Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Da của trẻ sơ sinh luôn là thứ mà bạn ước ao được chạm vào, nó có sức hút đặc biệt khiến ai cũng mong muốn được nâng niu, thể hiện những xúc cảm yêu thương vào đó. Hơn nữa nó cực kỳ mong manh và cần cha mẹ chăm sóc trẻ đặc biệt.



Mái tóc lơ thơ đáng yêu


Ngay khi bé chào đời, toàn thân bé sẽ đỏ hồng và hơi nhăn đồng thời có một lớp lông tơ rất nhạt bao phủ . Lớp tóc sẽ bắt đầu rậm dần và mẹ cần sử dụng loại dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh. Nếu đầu bé bong một lớp vảy hoặc nổi ban thì rất có thể bé bị dị ứng, cần ngưng sử dụng và chọn một loại dầu gội chuyên biệt khác.


Đôi mắt long lanh


Sau khi chào đời, mắt của các bé sơ sinh có thể dễ bị dính lại một ít tế bào chết từ trong bụng mẹ, việc làm sạch lần đầu tiên cũng cần phải tỉ mẩn. Hãy lau từ góc trong mắt nhẹ nhàng với một miếng bông (gạc) tiệt trùng thấm nước sôi để nguội mẹ nhé.


Đôi tai xinh xinh


Khi mới sinh ra, tai của bé có thể đóng ráy rất nhiều, tuy nhiên đừng quá nôn nóng mà dùng nụ bông để lấy ráy tai cho bé. Cơ chế tự làm sạch tự nhiên sẽ tự động đẩy các chất bẩn ra ngoài. Ráy tai không đơn giản chỉ là chất bẩn mà còn là một bước đệm để bảo vệ ống tai của bé nữa. Cách làm sạch an toàn nhất là nên lau chùi bên ngoài tai bé bằng cách sử dụng một miếng vải mềm để kỳ cọ cho bé


Gương mặt thiên thần


Mẹ có thể nhận thấy một số đốm trắng nhỏ “án ngữ” trên các bộ phận của khuôn mặt bé. Chúng được biết là đốm sữa nhỏ như hạt kê, nguyên nhân gây ra chính là bởi các tuyến mồ hôi của bé đang ở trong giai đoạn phát triển kỹ năng và chúng hoàn toàn vô hại.


Một số bé sinh đôi có thể phát triển các đóm nhỏ màu đỏ, thường trên khuôn mặt hay cổ. Nó rất có thể là ban nhiệt và sẽ biến mất khi nhiệt độ cơ thể giảm đi.


Đôi bàn tay, chân bé nhỏ


Ngay lập tức, mẹ có thể nhận thấy làn da bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá chân của bé rất dễ bị lột trong vài tháng đầu tiên. Đừng quá lo lắng vì da của bé đang tự điều chỉnh cho phù hợp với môi trường mới và điều này là hoàn toàn tự nhiên thôi. Hãy thử sử dụng một ít dầu và kem dưỡng em bé vào những nơi bị bong tróc nhé.


Vùng đóng bỉm


Vùng mông của nhiều bé sơ sinh có màu xanh, tại sao? Đơn giản chỉ là vì cơ thể bé dự trữ chất sắt trong 6 tháng sau khi chào đời, sau 6 tháng ấy khi bé chuyển sang chế độ ăn dặm thì đã có thể bổ sung sắt theo hình thức khác và bớt xanh dần phai đi rồi mất hẳn.


Việc chăm sóc em bé cũng cần lưu ý, tã lót tạo ra một môi trường ẩm ướt và nóng, kết quả là tạo cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi, nảy nở. Hãy thay tã của bé thường xuyên và giúp cho vùng đóng bỉm (tã) được khô thoáng để ngăn ngừa chứng hăm tã. Nếu vùng này xuất hiện các nốt đỏ và khó chịu nghiêm trọng cho bé thì nên nhờ đến sự trợ giúp của bác sỹ để tìm kiếm loại kem chống hăm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé.


