Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Thật tuyệt vời vì giờ đây bé yêu đã bước vào giai đoạn bé ăn dặm, từ nay trong bữa cơm gia đình, bé đã có thể ngồi vững, cầm lấy chiếc muỗng khua vào không gian và háo hức chờ đón những món ăn mới thay cho món sữa thường nhật trước đó. Nhưng chuẩn bị những thực đơn ăn dặm hợp lý cho bé không phải là điều dễ dàng và cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ để thiết lập một chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng cho con.


Sau 6 tháng tuổi, cha mẹ đã có thể tập cho bé ăn dặm với vài món đặc, tuy nhiên sữa vẫn là chế độ ăn chính của bé.


Thực đơn ăn dặm cho bé


- Sản phẩm từ sữa: Cho đến 12 tháng tuổi, bé cần đều đặn khoảng 500ml – 600ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Những sản phẩm từ sữa điển hình như phô mai, yaourt, sữa bò tươi, sữa đặc… có thể được bổ sung vào những món bột nghiền, cháo xay cho con.


- Tinh bột: Bánh mì, khoai tây, gạo… là những thực phẩm giàu gluten và cơ thể của bé cũng đang cần hấp thụ chúng để lớn lên.


- Các loại trái cây, rau quả: Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau trái, chỉ cần cha mẹ biết cách chế biến thật hấp dẫn, hạn chế đường cho bé tráng miệng sau mỗi bữa ăn.


- Chất đạm: Thịt, cá, trứng là những thực đơn cho bé cung cấp đạm phong phú nhất. Những món này cũng đã đến lúc lần lượt có mặt trong thực đơn của bé sau 6 tháng tuổi.


Những loại thực phẩm cần tránh trong thực đơn ăn dặm của bé


- Những thực phẩm có nguy cơ bị ngộ độc như phô mai bị mốc, pa tê gan, trứng lòng đào, hệ tiêu hóa non nớt của bé sẽ không thể chống đỡ với những loại thực phẩm quá giàu đạm hoặc kém chất lượng.


- Thực phẩm ít mỡ và giàu chất xơ: Độ tuổi này, bé chỉ cần các chất để cung cấp năng lượng cơ thể chứ chưa cần nhiều chất tạo ra các khối cơ bắp.


- Muối, đường, mật ong, đậu phộng vì những chất này cũng buộc hệ tiêu hóa của bé hoạt động quá sức.


- Những loại thức ăn khổ lớn, dễ gây ngạt thở như nho, nhãn, táo, cà rốt, bắp rang, bánh hotdog…là những loại thức ăn nếu không cẩn thận sẽ dễ làm bé mắc nghẹn hoặc ngạt thở.


- Nói không với thức ăn nhanh như khoai tây chiên, xúc xích, đồ uống có gas… khi đi picnic bởi chúng chứa rất nhiều muối, mỡ và đường cùng những chất phụ gia không tốt cho sức khỏe của bé.


Khuyến khích con ăn như thế nào?


- Đa dạng thực đơn cho bé trải nghiệm mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra bé háo hức chờ đón món gì và thờ ơ với món gì. Từ đó bạn chọn cho bé một thực đơn hợp lý nhất.


- Đừng nản lòng nếu bé tỏ ra không chấp nhận món nào đó, rất có thể bé sẽ thích nó trong thời gian tới.


- Hãy tập khen ngợi và khuyến khích con mỗi khi bé tỏ ra ăn ngoan, cũng như người lớn, trẻ con rất cần sự động viên và khích lệ.


- Lưu ý đặc biệt là không nêm đường và gia vị vào món ăn để tăng vị giác tạm thời làm ức chế việc cảm nhận sự ngon miệng đồng thời gây hại cho những chiếc răng sữa của bé.


- Vài món quà vặt giàu dinh dưỡng như sữa chua, trái cây tươi, ép, bánh plan, bánh mì…sẽ giúp bé giải quyết cơn đói tạm thời trong thời gian bố mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con.

