Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Tình yêu thương là thứ vô hạn mà bố mẹ có thể cho con mình, thế nhưng vẫn là chưa đủ. Từ tình yêu thương ấy, bố mẹ còn cần làm nhiều việc đơn giản để có thể giúp con hình thành và phát triển kỹ năng cần thiết sau này.



Nói chuyện với con


Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thường được bố mẹ trò chuyện cùng khi còn bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn so với những trẻ không được giao tiếp bằng lời nhiều. Bạn thậm chí có thể bắt đầu làm điều này cho con ngay từ khi mang thai – đây cũng là một cách tốt để giúp cho sự kết nối giữa bố mẹ với con trở nên khăng khít hơn.


Sau khi con chào đời, bạn hãy nói chuyện với bé khi cho bé bú, thay tã, tắm trẻ sơ sinh… Và con bạn sẽ đáp lại tốt hơn khi biết những lời nói đó là dành cho mình, vậy nên hãy nhìn con khi bạn nói. Đừng lo lắng về việc bạn phải nói gì uyên thâm sâu sắc, chỉ cần mô tả lại những việc mà bạn đang làm, chẳng hạn như: “Mẹ mở nước ấm vào bồn để tắm cho bé nha.”


Các bố mẹ thường tự nhiên dùng giọng con nít và sử dụng những cách diễn đạt đơn giản với giọng cao hơn bình thường. Làm như vậy có thể giúp cho con bạn dễ tiếp nhận ngôn ngữ khi bé còn nhỏ, nhưng khi con đã lớn hơn một chút thì hãy bỏ kiểu nói chuyện này để con có thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho tốt.


Đọc sách truyện cho con


Đọc lớn cho con nghe là một trong những việc quan trọng nhất mà bạn có thể làm để giúp con mình xây dựng vốn từ vựng, kích thích trí tưởng tượng của bé và cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ khác. Các chuyên gia nói rằng kể cả những em bé sơ sinh cũng thích nghe truyện, vậy nên hãy nhớ ngày nào cũng đọc cho con nghe nhé.


Kích thích tất cả các giác quan của con


Con bạn nên được tiếp xúc để học được về người, nơi chốn và các sự vật, mỗi một tương tác mới đều sẽ cho bé thêm thông tin về thế giới và nơi mà bé thuộc về. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đa dạng và phong phú, được cho tiếp xúc với nhiều trải nghiệm mới kích thích các giác quan của bé, sẽ có hoạt động não tích cực hơn, mạnh mẽ hơn so với những bé lớn lên mà không được kích thích các giác quan phù hợp.


Tuy nhiên, điều gì cũng có giới hạn của nó nên đừng “dội bom” con suốt 24 tiếng một ngày, hoặc cố tác động đến tất cả các giác quan của bé cùng lúc. Ngoài ra, hãy lưu ý đến lời khuyên của bác sỹ, không để con tiếp xúc với TV hay các loại màn hình máy tính cho đến khi bé được 2 tuổi.


Ngay cả những hoạt động thường ngày đơn giản nhất cũng có thể kích thích trí não con phát triển. Chẳng hạn như với các món đồ chơi, trò chơi, bạn hãy cho con nhiều loại đồ chơi có hình dạng khác nhau, chất liệu, màu sắc, âm thanh, khối lượng cũng khác nhau. Hãy chơi những trò chơi tương tác như là ú òa, vỗ tay, đi dạo, đi mua sắm cùng nhau, để con được gặp gỡ những người mới mẻ. Bạn cũng hãy tìm hiểu về tác động của âm nhạc đến sự phát triển của bé qua các giai đoạn khác nhau, thường xuyên hát, hát ru cho bé.


Không chỉ cho con ra ngoài mà ngay tại nhà, bạn cũng cần chuẩn bị không gian cho con bò, đi chững… để phát triển các cơ khỏe mạnh, luyện tập giữ thăng bằng tốt và khả năng phối hợp cơ thể. Điều quan trọng nhất đối với không gian này là sự an toàn, để con bạn có thể thỏa sức khám phá mà không liên tục bị nghe những câu “Không! Không được!”


Vậy nên tốt nhất là ngay từ trước khi con chào đời, bạn hãy biến ngôi nhà của mình trở thành nơi an toàn cho con, lắp cửa chắn, lắp nắp che ổ điện, cất những thứ đồ có thể gây nguy hiểm hoặc đồ quý giá ra ngoài tầm với của bé… Ví dụ như ở trong bếp, bạn hãy lắp khóa tất cả các ngăn tủ, trừ một ngăn cho con khám phá, trong đó để những chiếc bát nhựa, cốc lường, muỗng gỗ, xoong nồi mà bé có thể cho chơi thật an toàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét