Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thật tuyệt vời vì giờ đây bé yêu đã bước vào giai đoạn bé ăn dặm, từ nay trong bữa cơm gia đình, bé đã có thể ngồi vững, cầm lấy chiếc muỗng khua vào không gian và háo hức chờ đón những món ăn mới thay cho món sữa thường nhật trước đó. Nhưng chuẩn bị những thực đơn hợp lý cho bé không phải là điều dễ dàng và cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ để thiết lập một chế độ ăn lành mạnh và thực đơn ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng cho con.


Sau 6 tháng tuổi, cha mẹ đã có thể cho bé tập ăn dặm với vài món đặc, tuy nhiên sữa vẫn là chế độ ăn chính của bé.


Nhóm thực phẩm cần thiết cho bé ăn dặm


- Sản phẩm từ sữa: Cho đến 12 tháng tuổi, bé cần đều đặn khoảng 500ml – 600ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Những sản phẩm từ sữa điển hình như phô mai, yaourt, sữa bò tươi, sữa đặc… có thể được bổ sung vào những món bột nghiền, cháo xay cho con.


- Tinh bột: Bánh mì, khoai tây, gạo… là những thực phẩm giàu gluten và cơ thể của bé cũng đang cần hấp thụ chúng để lớn lên.


- Các loại trái cây, rau quả: Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau trái, chỉ cần cha mẹ biết cách chế biến thật hấp dẫn, hạn chế đường cho bé tráng miệng sau mỗi bữa ăn.


- Chất đạm: Thịt, cá, trứng là những thức ăn cung cấp đạm phong phú nhất. Những món này cũng đã đến lúc lần lượt có mặt trong thực đơn của bé sau 6 tháng tuổi.


Những loại thực phẩm cần tránh trong thực đơn cho bé ăn dặm


- Những thực phẩm có nguy cơ bị ngộ độc như phô mai bị mốc, pa tê gan, trứng lòng đào, hệ tiêu hóa non nớt của bé sẽ không thể chống đỡ với những loại thực phẩm quá giàu đạm hoặc kém chất lượng.


- Thực phẩm ít mỡ và giàu chất xơ: Độ tuổi này, bé chỉ cần các chất để cung cấp năng lượng cơ thể chứ chưa cần nhiều chất tạo ra các khối cơ bắp.


- Muối, đường, mật ong, đậu phộng vì những chất này cũng buộc hệ tiêu hóa của bé hoạt động quá sức.


- Những loại thức ăn khổ lớn, dễ gây ngạt thở như nho, nhãn, táo, cà rốt, bắp rang, bánh hotdog…là những loại thức ăn nếu không cẩn thận sẽ dễ làm bé mắc nghẹn hoặc ngạt thở.


- Nói không với thức ăn nhanh như khoai tây chiên, xúc xích, đồ uống có gas… khi đi picnic bởi chúng chứa rất nhiều muối, mỡ và đường cùng những chất phụ gia không tốt cho sức khỏe của bé.


 


Khuyến khích bé ăn


- Tạo đa dạng món và khẩu vị rồi cho bé trải nghiệm mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra bé háo hức chờ đón món gì và thờ ơ với món gì. Từ đó bạn chọn cho bé một thực đơn hợp lý nhất.


- Đừng nản lòng nếu bé tỏ ra không chấp nhận món nào đó, rất có thể bé sẽ thích nó trong thời gian tới.


- Hãy tập khen ngợi và khuyến khích con mỗi khi bé tỏ ra ăn ngoan, cũng như người lớn, trẻ con rất cần sự động viên và khích lệ.


- Lưu ý đặc biệt là không nêm đường và gia vị vào món ăn để tăng vị giác tạm thời làm ức chế việc cảm nhận sự ngon miệng đồng thời gây hại cho những chiếc răng sữa của bé.


- Vài món quà vặt giàu dinh dưỡng như sữa chua, trái cây tươi, ép, bánh plan, bánh mì…sẽ giúp bé giải quyết cơn đói tạm thời trong thời gian bố mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con.

Một số phụ nữ có một thời kỳ mang thai hoàn hảo, không hề mệt mỏi, đau nhức gì, trong khi đó phần lớn phụ nữ không được may mắn như vậy. Đa số những thai phụ bị những cơn đau nhức hành hạ, họ sẽ phải nếm trải những triệu chứng mang thai khó chịu, kéo dài trong suốt thai kỳ.