Rau câu bánh flan mềm mượt, có vị béo của nước cốt dừa, đắng của cà phê và thơm dịu của lá dứa vô cùng hấp dẫn, nhất là vào những ngày nắng nóng! Tham khảo cách làm bánh flan rau câu đơn giản như sau:


Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm bánh flan rau câu :


Phần bánh flan:


- 6 quả trứng gà


- 700ml sữa tươi


- 80g đường


- 1 muỗng cà phê vani nước


Phần đường caramel:


- 80g đường


- 50ml nước


Rau câu lá dứa:


- 1 muỗng canh bột rau câu (agar)


- 4 muỗng canh nước lạnh


- 240ml nước + 3 lá dứa tươi


- 240ml nước cốt dừa


- 3-4 muỗng canh đường


Rau câu dừa:


- 1 muỗng canh bột rau câu (agar)


- 4 muỗng canh nước


- 500ml nước cốt dừa


- 3-4 muỗng canh đường


Rau câu cà phê:


- 1 muỗng canh bột rau câu (agar)


- 4 muỗng canh nước


- 500ml cà phê loãng


- 3-4 muỗng canh đường


Để làm caramel, cho đường và nước vào nồi, nấu đến khi đường chuyển màu cánh gián. Cho khoảng 2 muỗng canh nước vào caramel.


Chia ngay caramel vào khuôn.


Để làm phần bánh flan, đánh tan trứng với đường rồi cho sữa và vani vào hoà đều.


Lược lại cho mịn.


Khi phần caramel đã đông lại, đổ hỗn hợp bánh flan vào khuôn. Bạn nhớ chỉ đổ một lớp khoảng 1-2 cm thôi để còn chỗ cho phần rau câu.


Hấp bánh flan trên lửa nhỏ trong khoảng 20 phút cho bánh flan chín. Để nguội.


Xay lá dứa với 240ml nước và lọc lấy nước lá dứa.


Để làm rau câu lá dứa, trộn bột rau câu với 4 muỗng canh nước và ngâm khoảng 15 phút. Cho rau câu vào nồi, trộn cùng nước là dứa và các nguyên liệu còn lại, nấu sôi. Nếu chưa dùng ngay, bạn có thể giữ ấm rau câu hoặc cho vào lò vi sóng khoảng 30 giây nếu rau câu bị đông lại.


Làm tương tự với rau câu dừa và cà phê.


Đổ một lớp rau câu khoảng 1cm lên trên bánh flan. Bạn có thể đổ màu nào trước cũng được. Để rau câu trong khay đá lạnh hoặc nhiệt độ phòng. Bạn không nên cho rau câu vào tủ lạnh, vì rau câu sẽ đông cứng và dễ tách lớp hơn khi đổ lớp tiếp theo.


Khi lớp rau câu thứ nhất đã hơi đông lại, đổ tiếp lớp rau câu thứ hai. Làm tương tự với lớp thứ 3 và cho vào tủ lạnh để rau câu đông cứng hoàn toàn.


Rau câu bánh flan mềm mượt, có vị béo béo của nước cốt dừa, đăng đắng của cà phê và thơm dịu của lá dứa. Với cách làm rau câu bánh flan nhiều lớp này, bạn đã có một món tráng miệng mát lịm dễ làm mà cực ấn tượng để trổ tài trong mùa hè năm nay rồi!


Chúc bạn thành công và ngon miệng với món bánh flan rau câu nhé!

Ăn dặm kiểu nhật là 1 phương pháp ăn dặm tiến bộ và khoa học vì mục tiêu của ăn dặm kiểu Nhật là tập cho bé ăn uống hợp lý, ăn thô tốt và tìm được niềm vui trong ăn uống. Phương pháp này khuyến khích các mẹ dạy cho tự lập trong việc ăn uống sớm như tự cầm muỗng, nĩa tự xúc thức ăn. Cho bé ăn dặm theo nhu cầu chính là mấu chốt quan trọng của phương pháp ăn dặm này.


Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5-6 tháng tuổi


Số lượng bữa dặm: 1 bữa/ ngày


Lượng sữa: tùy theo nhu cầu, ưu tiên hơn ăn dặm


Độ thô của cháo: tỷ lệ 1 gạo: 10 nước


Đạm: 5-10 gr (cá thịt trắng: ít béo như tara, đậu phụ 25 gr, trứng: dưới 2/3 lòng đỏ, trứng ở Nhật to hơn ở VN)


Cháo : 5 gr – 30 gr (gạo, mì, bánh mỳ)


Rau: 5-20 gr (cà rốt, bí đỏ, chân vịt, cà chua, kabu (giống su hào), bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo, quít)


Muối không tốt cho thận của bé, vì vậy giai đoạn này không cần nêm muối. Lượng muối cho bé bằng 1/4 lượng muối cho người lớn. Đối với bé ở giai đoạn này, vị nước dashi và nước rau luộc là đủ. Ngoài ra, những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác như tôm cua, bạch tuộc, các loại ốc, soba (mì sợi lúa mạch đen), thịt, sữa bò dễ gây dị ứng cho bé, do đó ở giai đoạn này nên tránh cho bé ăn những thực phẩm trên.


Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không chịu ăn, không nên ép bé ăn. Hãy ngừng khoảng 2 ~ 3 ngày rồi chế biến thức ăn trơn hơn và thử cho bé ăn lại. Dưới đây là 5 món ăn phổ biến trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé


Cà rốt nghiền – Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm


Nguyên liệu


Cà rốt nghiền: 2 thìa cà phê; cháo trắng: 2 thìa cà phê


Cách làm:


Nghiền cháo, đổ vào bát. Xong nghiền cà rốt, cho lên trên. Khi ăn có thể xúc 1 thìa cháo trắng ăn trước, sau đó xúc 1 thìa cà rốt nghiền. Hoặc trộn chung 2 thứ và cho ăn cùng lúc.


Chú ý: Luộc cà rốt tươi để giữ được hương vị và vitamin tốt nhất.


Cháo bắp / Cháo ngô ngọt


Nguyên liệu:


Cháo trắng: 2 thìa cà phê, ngô/bắp nghiền: 2 thìa cà phê


Cách làm:


Nấu cháo cùng với hạt ngô cho tới khi mềm, sau đó nghiền nhuyễn, bỏ bã.


Chú ý: Có thể nấu hạt ngô riêng, sau đó dùng máy xay cho nhanh. Nhớ lọc hết bã ngô.


Thực đơn ăn dặm với Súp bánh mỳ sữa


Nguyên liệu


Sữa: 1/2 cup (60ml); bánh mỳ gối: 1/4 lát


Cách làm


Nếu là sữa bột thì cần pha theo đúng tỷ lệ để có được lượng trên. Bánh mỳ bỏ phần riềm cứng, xé nhỏ và cho vào sữa. Đun ở lửa nhỏ cho tới khi thấy súp sôi thì tắt bếp.


Chú ý: Chỉ đun cho tới khi hỗn hợp sôi, sau đó đậy vung kín để bánh mỳ mềm bằng hơi là được.


Cháo đậu cô ve


Nguyên liệu


Cháo trắng: 2 thìa cà phê, đậu cô ve nghiền: 2 thìa cà phê


Cách làm


Đậu rửa sạch, trần qua cho bớt mùi nồng, sau đó luộc chín mềm, nghiền nhỏ. Cho đậu nghiền vào giữa bát cháo trắng.


Cháo rau chân vịt – thực đơn ăn dặm tốt cho hệ tiêu hóa


Nguyên liệu


Cháo trắng: 2 thìa cà phê; rau chân vịt nghiền: 2 thìa cà phê


Cách làm


Rau chân vịt rửa sạch, chỉ lấy phần lá. Luộc cho tới khi chín mềm rồi nghiền nhỏ. Sau đó trộn với cháo trắng.


Chú ý: Các loại rau có lá rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Ăn mãi một món vào buổi sáng khiến trẻ càng có lý do từ chối bữa sáng. Do vậy, mẹ nên thường xuyên thay đổi món để kích thích sự thèm ăn của trẻ. Cùng các chuyên gia đầu bếp nấu 2 món nui quen mà lạ, lạ mà quen sau nhé các mẹ đảm đang:


Nui chiên trứng


Từng miếng nui chiên trứng giòn thơm vàng rộm ăn cùng cà rốt, củ cải ngâm sẽ giúp bé yêu thấy ngon miệng lắm đáy, các mẹ đảm đang cùng làm thử nhé.


