho bé ăn dặm nhưng cũng có cha mẹ để bé làm quen với đu đủ muộn hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bạn có thể cho bé ăn đu đủ ở tháng thứ 7.


Từ quả đu đủ các mẹ có thể chế biến thành những món thực đơn cho trẻ ăn dặm. Sau chuối và bơ, đu đủ cũng là lựa chọn thích hợp để giúp bé tiêu hóa tốt. Các mẹ có thể chế biến đu đủ theo những cách đa dạng như sau:


Cháo thịt tôm, đu đủ, trứng gà


Với thực đơn cho bé ăn dặm từ thịt tôm đu đủ rất ngon và bổ dưỡng dành cho trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên.


Nguyên liệu: – ½ bát đu đủ. – 1 quả trứng. – 50gr thịt tôm xay. – 1 bát cháo trắng. Thực hiện – Cắt đu đủ thành các miếng nhỏ hoặc xay nhuyễn nếu bé chưa quen ăn nhiều thức ăn thô. – Trứng rửa sạch, luộc chín, tách riêng phần lòng đỏ, nghiền nát. – Cho cháo vào nồi, đun sôi, thêm thịt lợn xay vào khuấy đều để thịt không dính lại với nhau. Đun khoảng 15-20 phút thì cho thêm đu đủ và lòng đỏ trứng. Tiếp tục đun 10 phút nữa thì tắt bếp. Đợi cháo còn nóng ấm thì mẹ cho bé ăn nhé!


Hỗn hợp đu đủ, lê


Nguyên liệu bao gồm 4 thìa bột ăn dặm giàu sắt (bột ăn dặm mua sẵn); 2 thìa đu đủ chín xay nhuyễn; 2 thìa quả lê xay nhuyễn; một ít sữa công thức hoặc sữa mẹ. Trộn đu đủ và lê đã được nghiền nhuyễn với nhau. Có thể thêm sữa chua vào và trộn đều cho bé thưởng thức.


Đu đủ nghiền


Đu đủ xay nhuyễn là 1 trong số 10 món thực đơn ăn dặm ngon dành cho bé. Đu đủ còn là một nguồn cung cấp betacaroten và vitamin C cho bé


Nguyên liệu: 1 quả đu đủ chín


Hướng dẫn: Bước 1: Gọt vỏ, cắt đu đủ ra làm đôi, xúc bỏ các hạt màu đen. Sau đó, dùng một con dao nhỏ, mũi sắt để lọc lớp thịt đu đủ( Không lấy cùi và màng trắng bên trong)


Bước 2: Dầm nhuyễn thịt đu đủ chín với một chiếc thìa. Nếu còn cứng thì có thể cho đu đủ vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.


Để thay đổi kết cấu, có thể thêm bột gạo vào đu đủ nghiền hoặc kết hợp với chuối chín nghiền.


Thay đổi các món ăn cho trẻ để kích thích ăn uống.


Sinh tố đu đủ sữa công thức


Mẹ có thể cắt đu đủ thành từng miếng nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn, thêm một chút sữa công thức thành một loại sinh tố cho bé uống. Vị ngọt và nước thanh mát là chất giải khát và bổ sung năng lượng tuyệt vời cho con yêu.


Những thực đơn cho bé với công dụng tuyệt vời của đu đủ và cách chế biến nhanh gọn, đơn giản thành món ngon cho bé, các mẹ đừng chần chừ gì nữa, hãy bổ sung ngay thêm loại trái cây này vào thực đơn ăn dặm cho bé nhé.