Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tập cho bé ăn trái cây và rau quả


Nhiều cha mẹ rất vất vả để có thể cho con ăn rau xanh và trái cây, và tốn nhiều công sức để chế biến thực đơn cho bé khéo léo, bắt mắt với rau củ để bé có hứng thú ăn. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng những đứa trẻ vài tháng tuổi nếu được tiếp xúc sớm với một số loại trái cây và rau quả thì về sau không chỉ có khả năng ăn được mà còn sẽ thực sự thích ăn chúng.


 


Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 45 trẻ từ 4 đến 8 tháng tuổi ở Philadelphia, các chuyên gia cho biết trẻ sẽ ăn được nhiều đậu hơn nếu trước đó đã được tập ăn một ít rau quả. Tương tự như vậy đối với những bé đang bú sữa mẹ, nếu người mẹ ăn nhiều đào thì bé sẽ ăn được nhiều rau quả hơn những đứa trẻ khác.


 


Trong sữa mẹ luôn phảng phất một phần hương vị của các thực phẩm mà người mẹ dùng, để các bé “thưởng thức”. Nếu muốn bé yêu thích những thực phẩm như rau và trái cây thì người mẹ cần ăn chúng thường xuyên hơn để con “quen” mùi. Các chuyên gia nói thêm rằng khi tập cho con ăn dặm, bạn nên cho bé ăn lặp lại nhiều lần các loại thực phẩm để thiết lập cho bé một sở thích thực sự.


 


Các chuyên gia cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên vội cất thức ăn khi nhìn thấy bé tỏ thái độ chán ghét. Sự nhăn mặt hay chu miệng khó chịu của bé chỉ là một phản ứng tự nhiên khi bé làm quen với những mùi vị mới, chứ không hẳn là dấu hiệu cho thấy bé không thích. Vậy nên, thay vì dựa vào biểu hiện có vẻ phản đối trên gương mặt trẻ, người mẹ nên để ý đến việc em bé của bạn sẵn sàng như thế nào trong việc ăn uống.


 


Trong thời kỳ cho con bú, các bà mẹ ăn một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng là điều quan trọng, nhưng ngoài ra đừng quên cố gắng tận hưởng hương vị các món ăn thật lâu trước khi nuốt chúng. Đó chính là cách bạn giúp con có thể phát triển một khẩu vị đối với những món ăn bổ dưỡng. Nhưng nếu bạn ăn một chế độ thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng trong khi cho con bú thì chắc chắn rằng em bé của bạn cũng sẽ “khoái khẩu” những món ăn không tốt cho sức khỏe kiểu như vậy.


 


Cho dù đang nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa bột, bạn cũng đều có thể bắt đầu cho bé làm quen với thực đơn ăn dặm khi bé 6 tháng tuổi. Trước đây, không ít phụ nữ cho con ăn thức ăn thô khi bé vừa 4 tháng nhưng các nhà khoa học thuộc Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyên rằng nên đợi đến khi trẻ được 6 tháng tuổi, bởi cho bé ăn thức ăn thô quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn. Tốt nhất bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm dù là ở độ tuổi nào đi chăng nữa.


 


Sau đây là một số bí quyết để bạn có thể giúp bé bước đầu làm quen với những thực phẩm đặc, nhất là đối với các loại rau và trái cây:


Hãy bắt đầu với một lượng nhỏ bột ngũ cốc trộn với sữa mẹ hoặc sữa bột;


Sử dụng muỗng cho bé khi ăn và đừng cho trẻ uống ngũ cốc bằng bình;


Nếu con bạn đẩy thực phẩm ra đầu lưỡi và có vẻ từ chối, bạn hãy cố thử lại lần nữa trong khoảng 1 tuần sau đó, bởi lúc đầu có thể bé chưa sẵn sàng đón nhận những hương vị mới;


Đợi đến khi em bé ăn được bột ngũ cốc, bạn hãy tiếp tục cho bé thử những thực phẩm đặc khác;


Thực đơn ăn dặm cho bé nên bắt đầu cho bé dùng những thực phẩm như trái cây hoặc rau xay nhuyễn mịn. Đợi khoảng 1 tuần để xem những phản ứng dị ứng có thể xảy ra trước khi cho bé thử những món khác; Đừng cho bé ăn những thực phẩm hỗn hợp (kiểu như lê, đào hoặc cà rốt, đậu Hà Lan) nếu chưa cho bé dùng thử qua từng loại trong ít nhất 1 tuần.