Các ngóc ngách nhỏ và nếp gấp


Tắm trẻ sơ sinh hai hoặc ba lần một tuần trong những ngày đầu. Những vùng như nách, bẹn là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn, mẹ cần dùng khăn mềm hoặc bông gòn thấm nước để lau chùi sạch sẽ những khu vực ấy. Vì bé còn quá nhỏ và chưa thích nghi với môi trường bên ngoài, do đó không nên gội đầu cho bé vào ban đêm.


 


Vết bớt sơ sinh


Theo ước tính cứ 3 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1 trẻ xuất hiện vết bớt. Những vết này thay đổi kích thước và hình dạng rất nhanh, chúng thường được tìm thấy trên đầu hoặc cổ bé. Đôi khi lúc mới sinh ra, chúng không hề có nhưng sẽ xuất hiện sau một vài tuần sau đó. Hầu hết các vết bớt đều vô hại nhưng nếu chúng chảy máu hoặc lan rộng quá nhanh thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ.


 


Nhận diện vết bớt:


- Đỏ màu rượu vang: Vết bớt vĩnh viễn.


- Đỏ tươi: Phai dần, có thể biến mất, có thể chuyển sang màu khác.


- Màu nâu: Không phai, vĩnh viễn.


- Nốt ruồi bẩm sinh: màu đen (màu nâu), vĩnh viễn.


- Màu hồng: phai dần, biến mất sau một thời gian.


- Màu xanh: có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc có thể biến mất.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Không phải vô lý mà người ta lại đưa việc học vẽ, tô màu, làm thủ công trở thành một phần quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ thuật giúp bạn thông minh hơn.


Theo các chuyên gia, nghệ thuật tăng cường khả năng học tập. Trẻ em được dạy nghệ thuật sẽ học tốt hơn, có thể lưu giữ thông tin lâu hơn, tự tin hơn và phát triển kỹ năng tư duy độc lập hơn.


Bạn có thể làm gì?


Bạn có thể giúp con làm quen với nghệ thuật dễ dàng và vui vẻ bằng nhiều cách đơn giản. Chẳng hạn bạn có thể tạo một thùng đựng các vật dụng cần thiết cho con sáng tạo nghệ thuật – giấy, bút, màu, keo dán… để bé dễ dàng sự dụng. Và hãy “trưng bày” những tác phẩm của con để cho thấy bạn trân trọng sự sáng tạo và nỗ lực của bé; không gì có thể vượt qua được sự hài lòng, thỏa mãn khi chiêm ngưỡng chính những thành quả của mình.



Nếu con là một người cầu toàn và cảm thấy không hài lòng với tác phẩm của mình, hãy chỉ lại cho con thấy lúc vẽ, lúc chọn màu tô, bé đã vui thích như thế nào, để bé nhận ra sự thú vị của quá trình sáng tạo.


Từ việc cẩn thận chồng một khối hộp lên đỉnh sao cho không rơi đến việc lồng các vòng màu vào cột là những trò chơi phát triển kỹ năng cơ bản và quen thuộc của một đứa trẻ tuổi chập chững học đi. Với những trò chơi này, con bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng sử dụng ngón tay khéo léo, biết cách phân loại và học các kỹ năng xây dựng.


Để các trải nghiệm xây dựng của bé hấp dẫn hơn, bạn có thể cung cấp cho bé các khối hộp với hình dáng, màu sắc và kích cỡ khác nhau, hoặc bạn có thể cung cấp cho bé nhiều loại đồ chơi có chất liệu khác nhau để bé thử xếp chồng lên nhau.


Vẫn là khá sớm để dạy bé học chữ và số nhưng bé đã có thể phân loại những hình chữ và số theo màu và kích thước. Ngoài ra, bạn có thể cho con chơi trò xâu chuỗi với các hạt gỗ hoặc nhựa lớn có lỗ để có thể xâu vào một sơi dây (như dây giày chẳng hạn). Tương tự, bé có thể làm một chuỗi hạt ngon lành hơn với sợi mì và các hạt ngũ cốc hình vòng.


Bố mẹ cũng có thể cùng với con những trò chơi trong nhà: may vá, xỏ hạt làm vòng, cùng xếp lego hoặc cùng xếp những khối gỗ hay sắp xếp nhà cửa… Có rất nhiều việc thú vị mà các bạn có thể làm cùng nhau. Hãy sáng tạo để giúp nuôi dưỡng tính sáng tạo ở con nhé!