Sức khỏe phụ nữ mang thai có thể xấu đi dù chỉ là một virút cảm lạnh, một ca ngộ độc thực phẩm hay bất kỳ cơn đau nhức nào. Điều này có thể dễ dàng xảy ra dù thai phụ đã đề phòng hết mức. Hormone mang thai có khuynh hướng làm người phụ nữ có mang lo âu và căng thẳng quá sức, khiến họ dễ tổn thương bởi những cơn đau nhức hành hạ.


Bởi thế điều tốt nhất cho một phụ nữ mang thai là thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự giảm thiểu các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ đặc biệt là những khó chịu do dấu hiệu mang thai gây ra. Thai phụ cũng nên ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng. Mặt khác, khi người phụ nữ có thai gặp một trong những cơn đau thức khó chịu kéo dài, tốt nhất hãy đến khám bác sĩ.


Đau lưng dưới


Đứng đầu trong danh sách những cơn đau thường xuyên hành hạ bà mẹ mang thai là đau lưng, chính xác hơn là đau lưng dưới. Nó xuất hiện do trọng tâm của người phụ nữ mang thai bị lệch, khiến áp lực đặt lên vùng xương sống nhiều hơn các chỗ khác. Tử cung đang phát triển tạo một áp lực có thể tác động đến dây thần kinh hông, do đó gây ra chứng đau lưng dưới thường xuyên.


Để tránh cơn đau này, bà bầu có thể tập trung vào những tư thế đúng cũng như tiến hành những bài tập thể dục đều đặn như đi bộ và kéo giãn người.


Điều cần làm: nếu bạn thật khổ sở vì đau lưng, xoa bóp có thể giúp làm dịu đi vùng bị đau.


Chứng chuột rút


Cơn đau này rất phổ biến khi mang thai tháng thứ 6 và thứ ba thời kỳ mang thai và thường xảy ra vào ban đêm, phá vỡ giấc ngủ của bạn. Những cơn co thắt bắp chân thường xuất hiện do lượng phốtpho dư thừa và sự thiếu hụt canxi gây ra. Để tránh những cơn chuột rút, hãy tuân theo một chế độ tập luyện và không nên ngồi yên chịu đựng cơn đau, hãy đứng lên kết hợp đi bộ loanh quanh vài giờ. Bạn có thể thực hiện những bài thể dục này mỗi tối trước khi đi ngủ. Duỗi thẳng một chân trước, gập người, tay chạm mũi bàn chân. Thực hiện bài tập luyện này hàng đêm có thể bảo vệ bạn khỏi những chứng cơn co thắt.


Điều cần làm: Xoa bóp có thể giúp ích, hãy tranh thủ sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp này, đặc biệt nếu bạn bị chuột rút ngay giữa đêm. Một túi chườm hoặc một chai nước nóng cũng có thể làm dịu cơn đau. Nếu cơn đau dai dẳng và trở nên không thể chịu nổi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, vì đó có thể là do một cục máu đông đang hình thành.


Chướng khí


Bà mẹ mang thai thi thoảng sẽ gặp những cơn đau khó chịu ở bụng do chướng khí. Những hormone sản sinh trong thời kỳ mang thai sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa của bạn và tạo ra cơn đau trong bụng, đặc biệt là sau những bữa ăn lớn. Bạn sẽ bị chướng và phình bụng, ợ và đầy hơi.


Hãy cố gắng tìm hiểu những thức ăn làm gia tăng hoạt động của hơi (trong bụng) và tránh ăn chúng để phòng ngừa những cơn đau thắt. Cũng như, những bữa ăn nhỏ hơn nhưng thường xuyên hơn cũng có thể giúp ích. Tuy nhiên nếu tình trạng đầy hơi khiến bạn không thể thở nổi, chóng mặt, buồn nôn, sốt, nổi mẩn hay chảy máu đi kèm với cơn đau, bạn nên phải hỏi ý kiến bác sĩ.


Điều cần làm: Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn nên giảm nồng độ axit trong dạ dày bằng chế độ ăn ít chua, ít gia vị và dầu mỡ. Nhưng trước hết hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.


Ợ chua và khó tiêu


Ợ chua đi kèm với sự tăng cường progesterone, một loại hormone được sản sinh trong suốt thời kỳ mang thai làm trì hoãn thời gian dạ dày trống vì vậy nên có nhiều thức ăn hơn trong dạ dày.