 


Thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi thì có thể cho dùng nước trái cây nhưng không vượt quá 120ml/ngày;


Trẻ 9 tháng có thể cho ăn các loại thịt xay nhuyễn, thức ăn dạng miếng hoặc cuốn;


Trẻ 1 tuổi có thể thưởng thức trứng, sữa bò, nước trái cây và mật ong;


Trẻ 2 tuổi có thể được cho ăn đậu phộng, hạt, hoặc hải sản (trừ trường hợp trong gia đình có người bị dị ứng với loại thực phẩm này).


 


Trên tất cả, bạn hãy kiên nhẫn đáp ứng nhiều loại rau quả, thực phẩm khác nhau để trẻ thay đổi khẩu vị và trở nên yêu thích những món ăn mới, thậm chí có thể cố nhét thức ăn vào miệng trẻ. Các bé thường có vẻ thích trái cây và rau cải ngọt (như cà rốt, khoai lang), nhưng bạn cũng đừng quên cho trẻ trải nghiệm nhiều loại rau quả khác.

Những ngày sau sinh là khoảng thời gian hơi khó ở, đau nhức và thậm chí là rất “hụt hẫng”. Tuy nhiên mất khoảng một tuần để mẹ làm quen với cuộc sống mới. Tức là mẹ phải chăm sóc một thành viên “mới toanh” kèm những chứng hậu sản mà ai cũng phải trải qua khi làm mẹ. Tham khảo để có những thông tin tốt nhất chăm sóc phụ nữ sau sinh


 


Đau hậu sản


Mẹ sẽ cảm thấy bụng quặn đau nhiều, từ chuyên môn gọi là “hội chứng ruột kích thích”, đặc biệt là khi cho bé bú. Thực chất đây là một biểu hiện bình thường sau sinh bởi tử cung co thắt để trở về kích thước cũ. Đừng sợ hãi, dù cơn đau có thể kéo dài nhiều ngày, nó là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đã dần trở lại bình thường. Nếu quá đau, mẹ có thể dùng thuốc giảm đau nhẹ chứa paracetamol với liều lượng nhỏ.


 


Những vấn đề ở bàng quang


Trong những ngày đầu, mẹ sẽ đi tiểu nhiều và việc đó là hoàn toàn bình thường vì cơ thể mẹ phải thải đi lượng nước bị tích tụ trong quá trình thai nghén. Việc tiểu tiện sẽ khá khó khăn vì tổn thương vùng âm đạo, mẹ sẽ có cảm giác đau thốn. Do đó mẹ nên cố gắng đi tiểu ngay sau sinh, ngâm mình trong nước ấm, sau khi tiểu nên dội mội chút nước ấm để đỡ đau rát.


 


Sản dịch


Từ 2 – 6 tuần sau sinh, mẹ sẽ thấy máu chảy ra ở âm đạo, đó chính là sản dịch. Máu sẽ cầm nhanh nếu mẹ cho bé bú liên tục. Chất sản dịch này những ngày đầu sẽ có màu đỏ tươi sau đó lợt dần và chuyển sang màu nâu nhạt, nó sẽ kéo dài cho đến kỳ kinh đầu tiên sau sinh. Mẹ nên chuẩn bị trước băng vệ sinh để thấm sản dịch.


 


Những đảo lộn của hệ thống ruột


Mẹ không có cảm giác muốn đi đại tiện trong vài ngày đầu sau khi bé chào đời. Hãy tập đi lại và uống thật nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây và thực phẩm chứa chất xơ để kích thích ruột. Nếu cảm thấy muốn đi vệ sinh thì hãy đi ngay, cố gắng chịu đau, đừng nén nhịn. Hãy mang theo một chiếc băng vệ sinh sạch áp vào mũi khâu khi đi đại tiện để kiềm chế cơn đau và giúp bạn dễ chịu hơn.