Cha mẹ nên biết rằng bé có thể bắt đầu làm quen với thức ăn đặc từ khoảng tháng thứ 6 trở đi, tuy nhiên bạn cũng cần phải lưu ý rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn chủ đạo cho bé suốt năm đầu đời. Thực đơn ăn dặm đầu tiên dành cho bé có thể là ngũ cốc chuyên dụng dành riêng cho trẻ sơ sinh, trái cây rau xanh nghiền nhỏ hoặc xay nhuyễn với thịt đã được nấu chín.



Em bé phát triển nhanh chóng trong những năm đầu tiên của cuộc sống, vì vậy bé cần rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng trong quãng thời gian này. Sự phát triển của một đứa trẻ không phải lúc nào cũng ổn định và thậm chí khó có thể đoán biết được lúc nào bé ăn ngon miệng.


Cho con ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi


Sữa mẹ, sữa bột là thức ăn quan trọng cho trẻ sơ sinh đặc biệt trong 1 năm đầu đời, người mẹ có thể duy trì nguồn sữa cho con lâu hơn nếu mẹ và bé mong muốn. Khoảng sáu tháng tuổi, dự trữ sắt của trẻ thấp đi và cần được bổ sung thêm bằng những thực phẩm qua bữa ăn là điều cần thiết để duy trì sự phát triển khỏe mạnh, ngăn ngừa các vấn đề dinh dưỡng như thiếu sắt ở trẻ.


Dấu hiệu bé đã sẵn sàng cho bữa ăn dặm đầu tiên


Bé hoàn toàn có thể kiểm soát cử động của đầu và có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ của người thân.


Xem và nghiêng mình về phía trước nơi mà có thức ăn.


Biết há miệng khi thức ăn được đưa vào miệng.


Hệ thống tiêu hóa của bé hoàn toàn sẵn sàng: Hệ thống tiêu hóa phát triển bao gồm các enzym tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn, hệ thống miễn dịch: cơ chế bảo vệ đường ruột miễn dịch được phát triển đầy đủ, miệng và lưỡi: bé có thể di chuyển thức ăn trong miệng và nuốt một cách an toàn.


Lời khuyên trong việc chọn thời điểm cho bé ăn dặm


Không nên bắt đầu quá trình ăn dặm quá sớm là lời khuyên của các chuyên gia Nhi khuyên bạn. Mọi sự đi tắt đón đầu đều không nên, không phù hợp đặc biệt với bé. Nếu bé dưới 6 tháng đói, bạn hãy cung cấp sữa cho bé ăn. Nhiều bậc phụ huynh cho bé làm quen với thức ăn đặc từ rất sớm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới bé: Bé dễ bị chậm lớn, dễ tiêu chảy do không thể tiêu hóa được đồ ăn.


Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên bắt đầu quá trình ăn dặm ở con quá muộn. Nếu cho bé tiếp xúc với thức ăn dặm muộn thì bé cũng gặp nhiều vấn đề như: Tăng trưởng kém do được bổ sung ít năng lượng, thiếu máu thiếu sắt.


Lời khuyên khi chọn, chế biến thực đơn cho bé ăn dặm


Cha mẹ không nên chế biết đồ ăn có muối, gia vị và chất tạo ngọt cho bé. Các loại thực phẩm ban đầu nên được xay nhuyễn.


Bổ sung ngũ cốc cho trẻ sơ sinh vì thực phẩm này giúp bé tăng cường chất sắt và là cho một nguồn thực phẩm lý tưởng cho bé. Bạn có thể trộn ngũ cốc hạt nhỏ với sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé ăn.  Thực đơn ăn cho bé nên đa dạng: đó là rau xanh và trái cây, thịt gà, thịt bò, cá, bánh mì nướng…


Cho bé tập uống nước từ cốc.


Thời gian đầu, bé cần phải ăn  những đồ được xay nhuyễn nhưng tới tháng thứ 8, thứ 9, bạn có thể khuyến khích cho bé ăn thức ăn có kết cấu lớn hơn, cho bé cầm tay rau củ quả hấp mềm, động viện bé nhai và tự ăn.