Tình trạng khó chịu và đau đớn này liên quan đến hệ tiêu hóa. Cơn đau rõ ràng ngay chính giữa ngực khi dạ dày phản ứng lại với những loại thức ăn nào đó và axit dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Để tránh điều này, bạn nên để ý những gì mình ăn và ăn khẩu phần nhỏ thôi.


Thật ra, các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên rải nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày ra thành nhiều bữa nhỏ, khoảng sáu bữa ăn nhỏ thay cho ba bữa lớn. Cũng phải đảm bảo rằng bạn không ăn quá nhiều. Việc tránh những thức ăn gia vị và nhiều chất béo cũng sẽ giúp ích cho quá trình tiêu hóa.


Điều cần làm: Những cách giảm nồng độ axit đơn giản như Maalox có thể giúp ích trong nhiều trường hợp nghiêm trọng. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn nếu bạn ợ chua hoặc khó tiêu hơn ba lần trong một tuần.


Nhức đầu


Thỉnh thoảng bà bầu sẽ bị nhức đầu, đặc biệt khi họ hay bị nhức đầu trước đây. Chẳng hạn, những ai bị đau nửa đầu, đôi lúc thấy chúng xảy ra thường xuyên hơn. Nhưng theo một quy luật chung, một cơn nhức đầu dữ dội không phải là một dấu hiệu có thai thường thấy, và nếu nó cứ đau như búa bổ, nên hỏi ý kiến bác sĩ để chắc rằng huyết áp của bạn bình thường và có thể loại bỏ chứng phù nề.


Một cơn nhức đầu có thể là triệu chứng của tiền sản giật. Phòng tránh đau đầu bằng cách thư giãn, nghỉ ngơi đủ và ăn uống điều độ. Đôi khi những cơn nhức đầu bạn gặp là những cơn nhức do đói.


Điều cần làm: Không may thay, không có nhiều thuốc giảm đau an toàn đối với phụ nữ mang thai. Một số dược phẩm giảm đau nhức có thể gây co tử cung, có thể đẩy nhanh cơn đau đẻ. Nên hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ. Đôi khi chườm bằng nước nóng hoặc lạnh có thể giúp bạn giải tỏa được cơn đau. Đừng uống bất cứ dược phẩm giảm đau nào có khả năng gây co tử cung, khiến bạn đau đẻ sớm.


Táo bón và bệnh trĩ


Bào thai đang phát triển gây một áp lực ghê gớm lên vùng khung xương chậu, đó cũng là lý do chứng táo bón có thể phát triển. Áp lực thậm chí có thể khiến các mô của ruột thẳng lòi ra khỏi hậu môn thành các búi trĩ. Những búi trĩ này có thể rách và chảy máu, mặc khác cũng rất khó chịu.


Một chế độ ăn uống kém, thiếu hụt chất xơ có thể gây ra chứng táo bón và đi phân cứng hoặc nghiêm trọng hơn là bệnh trĩ. Vài thay đổi đơn giản có thể giúp bạn tránh được điều này. Trước tiên hãy chắc rằng bạn đã uống nhiều chất lỏng,, ăn nhiều chất xơ và tập thể dục mỗi tuần ba lần để giữ thân hình và giữ hệ tiêu hóa hoạt động ổn thỏa. Phòng tránh chứng táo bón sẽ giúp bạn tránh được bệnh trĩ.


Điều cần làm: Đối với căn bệnh trĩ phiền phức, các chuyên gia khuyến cáo cách tắm ngồi. Ngồi trong nước muối với lượng muối vừa đủ, ngâm vùng bị ảnh hưởng trong 20 – 30 phút, hai đến ba lần mỗi ngày. Bạn cũng có thể thoa dầu hạnh nhân hoặc đắp lạnh để giúp giảm đau. Đừng dùng những thuốc mỡ tại chỗ trừ khi có sự kê đơn của bác sĩ.


Viêm tiết niệu


Viêm đường tiết niệu không hề bình thường ở phụ nữ có thai, có khoảng 10% phụ nữ mang thai có thể mắc phải bệnh này. Tình trạng này nên được điều trị ngay vì chúng có thể khiến bạn đẻ non do rách màng nhầy. Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm nhiễm đường tiết niệu, hãy đến gặp bác sĩ là làm xét nghiệm nước tiểu thích hợp. Bác sĩ sẽ kê kháng sinh an toàn cho thai phụ, tuy nhiên cách này đôi lúc có thể gây ra viêm nấm âm đạo do thay đổi môi trường âm đạo.