Nguyên liệu làm món nui chiên trứng:


Để làm nui chiên trứng bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:


- 150g nui


- 2 quả trứng gà


- Hành lá, dầu ăn, cà rốt, củ cải


cách làm nui chiên trứng 1


Cách chế biến món nui chiên trứng:


Đun một nồi nước, luộc nui trong vòng 20 phút đến khi nui mềm. Xả nui với nước lạnh nhiều lần, sau đó để ráo.


Cà rốt, củ cải bào nhỏ. Pha hỗn hợp nước gồm 1 thìa cà phê đường, ½ nước cốt quả chanh với một ít nước lọc. Ngâm cà rốt, củ cải vào hỗn hợp trên để ăn kèm với nui.


Hành lá xắt nhỏ.


Làm nóng chảo với chút dầu ăn. Cho nui vào chiên vàng. Khi nui vàng giòn thì đập trứng vào.


Dùng thìa gỗ dàn đều trứng ra phủ lấy nui.


Rắc hành lá lên trên.


Khi trứng phía dưới đã chín vàng, dùng xẻng lật mặt nui có hành lá xuống.


Lúc này, các bạn để lửa nhỏ thôi nhé, để trứng chín đều, nui giòn mà không bị cháy.


Khi hai mặt đã chín vàng giòn, tắt bếp, cho nui ra đĩa và dùng nóng với cà rốt, củ cải, nước tương.


Thành phẩm:


Nui chiên trứng là món ăn đơn giản, khá dễ làm và không tốn nhiều nguyên vật liệu như khi chế biến các món nui thông thường khác. Nui chiên trứng có thể dùng làm món ăn vặt hay làm điểm tâm sáng cho cả nhà khi đã chán với món nui xào quen thuộc. Từng miếng nui giòn thơm vàng rộm ăn cùng cà rốt, củ cải ngâm sẽ giúp bạn bớt ngán. Khi ăn chấm cùng nước tương cay cay, ngọt ngọt. Món này phải dùng khi còn nóng mới ngon, để nguội quá khi ăn nui sẽ bị dai các bạn nhé!


Nui xào bò


Nguyên liệu làm nui xào bò


250g thịt bò xay nhuyễn, 150g nui, 1 củ hành tây băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 củ cà rốt băm, 5g ngò rí cắt nhỏ, 1 hộp xốt cà chua, 120ml sữa tươi, 100g bột bánh mì khô, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 50g bơ lạt (hoặc 2 thìa súp dầu ăn).


Cách làm nui xào bò


Bước 1: Trộn thịt bò với hành tây, tỏi, cà rốt, ngò, bột bánh mì khô, muối, đường, viên thành 15 viên nhỏ.


Bước 2: Cho cà chua, sữa tươi và 250ml nước vào nồi nấu sôi, thả thịt bò đã viên vào, nấu nhỏ lửa khoảng 20 phút là chín.


Bước 3: Nui luộc chín, vớt ra, xốc với bơ cho thơm, trút ra tô hay đĩa sâu lòng, cho thịt bò và nước súp lên, rắc ít ngò cho đẹp. Có thể chọn bất cứ loại nui nào mà bé thích, trừ nui ngôi sao vì nhỏ quá, làm món này không ngon. Nếu bé không quen ăn bơ, có thể thay bằng dầu ăn khi trộn nui.


Mách nhỏ:


Các bé thường rất thích món nui xào bò vì dễ ăn, những món này chế biến thêm với ít thịt bò mềm và xốt béo thì bé sẽ rất ngon miệng.


 

Đang mùa mơ, bạn tranh thủ mua mơ về ngoài ngâm đường ngâm muối thì hãy bớt lại một phần làm món thạch mơ nhân bánh flan cực thơm ngon này nhé!


Cách làm bánh flan thạch mơ chia làm 3 công đoạn chính:


- Làm mứt và xi-rô mơ


- Làm flan


- Làm thạch


1/ Nguyên liệu để làm bánh flan:


- 250ml sữa tươi không đường


- 2 trứng gà ta nguyên quả và 1 lòng đỏ trứng gà


- 50g đường và 20g để chưng nước hàng – có thể điều chỉnh theo khẩu vị của bạn.