Bạn có thể đưa cho bé một cái thìa nhỏ và khuyến khích bé tự xúc ăn. Thay vì xay nhuyễn, bạn có thể nghiền thức ăn hoặc cắt thành miếng nhỏ. Bạn hãy cung cấp nhiều trái cây, rau, các loại thịt, thịt gà và cá cho bữa ăn của bé. Cho bé ăn mỳ ống, cơm để thay đổi làm quen.

Mặc và cởi quần áo


Bạn vừa mặc cho con bộ quần áo đẹp để ra đường chơi vào một sáng chủ nhật quá đẹp, 10 phút sau ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy con lại trần như nhộng, thật là bực quá đi mất. Khoan nào, bạn có thấy điều gì đặc biệt trong tình huống này không? Bé đã biết tự cởi quần áo, đó là một kỹ năng đáng giá mà bạn phải ghi ngay vào bảng theo dõi mốc phát triển kỹ năng của bé đi.



Bé con ở tuổi này rất thích tự mặc quần áo và cởi quần áo theo ý mình, dù bạn có phát bực thì hãy nhớ rằng bé không làm vậy để chọc tức bạn đâu. Thực tế thì mặc và cởi quần áo – của chính mình hay của búp bê – là cách để bé rèn luyện kỹ năng phối hợp bàn tay và ngón tay.


Bạn nên tạo điều kiện và cơ hội cho bé thực tập kỹ năng này. Nếu việc thay những bộ đồ nhỏ xíu cho búp bê Barbie là quá khó và khiến bé căng thẳng phát khóc, bạn hãy cho bé thay những chiếc áo choàng rộng hay áo thun cho gấu bông của mình. Bạn có thể may búp bê vải hình người và vài bộ quần áo thay cho búp bê để bé chơi. Có khi bạn sẽ ngạc nhiên vì gu thời trang rất đặc biệt của bé nữa đấy. Bạn cũng có thể tái sử dụng quần áo cũ của cả nhà cho bé chơi bằng cách soạn ra cho bé vài món đồ cũ của bố hoặc mẹ để bé có thể mặc vào cởi ra thoải mái.


Về phát triển kỹ năng tự mặc quần áo ở tuổi này, bé sẽ thao tác tốt nhất với các loại quần lưng thun, áo chui đầu, giày lười vì những loại này dễ mặc dễ mang hơn các loại trang phục khác. Nhớ đừng đưa cho bé cả đống quần áo một lúc mà hãy giới thiệu với bé từng loại một, từ dễ mặc nhất đến khó dần lên.


Nặn, ấn và ngắt


Trẻ con nhạy cảm với mọi thứ, bé thích ngửi, thích nếm và tất nhiên là thích sờ mó nữa. Nếu bạn đưa cho bé những thứ mà bé có thể chơi suốt ngày và giữ cho đôi bàn tay nhỏ luôn bận rộn, bé sẽ được rèn luyện và phát triển kỹ năng sử dụng bàn tay và tăng cường sức mạnh cũng nhưng sự tinh nhanh của đôi bàn tay rất nhiều đấy.


Nặn đất sét (hãy chọn loại đất sét tạo hình an toàn và không có độc tố dành riêng cho trẻ nhỏ, hoặc nấu bột mì trộn với màu thực phẩm) giúp rèn luyện sự phối hợp tinh tế giữa bàn tay và ngón tay qua các thao tác lăn, ấn, tạo hình, cấu véo đất và nắn thành những hình thù mà bé thích. Bạn có thể cung cấp thêm cho con vài dụng cụ khác để trò chơi thêm vui và có thể giữ hứng thú của bé lâu hơn như thanh cán có trọng lượng nhẹ và khuôn cắt bánh cookie bằng nhựa. Nếu bạn thấy con chơi có vẻ rất miễn cưỡng, hãy thử một trò khác, có lẽ con bạn không thích mùi hay cảm giác chơi với đất nặn thôi.