 


Những mũi khâu


Đa phần phụ nữ sau sinh sẽ được rạch thêm phần sinh môn để bé dễ dàng ra đời, sau đó mẹ sẽ được khâu lại để bảo đảm tính thẩm mỹ. Những mũi khâu này sẽ có thể khiến mẹ rất đau, nhưng hiện nay sau một tuần là vết khâu sẽ lành và chỉ sẽ tự tiêu. Lời khuyên cho mẹ là nên tập những bài thể dục luyện khung xương chậu để chúng định vị lại được tốt nhất. Giữ mũi khâu thật sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu quá đau, mẹ có thể chườm một chút nước đá tinh khiết.

Thật quá bận rộn để chuẩn bị một thực đơn cho bé ăn dặm. Dưới đây là những bước dễ dàng để tự chế biến thức ăn tốt cho sức khỏe của bé mà lại không tốn quá nhiều thời gian. Bạn chỉ cần một cái bếp, một chiếc nồi và một máy xay sinh tố là đủ.


 


Bước một: Chọn thành phần. Bắt đầu với các loại thực phẩm chọn lọc như cà rốt, khoai tây, củ cải trắng, súp lơ… để đảm bảo rằng bé không bị dị ứng thức ăn. Rửa thực phẩm thật sạch, cắt bỏ những phần rắn như lõi, vỏ, cuống… để tránh cho bé bị hóc thức ăn.


 


Bước hai: Ngâm và nấu. Chọn một miếng vải lọc siêu mềm để gạn và rây thực phẩm sau khi xay, cố gắng giữ lại dưỡng chất của chúng, một số rau quả có thể nướng chín và nghiền nhuyễn cho bé dùng.


 


Bước ba: Đút bé ăn và lưu trữ thức ăn. Cho bé sử dụng một số lượng nhỏ ngay lập tức, phần còn lại nên cho vào tủ lạnh ngay. Thức ăn tự chế biến giúp bạn yên tâm vì nó có thể lưu trữ trong tủ lạnh ba ngày hoặc ngăn đá khoảng hai tháng.


 


Lời khuyên về an toàn thực phẩm khi cho bé ăn dặm


Nên sử dụng thực phẩm tươi sống và chế biến thật kỹ. Trẻ 6 tháng tuổi cần một lượng thức ăn nhỏ được chia ra nhiều bữa, thức ăn phải thật mịn, nhuyễn. Sau khi nấu bột, có thể cho thêm vào đấy một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức để tăng cường dinh dưỡng cho bé. Trẻ 9 tháng tuổi trở lên có thể bổ sung thêm một số thức ăn của người lớn, nhưng cũng phải xay nhuyễn với độ thô dần theo lứa tuổi bé càng lớn. Không nên sử dụng nhiều gia vị trong thức ăn của bé, đặc biệt là bột ngọt. Công thức tham khảo trong thực đơn ăn dặm của bé


 


Súp cà rốt, củ cải, khoai tây


Nguyên liệu:


• Cà rốt 40g


• Củ cải trắng 40g, khoai tây 40g


Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ


Cách làm:


Cà rốt, củ cải trắng, khoai tây rửa sạch, thái nhỏ. Cho nước vào nồi rồi cho toàn bộ rau vào đun đến khi rau nhừ. Vớt ra xay nhuyễn rồi lọc qua rây, thêm đường hoặc muối tinh vừa đủ là được.


 


Bột ăn dặm lòng đỏ trứng gà – đậu phụ


Nguyên liệu:


• Bột gạo 20g


• Đậu phụ 30g


• Lòng đỏ trứng gà 15g


• Dầu 5g


• Nước 200ml


 


Cách làm:


Cho đậu phụ vào nước sôi đun 1 phút, để ráo, nghiền nhuyễn, sau đó cho lòng đỏ trứng vào đảo đánh đều.


Cho 10g bột vào ít nước khuấy cho tan đều, thêm vào phần nước còn lại cùng với trứng và đậu phụ.


Bắc lên bếp nhỏ lửa, cho ra bát thêm 1 thìa cà phê dầu trộn đều, nêm nước mắm ngon hoặc muối iốt vừa ăn.


 


Bột ăn dặm cho bé với khoai tây, bí đỏ, thịt gà


Nguyên liệu


• Bột gạo 10g


• Thịt gà 15g


• Bí đỏ 15g


• Khoai tây 15g


 


Cách làm:


Bí đỏ, khoai tây gọt vỏ, thái nhỏ, luộc chín, xay nhuyễn.