- 1/2 thìa cafe tinh chất vani.


- Đánh tan trứng với đường (không cần đánh bông) rồi cho sữa vào, khuấy đều và thêm tinh chất vani, sau đó lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ lợn cợn.


- Thắng đường thành caramen, đổ vào khuôn.


- Rót hỗn hợp sữa vào, chú ý rót nhẹ nhàng để không tạo nhiều bọt.


- Hấp bánh trong xửng, 20-30 phút, lửa nhỏ để giữ nước sôi nhẹ. Phủ một cái khăn lên mặt xửng để tránh nước đọng ở vung nhỏ vào bánh.


- Bánh flan sau khi hấp, để nguội, cất vào tủ lạnh cho bánh ổn định.


2/ Để làm mứt và xi-rô mơ bạn cần:


- 500g quả mơ tươi để chín kỹ. Mơ chín kỹ là khi quả mơ chuyển màu vàng sậm, sờ vào mềm tay (nhưng không nhũn, thối nhé)


- 200g đường trắng


- 200ml nước


Mơ rửa sạch, tách riêng phần cùi và hạt.


Cho mơ, hạt mơ và đường vào nồi, thêm 200ml nước, đun sôi trên bếp thì vặn lửa nhỏ liu riu.


Đun đến khi nước cạn còn một nửa, miếng mơ trong và chuyển màu hổ phách là được.


Lọc phần nước và phần cái để riêng. Phần nước thu được xi-rô mơ đậm đặc. Xi-rô này có thể dùng để pha nước uống, tẩm ướp đồ ăn hoặc làm thạch, làm kem, pannacotta đều ổn.  Phần bã, bạn nhặt bỏ hạt mơ, giữ lại phần thịt quả lúc này là mứt mơ. Mứt mơ có thể nhón ăn như một món ăn vặt, cũng có thể dùng vào nấu nướng. Bạn có thể sấy cho mứt mơ se lại, và dẻo. Mình thì để nguyên, cất lọ.


* Nếu bạn có sẵn mơ ngâm lâu năm, thì dùng luôn nước mơ và quả mơ ngâm đó cũng được nhé. Như vậy có thể bỏ qua bước này.


3/ Làm thạch:


- 50-70ml nước cốt xi-rô mơ


- 600ml nước


- 100g đường (có thể điều chỉnh tùy khẩu vị)


- 5g bột rau câu (mình dùng nửa gói bột rau câu Con cá dẻo)


Hòa tan tất cả các nguyên liệu trên trong nồi, bắc lên bếp đun sôi, quấy đều, tắt bếp. Để thạch nguội bớt mới tiến hành đổ khuôn


- Dùng một khuôn có đường kính lớn hơn khuôn đựng bánh flan để làm khuôn thạch


- Bánh flan lấy ra từ tủ lạnh, dùng 1 lưỡi dao nhỏ, lách một vòng xung quanh thành bánh.


- Úp khuôn thạch lên mặt khuôn đựng flan. Nhanh tay lật ngược lại. Nhẹ nhàng rút khuôn bánh flan ra. Lúc này bánh flan đã được trút sang khuôn thạch.


- Nếu bánh flan nằm lệch về một phía thì vỗ nhẹ vào thành khuôn để điều chỉnh cho bánh vào giữa.


- Nếu phần nước caramen nhiều, chắt hết ra rồi mới tiến hành đổ thạch.


- Đổ thạch vào khuôn. Nước thạch sẽ đẩy phần bánh flan nổi lên. Bạn đổ sao cho phần đáy thạch dày khoảng 1cm là được.


- Để một lúc cho thạch se mặt, đổ thêm một lớp nữa khoảng 1cm lên trên. Cất vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng.


Lấy thạch ra khỏi khuôn bằng cách: dùng 1 lưỡi dao nhỏ, lách một vòng xung quanh thành khuôn. Úp một chiếc đĩa lên, nhanh tay lật ngược lại. Vỗ vỗ vào thành khuôn để thạch trút ra


Đang mùa mơ, các bạn mua mơ về ngâm có thể bớt lại một phần để làm xi-rô mơ uống liền hoặc mứt mơ để nhâm nhi, ngoài ra, xi-rô và mứt mơ còn có thể chế biến thành các món tráng miệng rất hấp dẫn như món thạch mơ nhân bánh flan này là một ví dụ.