Hãy cố gắng tránh tình trạng này bằng cách uống nhiều nước, ít nhất là tám cốc mỗi ngày, và đi tiểu ngay mỗi lần buồn tiểu tiện. Hãy cố gắng đừng để còn nước tiểu trong bàng quang, vì điều đó sẽ làm tăng sự nhạy cảm đối với bệnh. Các loại thức uống lợi tiểu dù khiến bạn phải ra vào nhà vệ sinh nhiều hơn nhưng có ích cho việc tống khứ hết nước tiểu khỏi bàng quang của bạn.


Điều cần làm: Bác sĩ của bạn sẽ kê thuốc kháng sinh như ampicillin nếu bệnh nhân không mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Nếu bị nấm sẽ được điều trị bằng cách bôi kem lên vùng nhiễm. Lý do viêm nhiễm nấm có thể là do tiểu đường.

Việc dành thời gian chơi đùa, trò chuyện với con sẽ giúp bạn có cái nhìn thú vị hơn về cuộc sống của chính mình, cũng như hỗ trợ con tốt hơn trong quá trình phát triển kỹ năng sống.


Đôi khi những giờ nghỉ ngơi, chơi đùa cùng con chính là dịp để bạn đem đến những bài học vỡ lòng sâu sắc và ý nghĩa nhất cho con.


Tập lật cùng con


Một số bé khá thích “trò chơi” này, một số lại không. Dù vậy, con bạn luôn phải trải qua khoảng thời gian tập lật để có thể phát triển kỹ năng đến các giai đoạn khác. Việc cố gắng lật bụng xuống sàn nhà và hoạt động chủ yếu cơ cổ, tay và chân là bước đệm quan trọng để một em bé bắt đầu ngồi, lết và bò.


Vị trí khi tự lật úp người lại này khá mới lạ nên không tránh khỏi bé có thể khóc nhè. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, bé sẽ mau quen dần với trạng thái này và chuyển hướng tập trung vào hoạt động tay chân thôi. Sau khoảng 2 tháng tuổi, bạn có thể hỗ trợ con tập lật bụng, nâng đầu bé bằng cách nằm sát cạnh bé, hoặc cho con nằm trên bụng bạn, vuốt ve và trò chuyện cùng con.Ngoài ra bạn có thể giúp con duy trì thời gian lật tốt hơn bằng cách đặt nhiều món đồ chơi xung quanh bé hoặc hát hò, tạo nhiều âm thanh thu hút sự chú ý để bé vận động các cơ và giác quan nghe nhìn. Lưu ý đặt bé lên nơi bằng phẳng, êm ái và luyện tập từ từ với thời gian tăng dần từ 2 – 5 phút mỗi lần bạn nhé.


Bé vui ca hát


Không cần phải nói, bạn cũng biết về vai trò âm nhạc đối với thai nhi ngay từ khi trong bụng mẹ đến khi ra đời rồi phải không? Từ lời ru ầu ơ mỗi trưa hè của mẹ, hay những ca khúc thiếu nhi khiến con nhún nhảy, âm nhạc kích thích sự phát triển khả năng ngôn ngữ và sáng tạo nghệ thuật, cũng như giúp bé nuôi dưỡng một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng.


Bạn có thể sử dụng âm nhạc để hưởng ứng trạng thái của con – với ca khúc vui tươi sông động sẽ giúp bé thích nhún nhảy, hoạt động tay chân hơn; còn khi bé mệt và buồn ngủ thì những bản nhạc nhẹ nhàng mau chóng đưa bé vào giấc ngủ dễ dàng. Nghe nhiều một ca khúc quen thuộc, bé sẽ có phản xạ hát theo, và như thế nhanh biết nói và vốn từ phát triển hơn. Bạn còn có thể chọn những bài hát đơn giản, dễ thuộc để dạy con các kiến thức cơ bản khác như nhận biết ông bà, cha mẹ, tập đếm, tập đánh vần… bé sẽ tiếp thu nhanh và hiệu quả mà không nhàm chán.Nếu được, bạn hãy cho con tiếp xúc sớm với các nhạc cụ (hoặc bạn tự tạo ra các nhạc cụ đơn giản) như trống, kèn để giúp bé thỏa sức vui chơi và hát hò. Biết đâu con bạn sẽ trở thành Mozart trong tương lai thì sao?