Thịt gà lọc kĩ, xay nhuyễn, khuấy đều trong 30ml nước lạnh.


Hòa tan 10g bột trong một chút nước.


Nấu chín thịt với phần nước còn lại, cho bí đỏ và bột gạo đã hòa tan vào khuấy đều cho đến khi bột chín.


Cho bột ra bát thêm vào một thìa cà phê dầu trộn thật đều, nêm nước mắm hoặc muối iốt vừa ăn.


 


Bột gan lợn – Cải xanh


Nguyên liệu:


• Bột gạo 10g


• Gan lợn 20g


• Rau cải xanh 20g


• Nước 200ml


Cách làm:


Rau cải xanh thái nhỏ, băm hoặc xay nhuyễn.


Gan lợn xay nhuyễn, khuấy đều trong 30ml nước lạnh.


Hòa tan 10g bột gạo trong chút nước.


Nấu chín gan với phần nước còn lại, cho rau cải xanh và bột gạo đã hòa tan vào khuấy đều cho đến khi bột chín.


 


Cho bột ra bát thêm vào 1 thìa cà phê dầu trộn thật đều, nêm nước mắm hoặc muối iốt, nêm nhạt hơn người lớn một chút

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Có những lời khuyên dành cho thai phụ theo thời gian sẽ không còn đúng nữa với những phát hiện mới của y học, và các bà mẹ hiện đại luôn cần cập nhật những thông tin mới nhất cho mình kể từ khi có những triệu chứng mang thai đầu tiên. Tuy vậy, những lời khuyên dưới đây được cho là “luôn luôn đúng” và đã trở thành cẩm nang cho mọi bà mẹ mang thai.


 


Nếu bạn có hút thuốc lá, hãy bỏ ngay! Khi bạn đốt thuốc, em bé trong bụng cũng đang hút thuốc, và hành động này dẫn đến hàng loạt các biến chứng như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sảy thai, dị tật bẩm sinh, và thai chết lưu. Những em bé ra đời từ các cặp bố mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai có nguy cơ đột tử khi ngủ cao gấp 3 lần.


 


Kiêng đồ uống chứa cồn. Không lượng cồn nào được cho là an toàn đối với thai phụ vì chất cồn sẽ chuyển qua nhau thai và có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nguy cơ sẽ bắt đầu từ tuần thứ 6 sau kỳ kinh cuối của bạn, nhưng một khi bạn mang thai, hãy kiêng bia rượu hoàn toàn.


 


Làm “chuyện ấy”. Miễn là bác sĩ của bạn cho là ổn, hãy thoải mái với “chuyện ấy”. Đó là cách để bạn và bạn đời gắn kết với nhau, vì khi em bé ra đời, mối quan hệ vợ chồng của bạn sẽ gặp thách thức lớn đấy.


 


Ăn hải sản có chọn lọc. Cá là nguồn cung cấp tuyệt vời đạm sạch và nhiều chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn cá hồi chứa axit béo omega-3 rất quan trọng cho sự phát triển não bộ. Dù vậy, một số loài cá lại chứa thủy ngân và các chất ô nhiễm khác. Thai phụ cần tránh ăn các loại cá biển lớn như cá mập, cá ngừ…Tham khảo thêm thông tin nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu.


 


Cung cấp đầy đủ thông tin về các loại dược phẩm đang sử dụng cho bác sĩ sản phụ. Bất kể bạn uống thuốc gì, em bé trong bụng bạn cũng dung nạp thuốc cùng với bạn. Dùng thuốc quá liều có thể gây hại cho bé, tương tự với một số loại thuốc đặc trị, thảo dược hoặc thậm chí là kem dưỡng da. Bạn cần phải cho bác sĩ sản phụ của mình biết chi tiết bạn đang sử dụng các loại thuốc và kem bôi ngoài da nào – kể cả mỹ phẩm – để được tư vấn kỹ càng.


 


Uống vitamin tiền sản từ khi mang thai tháng thứ 7. Hãy cố gắng uống vitamin dành cho thai phụ, dù là bạn cảm thấy rất khó khăn để nuốt chúng trong khi đang ốm nghén. Nếu bạn vẫn không thể nuốt được những viên thuốc này, có thể bác sĩ sẽ cho phép bạn uống cốm hoặc kẹo vitamin dành cho trẻ em để thay thế.