Với định lượng thạch ở trên, mình đổ được một ổ rau câu như trong hình và làm thêm được một khay thạch tròn trang trí nhìn giống như những quả mơ ở bên trên nữa. Phần mứt mơ mình bày lên trên để trang trí và ăn kèm luôn để tăng thêm vị đậm đà cho món thạch mơ nhân bánh flan.


Chúc các bạn thành công với cách làm bánh flan thạch mơ và ngon miệng với món ăn này nhé!

Nui xào bò


Mẹ đang cần học món ngon ăn sáng dễ làm cho bé yêu ăn là nghiền. Vậy mẹ hãy bắt tay vào làm món nui xào bò sau nhé, bảo đảm chỉ trong vòng 15 phút thôi, bé yêu sẽ có 1 món ăn sáng cực chất với đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé.


Nguyên liệu làm món nui xào bò:


- 200g thịt bò fillet thái mỏng


- 1 gói nui


- 1/4 củ hành tây


- 2-3 tép tỏi


- Gia vị: tiêu muối, hạt nêm, dầu ăn, nước tương.


Cách làm món nui xào bò:


- Thịt bò fillet thái mỏng miếng vừa ăn, nếu mua thịt đã thái sẵn thì bạn bỏ qua khâu này, ướp với tí tiêu, muối, nước tương cho thấm.


- Tỏi lột vỏ băm nhỏ, hành tây thái sợi mỏng.


- Nui luộc chín, rửa sơ qua nước lạnh để ráo. Bạn không nên luộc nui quá mềm, chỉ cần vừa chín tới nếu không khi xào nui sẽ bị nát, không ngon.


- Làm nóng 2 muỗng canh dầu ăn trong chảo không dính, dầu vừa nóng bạn cho nui vào xào, nêm tí muối, bột nêm, đảo đều cho gia vị thấm đều vào nui. Tắt bếp.


- Làm nóng dầu ăn trong một chảo khác, cho hành tây vào xào cho đến khi hành tây thơm, vàng, thêm tỏi băm vào đảo đều và cho thịt bò và gia vị vào xào cho đến khi thịt vừa chín tới. Bạn không nên xào thịt bò lâu quá sẽ làm thịt bị dai.


- Cho thịt đã xào vào chảo nui, bật bếp lại lần nữa, xào cho nui và thịt bò đều nhau, nêm lại gia vị vừa ăn, tắt bếp.


- Múc nui xào bò ra đĩa và dùng nóng.


Nui nấu thịt bằm cho bé từ 2 tuổi


Nguyên liệu làm món nui nấu thịt bằm:


- Nui: 1 gói


- Cà chua: 1 quả


- Hành tây: 1 quả


- Thịt băm: 150 g


- Hành, mùi tàu


- Gia vị: dầu ăn, bột nêm, mì chính, muối, tương ớt.


Cách làm:


Bước 1: Đun sôi một nồi nước cùng ½ thìa cà phê muối sau đó cho nui vào chần qua.


Bước 2: Chần nui khoảng 3 phút vớt rồi vớt ra rổ, xả nước lạnh để ráo nước, thêm 1 thìa dầu ăn để nui không bị dính.


Bước 3: Cà chua, hành tây rửa sạch, cắt hạt lựu.


Bước 4: Phi thơm hành khô với cà chua sau đó cho hành tây vào xào sơ qua. Xúc cà chua, hành tây ra đĩa.


Bước 5: Cho thịt băm vào xào chín, nêm một chút xíu bột nêm. Xào khoảng 5 phút cho thịt chín sau đó cho cà chua, hành tây vào, đảo nhanh tay, xào với lửa lớn.