Vẽ và cắt dán, xếp hình


Một “trò vui” cùng con nữa, đó chính là việc vẽ vời và cắt dán, xếp hình theo ý thích và khả năng sáng tạo. Bạn cho con tiếp xúc với nhiều hình dáng của đồ vật khác nhau, dạy bé nhận biết chúng và vẽ lại, ngoài ra việc tiếp xúc với màu sắc sẽ giúp khả năng thị giác, phán đoán cũng như sáng tạo của bé tốt hơn.Tuy nhiên bạn cần lưu ý lựa chọn những dụng cụ, phẩm màu phù hợp, không độc hại cho bé; để các vật dụng có đầu nhọn, sắc bén xa tầm tay bé; luôn ở bên quan sát con để tránh bé cho vật lạ vào mồm và mắt.


Không khó kết hợp nhiều bài học nhỏ lẻ vào các trò chơi thú vị cùng con, như tập nói, tập phát âm từ, nhận mặt cha mẹ… đúng không bạn? Vậy hãy cầm “một vé về tuổi thơ” với con đi nào, con bạn sẽ được hỗ trợ rất nhiều trong những bước đầu phát triển kỹ năng, còn bạn sẽ được trải nghiệm lần nữa niềm vui tuổi thơ song song với niềm hạnh phúc được làm mẹ. Chúc ngôi nhà của bạn luôn ấm áp và rộn vang những tiếng cười trẻ thơ!

Thay đổi về hormone trong khi mang thai làm tăng lưu lượng máu cũng như gây nên một số thay đổi ở mô ngực, khiến bạn cảm thấy như ngực bị sưng, đau, tê và nhạy cảm một cách bất thường nhất là khi chạm vào, đây là một trong số nhiều những triệu chứng mang thai thường gặp. Nhiều chị em diễn tả sự khó chịu này giống như trước lúc hành kinh vậy, nhưng ở mức độ nặng hơn.


Đau ngực là một trong những dấu hiệu có thai, thường bắt đầu trong khoảng từ tuần thứ 4 – tuần thứ 6 và kéo dài cho hết tam cá nguyệt đầu tiên.


Ngoài ra, vào khoảng tuần thứ 6 – tuần thứ 8 của thai kỳ, có thể bạn sẽ thấy ngực mình bắt đầu to dần và tiếp tục phát triển trong suốt thời gian mang thai. Việc ngực to lên một, hai cỡ là bình thường, đặc biệt nếu bạn đang mang thai con đầu lòng. Sự thay đổi này kéo theo vùng da ở ngực căng ra, gây cảm giác ngứa ngứa và có thể xuất hiện các vết rạn da ở vùng này.


Bạn cũng có thể thấy được mạch máu dưới lớp da vùng ngực. Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết có thai nữa đó là núm vú ngày càng lớn và sậm màu hơn, sau vài tháng đầu tiên thì cả quầng vú cũng lớn và sậm màu hơn. Trước đây có thể bạn không để ý những cục nhỏ nhỏ trên quầng vú, nhưng bây giờ thì bạn bắt đầu thấy chúng rõ ràng hơn nhiều – đó chính là những u Montgomery, một dạng của tuyến dầu. Ngực bạn trải qua những thay đổi này để chuẩn bị giai đoạn cho con bú sắp tới.


Khoảng tháng thứ ba của thai kỳ, sữa non bắt đầu được sản xuất, đây là dạng sữa đặc biệt mà con sẽ nhận được khi lần đầu bú mẹ. Ở những tháng cuối, chất đặc màu vàng này có thể rỉ ra một chút, tuy nhiên cũng có một số người đã bắt đầu rỉ từ sớm hơn và một số thì không rỉ ra chút nào.