 


Vận động trong những chuyến đi dài. Dù là bạn mệt mỏi hơn người khác nhiều, nhưng trong những chuyến đi dài trên ôtô, tàu hỏa hay máy bay, bạn nên đứng dậy, duỗi người hoặc đi lại mỗi vài giờ. Ngồi yên một chỗ quá 4 giờ có thể tăng gấp đôi nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, những cục máu vón còn có thể dẫn đến tắc mạch phổi.


 


Tránh ngâm bồn nước nóng. Hành động tận hưởng và thư giãn này lại không hề tốt khi bạn mang thai vì nếu thân nhiệt của bạn vượt quá 38.8 độ C, sự phát triển của thai nhi có thể bị gián đoạn. Tắm bồn nóng mỗi tuần có thể gia tăng gấp đôi nguy cơ sảy thai.


 


Bỏ qua thức ăn sống, tái, chưa được tiệt trùng hoặc chế biến. Xúc xích, thịt nguội và nước trái cây hoặc sữa chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn Listeria có khả năng gây tử vong cho thai nhi. Tuy nhiên, nước trái cây và sữa đã tiệt trùng được xem là an toàn cho thai phụ.


 


Tiêm phòng cúm. Khi bạn mang thai, bệnh cúm có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là de dọa tính mạng đối với thai phụ. Các bà mẹ mang thai cần được tiêm phòng cúm cẩn thận vì việc làm này giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé, thậm chí còn giúp bé được bảo vệ khỏi bệnh cúm đến 6 tháng tuổi.

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng của trẻ nhỏ, không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng của bé mà còn giúp bé làm quen dần với mùi vị thức ăn, ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này. Khi nào nên cho bé ăn dặm, ăn như thế nào và ăn ra sao… là câu hỏi mà các bà mẹ nuôi con nhỏ luôn thắc mắc.


 


Trên thực tế trẻ được 4-6 tháng là thích hợp cho việc tập ăn dặm. Do cơ thể trẻ 4 tháng đầu chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột, nếu cho trẻ ăn dặm giai đoan này sẽ dễ làm trẻ đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy… Ngược lại nếu cho trẻ ăn dặm muộn sau 6 tháng, có thể dẫn đến khả năng trẻ bị đứng cân, tăng trưởng chậm. Bé ăn dặm có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:


 


Giai đoạn ăn bột – bắt đầu khi bé được 6 tháng tuổi.


Chén bột ăn dặm cho bé đầu tiên là bột loãng (2 muỗng bột trong 200ml nước). Để thay đổi khẩu vị, bạn nên cho bé ăn bột ngọt và bột mặn đan xen nhau.


 


Sau khoảng 1 tháng với bột loãng, bạn có thể cho trẻ ăn bột đặc hơn (4 muỗng bột trong 200ml nước). Có thể cho thịt và rau đã nấu chín, thái nhỏ sau đó xay mịn, cho vào chung với bột. Đây cách giúp bé hấp thụ chất xơ thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cũng là tập cho bé quen dần với mùi vị thức ăn.


 


Những thực đơn dặm đầu tiên của bé nên có mùi vị nhẹ nhàng và các thành phần phải nhuyễn mịn. Bạn có thể bắt đầu với việc trộn lẫn bột với một chút sữa hàng ngày của bé. Việc này giúp giới thiệu cho bé một kiểu thức ăn mới với vị quen thuộc, làm cho bé bớt lạ lẫm khi ăn.


 


Giai đoạn ăn cháo – bắt đầu khi bé được 10 tháng


Giai đoạn này bé đã mọc răng và có thể nhai thức ăn, bạn có thể bắt đầu nấu cháo cho bé ăn. Chén cháo đầu tiên của bé nên là cháo loãng.


 


Bạn cần cho bé ăn cả thịt và rau xanh để đảo bảo đủ chất. Bạn không nên xay nát thức ăn, khiến bé không học nhai được, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến bé nhanh chán, có thể gây ra biếng ăn. Bạn nên băm nhỏ thịt và rau xanh thay vì xay nhuyễn tất cả mọi thứ.