Bước 6: Cuối cùng cho nui vào xào, nêm gia vị vừa miệng, xào khoảng 3 phút thì nui chín, rắc hành hoa, mùi tàu và nêm mì chính. Tắt bếp cho nui sốt thịt băm ra đĩa dùng nóng.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Chút thơm của sữa, mát ngọt của bí đỏ và thơm lừng của đường thắng khiến cho miếng bánh flan bí đỏ nhanh chóng tan ra rồi cứ thế nối tiếp nối tiếp. Cùng vào bếp và trổ tài làm bánh flan bí đỏ mát ngọt cho ngày hè với cách làm bánh flan dưới đây bạn nhé.


Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm bánh flan bí đỏ


- 200g bí đỏ


- 200ml sữa tươi nguyên kem


- 40g đường


- 2 quả trứng


- 75ml kem tươi


- Thành phần làm caramel: 50g đường; 1 muỗng canh nước nóng


Bí đỏ gọt sạch vỏ, bỏ ruột, cắt lát mỏng, cho vào lò nướng cho đến khi bí chín mềm. Nếu không có lò nướng, bạn có thể cho bí vào nồi hấp chín cũng được.


Đập trứng ra bát, đánh tan bằng phới lồng. Thêm sữa tươi vào tiếp tục đánh đều. Đánh trứng sao cho dụng cụ đánh trứng luôn chạm với đáy bát để tránh tạo nhiều bọt.


Cho bí đỏ vào cối xay, đổ hỗn hợp trứng sữa ở bước 5 vào rồi xay nhuyễn tất cả bằng may xay tay. Hoặc xay riêng bí đỏ rồi đem trộn với hỗn hợp trứng sữa.


Sau khi khuấy đều hỗn hợp trứng sữa, dùng rây lọc để lọc cặn trứng và sữa.


Cho đường vào nồi / chảo, thêm nước nóng vào hòa cho tan hoàn toàn.


Bắc lên bếp đun lửa vừa. Khi đường bắt đầu nóng, hơi đổi màu, khuấy liên tục cho đường vàng đều. Bao giờ đường chuyển sang màu như màu cánh gián, có mùi thơm, hơi sền sệt thì tắt bếp ngay.


Sau đó đổ 1/2 – 1 muỗng canh to nước nóng vào rồi khuấy đều đến khi đường vừa thắng và nước nóng trộn lẫn vào nhau.


Lúc caramel còn nóng, đổ caramel vào từng hũ thủy tinh nhỏ, mỗi hũ khoảng 20 – 30ml. Đợi một lúc cho đường hơi khô lại rồi rót hỗn hợp trứng sữa vào. Nên nhớ là phải đợi đường thắng hơi khô lại vì nếu không khi bạn đổ hỗn hợp trứng sữa vào sẽ bị hòa lẫn với đường thắng.


Kế đó đổ hỗn hợp bí đỏ vào khoảng 90% của hũ (mỗi hũ khoảng 100ml kem trứng). Nhẹ nhàng gõ vào thành chai nhiều lần để loại bỏ bọt khí bên trong. Dùng giấy bạc bọc miệng hũ lại giúp cho bánh flan không bị khô. Cuối cùng đặt các hũ bánh vào chảo nước sôi có lót khăn bông dưới đáy chảo (khăn giúp tản nhiệt dưới đáy chảo) để hấp cách thủy, nước sôi nên để ở mức 1/2 khuôn bánh. Rồi đậy vung lại đun từ 18-20 phút là được. Khi đun xong, đừng vội lấy bánh ra, chờ cho hơi nước tan bớt, nhiệt độ trong nồi hạ thấp thì mới mở nắp vung, nhấc từng hũ bánh ra, cho vào ngăn mát tủ lạnh.


Bánh flan là món khoái khẩu của nhiều trẻ nhỏ. Đây cũng là món tráng miệng, món ăn chơi vô cùng bổ dưỡng trong ngày nắng. Chút thơm của sữa, mát ngọt của bí đỏ và thơm lừng của đường thắng khiến cho miếng bánh flan bí đỏ nhanh chóng tan ra rồi cứ thế nối tiếp nối tiếp. Hũ bánh flan chẳng mấy chốc hết vèo.


Nhiều người ngại bánh flan quá béo, nhưng với chút biến tấu nhỏ này, giảm lượng kem, thay bằng lượng bí thì món tráng miệng trở nên thanh mát và dễ chiều lòng hơn.


Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món bánh flan bí đỏ nhé!