Cách giúp mẹ bớt đau ngực


Đầu tiên, bạn nên tìm mua vài chiếc áo ngực “chuyên dụng” loại tốt để hỗ trợ bầu ngực của mình tốt hơn trong giai đoạn đặc biệt này. Hãy tìm hiểu kỹ để biết về loại áo ngực dành cho phụ nữ mang thai mà mình nên dùng, bạn cũng có thể nhờ tư vấn ở các cửa hàng bán đồ lót lớn hoặc tiệm bán đồ bầu. Bạn nên tìm loại áo có chất liệu mềm mại, không có đường chỉ may ở gần núm vú. Áo ngực bằng chất liệu cotton sẽ thoải mái và thoáng hơn áo bằng chất liệu tổng hợp. Chiếc áo ngực có gọng bây giờ cũng không phù hợp lắm, nó khiến bạn cảm thấy không thoải mái.


Nên cân nhắc mua áo ngực hơi rộng hơn kích thước hiện tại khoảng 1-2 size (cả về kích cỡ bầu ngực và vòng ngực) vì ngực và bụng bạn vẫn đang lớn dần. Chọn chiếc áo mặc vừa nhất khi cài khóa ngực ở mức trong cùng để khi ngực lớn bạn có thể nới ra. Và tốt nhất là trước khi sinh, vào tam cá nguyệt cuối cùng, bạn cũng nên mua luôn một chiếc áo ngực loại dành cho con bú.


Ngoài ra, khi tập thể dục, đặc biệt trong giai đoạn này, bạn nhất thiết nên mặc loại áo ngực ôm khít hỗ trợ, vì ngực bạn bây giờ nặng hơn lúc chưa mang thai. Loại áo ngực được thiết kế đặc biệt cho việc vận động sẽ hỗ trợ bạn nhiều hơn trong quá trình tập và giảm thiểu khó chịu. Và cũng hãy tìm hiểu về loại áo ngực bầu để mặc khi đi ngủ – loại áo mềm, bằng chất liệu cotton thoải mái.

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi con mình đã đến kỳ ăn dặm mà chưa biết phải chế biến thực đơn ăn dặm mỗi bữa của bé thế nào. Thông thường, việc xay chút bột rau, cá, gan lợn, thịt… cho vào cháo là điều xem chừng đơn giản, nhưng xay như thế nào và tỉ lệ bao nhiêu? Dưới đây là một số gợi ý.


Trẻ 6 tháng tuổi là đủ độ tuổi cứng cáp để ăn dặm, trong bột và cháo của bé nên cho thêm thực phẩm phụ và cần chế biến thành dạng bột hoặc vụn để bé dễ nuốt.


Cách thức nghiền rau thịt để nấu bột ăn dặm cho bé


Bột rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải…) bỏ cuống, xé nhỏ, chần qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào may xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.


Bột cá: Rửa sạch cá khúc (cá trắm, cá hố, cá thu…) cho vào bát, nêm chút gia vị rồi hấp cá trong 10-15 phút. Sau khi cá nguội, bạn lóc bỏ da và xương rồi dùng thìa ép thành dạng bột.


Bột thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay rồi cho thêm chút bột mì, rượu và gia vị vào trộn đều, sau đó bỏ vào nồi hấp chín.


Bột gan lợn: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, cho một tí rượu và gia vị hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.


Bột tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, nêm gia vị, trộn đều và hấp chín.


Những lưu ý về tỉ lệ trong thực đơn ăn dặm


Thành phần dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn của bé cũng cần một tỉ lệ thích hợp, thông thường tỉ lệ này là: 3: 2: 1 (ví dụ: với 30g gạo thì kèm với 20g bột thịt khoảng và 10g rau). Sau khi nấu xong, cần thêm vào vài giọt dầu thực vật để tăng thêm hương vị và nhiệt năng.


Chế biến và cho bé ăn dặm hợp lý là trên cơ sở chất bột, thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật vào cũng cần một tỉ lệ hợp lý. Bất kể xuất phát từ nhu cầu sinh trưởng của trẻ hay mùi vị thì cũng không nên lấy khẩu vị người lớn làm tiêu chuẩn vì nếu món ăn quá mặn sẽ bắt thận của bé làm việc quá sức, thậm chí phù nề. Đặc biệt bạn nên hạn chế bột nêm, hương liệu, mì chính… trong thực đơn cho bé.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Bé 6 tháng tuổi bạn đã có thể cho bé thử những muỗng bột ăn dặm đầu tiên. Qua 7 tháng, bé sẽ ăn tốt hơn và các nhóm thực phẩm cũng đầy đủ hơn. Để bé ăn ngon miệng, đủ chất, trong một chén cháo được chế biến hoàn chỉnh cần hội đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo rau củ và đạm. Tùy theo số tháng tuổi mà bạn có thể cho bé ăn ít hay nhiều.