 


Chỉ nêm cho trẻ bằng muối hoặc nước mắm, nhạt hơn khẩu vị người lớn. Ngoài cháo, bạn có thể cho bé làm quen với các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui… để trẻ đổi khẩu vị, kích thích sự ngon miệng.


 


Giai đoạn ăn cơm nát – bắt đầu từ khi bé mọc đủ 20 răng sữa


Không nên cho trẻ ăn quá sớm, sẽ không tiêu hóa được thức ăn, dẫn đến không hấp thu được chất dinh dưỡng. Cho ăn quá muộn, trẻ sẽ không có đủ dưỡng chất để phát triển, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.


Giai đoạn bé 2 tuổi, mọc được 20 chiếc răng, đã qua giai đoạn ăn cháo, bé có thể đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày, là giai đoạn thích hợp để tập cho bé ăn cơm và các thức ăn người lớn khác.


 


Nên bắt đầu bằng cơm mềm, nấu nhão, dằm nát trộn với thức ăn xé nhỏ. Lúc này, bạn cũng nên cho bé làm quen với các loại canh rau (nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai và không bị hóc).


 


Cần lưu ý là cho dù là giai đoạn ăn dặm nào cũng nên đảm bảo đầy đủ cho bé 4 nhóm thức ăn: Bột, đường, đạm, dầu mỡ và rau.


 


Chế độ ăn cho bé từ 0 – 2 tuổi


Thực đơn cho bé 1- 6 tháng đầu: bú mẹ hoàn toàn


Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi: tập ăn dặm bằng bột loãng (5%) + Trái cây


6-9 tháng 2 chén bột đặc (10%) + Trái cây


10-12 tháng 3 chén cháo + Trái cây


12-24 tháng 4 chén cháo + Trái cây


 


Những lưu ý khi tập cho bé ăn dặm


Bé cần có thời gian để “làm quen” với những thực phẩm, hương vị mới, vì thế hãy tập cho bé ăn từng chút một.


 


Việc cho bé tập làm quen với thức ăn mới một cách từ từ sẽ cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu dị ứng thực phẩm của bé, chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mày đay. Cho bé ăn một loại thực phẩm mới trong vài ngày. Nên bắt đầu với các loại quả và rau màu vàng, vốn rất dễ tiêu hóa hơn các loại rau củ màu sắc khác.


 


Những thực phẩm tốt cho thời điểm bắt đầu ăn dặm là: chuối, cà rốt, rau, táo, đào, lê, khoai lang, súp lơ và bí ngô hầm nhừ. Các loại rau quả nghiền nhuyễn này có thể cho thêm nước sôi, nước mát hay sữa mẹ, sữa công thức để làm loãng trước khi cho bé ăn.


 


Nếu thấy bé không muốn ăn món ăn mới, bạn dừng lại vài ngày rồi cho bé thử lại. Bé có thể sẽ chỉ thích thú với vài loại thực phẩm nhưng bạn nên tiếp tục thử lại các món bé không thích cho tới khi bé chịu ăn nhiều hơn.

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Không cần phải là một chuyên gia phát triển trẻ em thì bạn mới có thể cho con mình một khởi đầu tuyệt vời trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy: tình yêu, sự quan tâm và những chăm sóc cơ bản là tất cả các những gì em bé của bạn thực sự muốn và cần.


Để giúp con phát triển kỹ năng được đầy đủ tiềm năng của mình, hãy làm theo tám bước đơn giản sau:


 


Thể hiện tình yêu của bạn


Trẻ em cần tình yêu. Tình yêu và những cảm xúc âu yếm thực sự sẽ làm kích thích sự phát triển não bộ.Chăm sóc em bé, gần gũi, cảm xúc yêu thương bạn mang đến cho con chính là một “căn cứ” an toàn để từ đó bé khám phá thế giới. Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy, tình yêu, sự quan tâm và tình cảm trong những năm đầu đời có tác động trực tiếp và có thể đo lường được sự phát triển về thể chất, tâm thần, và tình cảm của một đứa trẻ.