Thay vì dùng đất sét nặn, bạn có thể cho con chơi với bột dẻo vì chất liệu này mềm hơn nên bé sẽ dễ chơi hơn, và nếu bé có cao hứng véo một miếng bỏ miệng thì bạn cũng không cần phải lo lắng lắm. Nếu bạn có thói quen làm bánh ở nhà thì quá tuyệt, bạn có thể ngắt cho bé một miếng bột đã nhào dẻo để bé tự tạo hình cho cái bánh của mình và bạn có thể đem nướng luôn cái bánh này cho con. Nếu không, bạn vẫn có thể tự làm bột nặn cho con theo công thức an toàn của các mẹ Webtretho.


Thỉnh thoảng khi bạn và gia đình đi nghỉ mát ở biển, bạn có thể cùng con chơi trò xây lâu đài cát, đây là trò chơi kinh điển trên bãi biển của rất rất nhiều thế hệ trẻ em, và quan trọng là nó luôn vui và bổ ích, nhất là cho kỹ năng vận động của các bé.

Nếu thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm là dạng lỏng, sệt mịn thì khi con được 7 tháng tuổi là lúc các mẹ nên bắt đầu tăng dần độ thô lên cho bé tập ăn dặm. Bé Bee nhà mình đón nhận sự việc này bằng hai chiếc răng xinh xắn. Điều này khiến mẹ Bee rất vui vì khi bước sang giai đoạn 2 của ăn dặm kiểu Nhật là lúc con bắt đầu tập nhai chứ không chỉ đơn thuần là nuốt nữa.



Giai đoạn này các mẹ nên bắt đầu thêm gia vị vào khi chế biến thực đơn ăn dặm cho con, những gia vị có thể sự dụng (theo như gia vị Nhật) là: Muối, xì dầu, tương miso, đường, dầu ăn, bơ. Đây cũng là giai đoạn bé có ăn riêng cơm nát và thức ăn.


Tuy nhiên, các mẹ nên nhớ là mỗi loại chỉ nên dùng chút xíu thôi nhé. Một phần để cho con làm quen từ từ, bộ máy cơ thể con không phải làm việc quá tải. Mặc khác, nếu ăn đậm đà quá thì những món rau luộc không có vị con sẽ không chịu ăn.  Một số cách chế biến thực đơn ăn dặm kiểu Nhật khi con 7 tháng tuổi như sau:


1. Món đầu tiên và cũng là món chủ đạo (cháo, bánh mỳ, mỳ…)


- Cháo 1:7 (nấu với tỉ lệ 1 gạo : 7 nước)


Gạo 15g  +  nước 100ml.


Các mẹ nấu chín rồi nghiền hơi to để con tập nhai, không cần nhuyễn như thời gian đầu.


- Bánh mỳ


1/4 miếng bánh gối không viền + 100ml sữa công thức.


Bánh mỳ xé nhỏ trộn với sữa rồi cho lên bếp đun sôi là được. Ở gian đoạn này các mẹ không nên nghiền nhuyễn bánh mỳ nữa nhé, chỉ cần xé nhỏ để bé làm quen dần với đồ ăn thô.


2. Chất đạm


Những chất đạm có thể ăn được thêm trong giai đoạn này là: Phô mai, cá hồi, cá Maguro, tôm , thịt lườn gà, gan heo, đậu tương nadou…


3. Rau củ quả


Ở giai đoạn này mẹ có thể cho bé ăn các loại rau củ quả để bé được thưởng thức mùi vị phong phú hơn nhé! Vì đây là giai đoạn tập nhai nên mẹ chế biến mọi thức ăn đều to hơn giai đoạn trước, không nghiền nát và nhuyễn nữa. Rau củ các mẹ có thể thái nhỏ li ti, nhưng lưu ý là phải luộc thật mềm, thật nhũn để hỗ trợ bé tập nhai.


Cháo và một số đồ ăn vẫn làm đông lạnh, một số khác thì để sống rồi chia nhỏ từng phần rồi đông lạnh, để tiện nấu từng bữa nhỏ cho bé ăn.

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

I. Nấm đùi gà xào rau củ


Nấm đùi gà giòn ngọt, được xào với cà rốt và ớt ăn mãi không ngán, cách làm lại đơn giản và rất nhanh chóng.