4 nhóm thực phẩm cần thiết trong thực đơn ăn dặm của bé gồm có


Nhóm tinh bột:


Thực phẩm: Gạo, đậu, khoai củ, bột mì…


Số lượng : Tùy theo độ lỏng hay sệt.


Cách chế biến:


Thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi : Bột thật mịn;


7 tháng tuổi : Bột mịn vừa phải;


8 tháng tuổi : Bột lợn cợn, cháo nhuyễn;


9-12 tháng tuổi : Cháo hạt mịn;


12 tháng tuổi : Cháo hạt to lợn cợn.


Nhóm chất đạm:


Thực phẩm: Thịt, cá, tôm, cua, đậu hũ, đậu hạt, trứng…


Số lượng: 30g/1 chén (2 muỗng canh gạt)


 


Cách chế biến:


6-7 tháng tuổi: Đạm mềm, băm nhuyễn;


8-9 tháng tuổi: Băm nhuyễn, tán qua rây;


9-12 tháng tuổi: Băm nhuyễn;


> 12 tháng tuổi: Băm nhỏ.


Nhóm rau củ:


Thực phẩm: Rau lá, rau củ, bí bầu, trái cây tươi…


Số lượng: 20g/1 chén (2 muỗng canh).


Cách chế biến:


6-8 tháng tuổi: Băm/ Tán thật nhuyễn.


9-12 tháng tuổi: Băm nhuyễn


> 12 tháng tuổi: Băm nhỏ, ăn cả lá, miếng trái cây mềm…


Nhóm chất béo


- Thực phẩm: Dầu ăn, mỡ cá, mỡ heo, bơ…


- Số lượng: 6-10g/1 chén (1-2 muỗng canh)


- Cách chế biến: Cho vào chén bột, cháo nóng


Dầu tinh luyện (salad oil): ăn sống


Dầu hỗn hợp (cooking oil), dầu thô, mỡ: nấu chín trước khi ăn


 


Khẩu phần ăn của trẻ từ mới sinh đến 24 tháng tuổi


 


Tháng tuổiKhẩu phần sữaKhẩu phần ăn


< 6 thángBú mẹ hoàn toàn


6-7 thángBú mẹ (800-1000ml)Tập ăn dặm;


Uống nước trái cây.


7-8 thángBú mẹ (800-900ml)½ chén x 2 (bột sệt)


Trái cây


9-12 thángBú mẹ (700-800ml)2/3-1 chén (bột hay cháo đặc)


Trái cây, chế phẩm từ đậu nành, bánh flan, sữa chua


12-24 thángBú mẹ (500-600ml)3-4 chén cháo đặc


Trái cây, chế phẩm từ sữa tươi, bún, nui sao, phở, …


 


Những quan niệm sai lầm khi cho bé ăn dặm


- Ăn thịt nhiều thì bổ.


- Không ăn dầu mỡ khi trẻ bệnh.


- Xay nhuyễn thức ăn cho trẻ dễ ăn.


- Hầm thật kỹ thức ăn lấy nước.


- Kiêng cữ cá biển, trứng gà, thịt bò…


- Cho trẻ ăn nhiều “đồ bổ” hỗn hợp.


- Trẻ uống nước nhiều cho tốt.


- Uống sữa thay ăn cũng được.


- Ăn cơm sớm cho trẻ mau cứng cáp.


 

Trong những tháng đầu đời, toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của con bạn đều được sữa mẹ hoặc sữa bình đáp ứng đầy đủ. Khi bé lớn dần lên, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng trở nên phức tạp. Đối với rất nhiều bà mẹ, thời kỳ cai sữa này khiến họ hết sức mệt mỏi và lúng túng, nhưng với kiến thức đúng đắn và một chút kiên trì, mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái cả.


 


Khi nào con tôi sẵn sàng cho thức ăn khác ngoài sữa?


Tổ chức Y tế Thế giới khuyên rằng chỉ nên cho con ăn thức ăn thô sớm nhất là 4 tháng tuổi và trễ nhất là 6 tháng tuổi. Đó là bởi vì trước 4 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của con bạn chưa thực sự sẵn sàng để xử lý thức ăn thô, và các phản xạ nguyên thủy có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi nuốt. Ăn thực đơn ăn dặm đặc sớm quá cũng có thể khiến bé bị dị ứng thức ăn.