 


Và làm thế nào để bạn thể hiện tình yêu của mình? Hãy chuyện trò, đùa nghịch với con, khuyến khích, lắng nghe, và chơi với bé bất cứ khi nào có thể. Sự quan tâm của bạn sẽ an ủi con khi tiếng khóc vừa cất lên, đặc biệt là trong sáu tháng đầu tiên, đáp ứng cho con khi bé đang khó chịu (cũng như khi bé hạnh phúc) sẽ giúp bạn xây dựng cho bé niềm tin và một trái tim mạnh mẽ tình cảm. Sự nựng nịu, yêu chiều không làm hư một đứa trẻ mà sẽ giúp bé đáng yêu hơn, gần gũi bạn hơn.


 


Chăm sóc bé từ các nhu cầu cơ bản


Con cần có sức khỏe tốt và năng lượng dồi dào để có thể học hỏi và phát triển, và bạn có thể cho bé điều này bằng sự chăm sóc của mình. Hãy thường xuyên đưa con đi kiểm tra sức khỏe, chủng ngừa đầy đủ để phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn với bé.


 


Nuôi con bằng sữa mẹ luôn là tốt nhất – nghiên cứu cho thấy rằng các em bé được nuôi bằng sữa mẹ có tỷ lệ dị ứng, tiêu chảy, vấn đề hô hấp và nhiễm trùng tai ít hơn hẳn những bé được nuôi bằng sữa công thức. Sữa mẹ cũng có thể giúp hỗ trợ cho IQ của bé một cách tốt nhất. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến một số phụ nữ không thể cho con bú sữa mẹ. Mặc dù sữa công thức không thể tái tạo tất cả các tính chất độc đáo của sữa mẹ, trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa công thức cũng có thể nhận được nguồn dinh dưỡng tốt để phát triển. Sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ cung cấp đủ cho nhu cầu của bé trong sáu tháng đầu tiên, và tiếp tục là một phần quan trọng trong thực đơn cho bé cho đến sinh nhật đầu tiên.


 


Giấc ngủ rất quan trọng với bé vì trong giấc ngủ, các tế bào não của bé liên tục làm việc cho các kết nối quan trọng. Những khớp thần kinh, như giao cắt của những con đường, cho phép kết nối tất cả những lĩnh vực như học tập, phát triển, và tư tưởng. Chúng là chìa khóa để giải mã cho bé tất cả những gì bé đã nhìn thấy, nghe, nếm, sờ đụng, và ngửi được khi khám phá thế giới.Hãy đáp ứng những nhu cầu “tiện nghi vật chất” của con kịp thời, chẳng hạn những khi bé quá nóng bức hoặc khi tã bị ướt. Bạn và con là một đội, và một trong các công việc của bạn là chăm sóc những điều cơ bản, giúp bé nhận được cơ sở tốt nhất để có thể phát huy trong các “nhiệm vụ” khó khăn của mình!


Nói chuyện với con


Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ được bố mẹ chịu nói chuyện thường xuyên từ khi còn là trẻ sơ sinh thì phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn so với những đứa trẻ không nhận được nhiều sự kích thích bằng lời nói. Bạn thậm chí có thể bắt đầu việc này trong thai kỳ của mình – đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu quá trình liên kết. Khi con bạn được sinh ra, hãy nói chuyện với bé thật nhiều, vào những lúc bạn cho bé ăn, thay tã, và tắm bé. Bé sẽ đáp ứng tốt hơn khi biết những từ đó đang được hướng vào mình, vì vậy hãy nhìn bé trong khi bạn đang nói. Bạn đừng lo lắng về việc phải nói những gì, chỉ đơn giản là mô tả những gì bạn đang làm, chẳng hạn: “Mẹ pha nước ấm cho con tắm nhé”, “Con đợi mẹ quấy bột để măm nhé”….


 


Hãy nói chuyện với bé thật tự nhiên, sử dụng những cụm từ đơn giản với một giọng nói nhẹ nhàng, biểu cảm. Việc làm này thực sự giúp bé học ngôn ngữ và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất về sau.


 


Đọc sách cho con


Đọc to cho con nghe là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giúp xây dựng vốn từ vựng của bé, kích thích trí tưởng tượng và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của bé. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện tình yêu và những giao tiếp với con. Theo các chuyên gia, ngay cả trẻ sơ sinh cũng thích nghe kể chuyện, nên mỗi ngày bố mẹ hãy đọc cho bé nghe ít nhất 1 câu chuyện.