Chuẩn bị nguyên liệu


- 3 nấm đùi gà


- 1 trái ớt chuông xanh


- ¼ củ cà rốt


- Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu, hạt vừng (mè), dầu ăn


Cách làm món nấm đùi gà xào rau củ


Bước 1:


Nấm đùi gà ngâm nước muối, rửa sạch, cắt miếng nhỏ dài cỡ 5cm (2 đốt ngón tay). Ớt chuông xanh bỏ hạt, rửa sạch, xắt miếng sợi dài. Cà rốt rửa sạch thái sợi.


Bước 2:


Làm nóng chảo, cho dầu vào, cho nấm đùi gà vào xào, nêm chút muối.


Tiếp theo, cho cà rốt vào xào, sau đó cho ớt chuông xanh xào cùng. Nêm gia vị vừa ăn, đảo đều tay để nấm, cà rốt và ớt ngấm gia vị.


Bước 3:


Khi nấm, cà rốt và ớt chuông chín tắt bếp rắc tiêu và hạt mè trộn đều cho thơm.



Hoàn thành


Khi ăn múc ra đĩa dùng làm món xào ăn với cơm nóng thật ngon.


Nguyên liệu đơn giản, thời gian chế biến ngắn do vậy nó sẽ là món ăn không tốn quá nhiều thời gian của bạn.


II. Rau nhút xào nấm rơm


Rau nhút (hay còn gọi là rau rút) không chỉ hợp với canh cua nấu rau muống hay với canh khoai mà xào với nấm rơm cũng rất ngon miệng đấy nhé.


Nguyên liệu: 100gr nấm rơm, 200gr rau nhút, hành khô, muối, nước mắm ngon, dầu ăn.


Hướng dẫn


Bước 1: Nấm rơm nhặt sạch ngâm với chút muối, rửa sạch để ráo. Rau nhút nhặt lấy phần non, rửa sạch, cắt đoạn vừa ăn. Hành khô bóc vỏ, thái lát.


Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo đun nóng, phi thơm hành, cho nấm vào xào chín, rồi múc ra để riêng.


Bước 3: Cho tiếp dầu vào chảo, cho rau vào xào chín, nêm mắm muối vừa ăn, rồi cho nấm vào đảo đều. Sau đó bày ra đĩa. Dùng nóng.


III. Salad đu đủ


Đu đủ sẽ giúp thanh nhiệt cơ thể, cung cấp canxi cho bà bầu và thai nhi trong bụng.


Nguyên liệu


- 200g cồi sò điệp


- 1 quả đu đủ


- 1 thìa cà phê đường


- 1 thìa cà phê muối


- 1 thìa súp tương ớt


- 1 thìa súp nước cốt chanh


- 100g xà lách, hành lá, dầu ăn


Hướng dẫn


Bước 1: Đu đủ thái miếng vừa ăn.


Bước 2: Cồi sò điệp đem áp chảo vàng hai mặt.


Bước 3: Xà lách thái khúc ngâm.


Bước 4: Trộn đu dủ với xà lách, cồi sò điệp, đường, muối, tương ớt và nước cốt chanh. Để khoảng 15 phút cho gia vị thấm, thỉnh thoảng nên xóc đều.


Lấy ra đĩa và thưởng thức

Trẻ uống sữa bị tiêu chảy do bất dung nạp đường Lactose hoặc tiêu chảy do nguyên nhân khác thường bị trầm trọng hơn do tình trang bất dung nạp đường Lactose thứ phát. Nếu không được khắc phục sớm, tình trạng này có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho bé như suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn,…



Tình trạng bất dung nạp đường lactose và hậu quả


Là tình trạng cơ thể thiếu men Lactase để tiêu hóa đường Lactose có trong sữa mẹ và các sữa công thức. Lactose là nguồn cung cấp đường glucose cho sự hoạt động của não và cơ thể, làm phân mềm, tạo sự vượt trội của những vi khuẩn có lợi giúp cho sự phát triển hệ miễn dịch và tiêu hoá trong cơ thể trẻ. Men lactase ở màng ruột là men tiêu hoá biến đường lactose trở thành đường glucose.