 


Sau 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của con bạn trở nên phức tạp hơn, và chỉ sữa mẹ hay sữa bình không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể đang lớn lên rất nhanh. Nếu bạn không bắt đầu cho con ăn thức ăn đặc lúc 6 tháng tuổi, bạn có thể gặp vấn đề khi cho con ăn vì bé sẽ không chịu ăn các loại thức ăn. Nếm thử những mùi vị và dạng thức ăn mới cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.


Giai đoạn cai sữa và cho bé ăn dặm bắt đầu khi bé được từ 4-6 tháng tuổi


Ngoài độ tuổi, bạn cũng có thể biết được con mình đã sẵn sàng cho thức ăn đặc dựa trên những dấu hiệu sau:


 


- Bé có thể ngồi không cần tựa và kiểm soát tốt đầu cổ.


- Bé đưa tay với lấy đồ vật cho vào miệng


- Bé tỏ ra hiếu kỳ với những gì bạn ăn, thậm chí còn nhép miệng làm động tác nhai


- Bé tăng cân không đều như trước hoặc sụt cân vì cơ thể sử dụng nhiều calorie mà một mình sữa không thể cung cấp đủ.


- Sữa dường như không thể làm bé no, và bé đòi ăn nhiều hơn


 


Cũng cần lưu ý rằng bắt đầu cho con ăn thực đơn ăn dặm đặc với mục đích khiến bé ngủ suốt đêm không phải là ý hay. Thay vì khuyến khích thói quen ngủ đúng giờ, việc này có thể phản tác dụng.


 


Bắt đầu cho con ăn dặm như thế nào?


Đây là một trải nghiệm mới cho cả bạn và bé, nghe ra thì vất vả nhưng có thể sẽ rất vui. Hãy đảm bảo cả hai mẹ con đều đồng thuận khi lần đầu cho bé ăn thức ăn. Hãy làm điều đó khi con bạn bình tĩnh thoải mái và tỉnh táo. Sẽ mất vài ngày bé mới quen nuốt thức ăn đặc, và những bữa ăn đặc đầu tiên của bé đúng thật là một thí nghiệm với những dạng và mùi vị mới – bạn dọn dẹp thì nhiều mà cho con ăn chẳng được bao nhiêu.


 


Bữa trưa là thời điểm tốt nhất để tập cho con bạn làm quen với thức ăn đặc, vì bạn có thời gian dành cho bé. Hãy cho bé uống chút sữa cho bớt đói, rồi thử cho ăn chút thức ăn đặc. Những thức ăn đầu đời của con bạn cần phải mềm và dễ tiêu. Trong những bữa đầu tiên, cố gắng giữ cho dạng thức ăn gần giống như sữa mà bé đã quen uống. Vì vậy, nên bắt đầu cho con ăn những món như bột lỏng hay bột ngũ cốc sơ sinh pha chút sữa mẹ hay sữa bình. Pha trộn theo hướng dẫn cho đến khi tạo thành một mỗi hợp lỏng sền sệt và đút cho bé ăn từng chút một. Khi bé đã quen, hãy thử cho bé ăn nhiều ngũ cốc hơn và pha hỗn hợp đặc dần lên theo thời gian.


 


Bạn cũng có thể bắt đầu với rau củ và dần dần lên sinh tố trái cây, hãy nhớ đảm bảo cho hỗn hợp đủ lỏng trong thời gian con bạn làm quen với món ăn mới. Trái cây ngọt hơn rau củ, vì vậy nếu cho bé ăn trái cây trước khi ăn rau củ, con bạn có thể trở nên thích trái cây hơn rau và bạn sẽ rất khó bắt con ăn rau sau này.


 


Thực đơn ăn dặm cho bé từ rau củ và trái cây thường được chọn bao gồm: khoai lang, bí đỏ, cà rốt, chuối, táo và lê. Hãy bắt đầu với các loại rau củ có màu cam trước khi tiến đến các loại có màu xanh đậm. Bạn cũng có thể cho sữa vào sinh tố để đặt độ lỏng cần thiết. Khi con bạn đã chịu ăn cháo bột hay ngô dằm sữa, hãy chuyển sang rau củ nghiền rồi sinh tố trái cây.