Tình trạng bất dung nạp đường Lactose có thể do bẩm sinh hoặc do tiêu chảy bởi các nguyên nhân khác gây nên.


Một số trẻ em ngay sau khi sinh ra đã thiếu men Lactase, nhưng rất hiếm gặp, chỉ 1 trong số 1000 trẻ. Đây là thiếu Lactase bẩm sinh.


Khi trẻ uống sữa bị tiêu chảy, niêm mạc thành ruột bị tổn thương bởi vi khuẩn,virút hoặc độc tố của chúng làm mất đi men Lactase. Do thiếu men Lactase làm đường Lactose không tiêu hoá được trong ruột gây bất dung nạp Lactose. Đường Lactose không được tiêu hoá sẽ ứ đọng lại trong ruột, hút nước làm tiêu chảy tăng thêm và kéo dài. Trường hợp này gọi là thiếu Lactase thứ phát. Bất dung nạp đường Lactose thứ phát thường kéo dài trong 1-2 tuần, nhất là ở trẻ tiêu chảy kéo dài. Hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, kém ăn cộng thêm tập quán kiêng ăn làm chậm hồi phục niêm mạc ruột. Bất dung nạp đường Lactose có thể gặp trong những trường hợp tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, virus đặc biệt tiêu chảy do Rota virus, dị ứng sữa bò… là những bệnh l‎ý rất thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Thống kê cho thấy có khoảng 50% -70% trẻ tiêu chảy nặng nhập viện có biểu hiện bất dung nạp đường Lactose.


Nhận biết việc trẻ bị bất dung nạp đường lactose


Các bà mẹ có thể nhận biết được bất dung nạp đường Lactose ở trẻ bị tiêu chảy khi cho trẻ ăn sữa công thức bình thường trẻ bị nôn, đầy hơi, không muốn ăn, quấy khóc, tiêu chảy tăng lên, phân lỏng toàn nước chua hoặc có bọt, hậu môn đỏ. Khi cho trẻ ăn sữa không có lactose, các triệu chứng trên giảm rõ rệt, tiêu chảy cầm, phân đặc và giảm độ chua, trẻ chịu ăn và mau chóng khỏi tiêu chảy.


Làm gì khi trẻ bị bất dung nạp đường lactose


Vì những hậu quả của tiêu chảy do không dung nạp đường lactose, các bà mẹ cần phải khắc phục tình trạng này sớm nhất có thể và nuôi trẻ đúng cách khi trẻ bị tiêu chảy.


Đối với trẻ bú mẹ, vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú, không được kiêng ăn cho trẻ. tập quán kiêng ăn, giảm ăn là nguy cơ gây kéo dài tiêu chảy và suy dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn thích hợp sau khi điều trị bằng Oresol cho trẻ bị bất dung nạp lactose do tiêu chảy, lactose trong sữa mẹ vẫn được tiếu hoá hấp thu khi thiếu men lactasa ruột. Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi trong tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột tổn thương trong nhiễm trùng. Các bằng chứng từ lâm sàng cho thấy trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài giảm hơn so với các trẻ tiếp tục bú sữa bò thông thường. Trẻ ăn bổ xung vẫn tiếp tuc chế độ thức ăn bổ xung bình thường với các thành phần dễ tiêu hoá như cháo gạo, bột gạo, thịt nạc, sữa chua…


Nếu trẻ đang dùng sữa công thức thông thường, hoặc trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tháng, bị tiêu chảy kéo dài, hoặc trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng, có thể dùng các loại sữa không đường lactose. Thành phần đường có thể là maltodextrin hoặc hỗn hợp đường đa có áp lực thẩm thấu thấp. Các thành phần đường này đã được chứng minh trên lâm sàng giúp trẻ tăng cân tốt hơn và phục hồi đường ruột nhanh hơn.


Cuối cùng, các bà mẹ cần nhớ khi trẻ bị tiêu chảy cần phải điều trị nguyên nhân gây bệnh và khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt. Điều trị muộn là một l‎ý do kiến trẻ hay bị bất dung nạp đường lactose thứ phát, nên phòng ngừa là rất quan trọng.