Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Đến giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, bạn có thể cảm thấy như đã đạt đến được một cột mốc quan trọng. Bắt đầu quý 3 là bạn đã có thể bắt đầu đếm ngược, cho đến khi bạn sinh em bé. Giai đoạn 3, chính thức là khoảng thời gian từ tuần 26 cho đến tuần 40 của thai kỳ. Trên thực tế, còn tùy vào cách tính tuổi thai mà có thể có một hoặc hai tuần thêm bớt.


 


Đây là giai đoạn mà tất cả các cơ quan và các hệ thống trong cơ thể em bé đã sẵn sàng để sống thêm một quãng thời gian nữa trong tử cung của mẹ. Mặc dù các bộ phận đã được hình thành đầy đủ từ lúc 12 tuần, nhưng chúng cũng cần phải phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều cho đến thời điểm này. Các chuyển động của em bé giờ đây mạnh mẽ và chủ động hơn. Khi bé lớn lên thì cũng đồng nghĩa là có ít không gian hơn để di chuyển tự do, vì vậy, bạn sẽ có thể cảm nhận được rõ hơn những chuyển động của bé bên trong.


 


Mình để cái túi đó đâu rồi nhỉ?


Đây sẽ là thời gian bạn chuẩn bị và đóng gói hành lý đi bệnh viện. Hãy nhớ rằng không phải là bạn sẽ đi xa một tháng, và vì vậy chỉ nên mang theo những gì thật sự cần thiết, như đồ dùng vệ sinh, băng lót, quần áo thoải mái để mặc ban ngày, cũng như áo quần, khăn và tã lót cho em bé. Nếu bạn dự định cho bé bú ngoài, bạn sẽ cần phải mang theo sữa công thức, bình bú và núm vú loại dành cho trẻ sơ sinh.


 


Lúc rảnh rỗi, bạn nên ngồi lại với ông xã để lên danh sách những người bạn sẽ muốn liên lạc để báo tin mẹ tròn con vuông. Nếu đợi đến khi sinh xong mới nghĩ đến việc này, thì bạn sẽ không thể lục tìm các số điện thoại, hoặc chỉ ông xã tìm giúp ở nơi nào đó trong nhà – đây không phải là lúc để làm những việc này.


 


Những thay đổi về mặt thể chất


Cơ thể của bạn lúc này chắc chắn sẽ to hơn, bụng cao và nhô ra nhiều hơn, làm bạn khó thở sâu được như lúc trước. Bạn có thể cảm giác ngày càng cồng kềnh, khó thở và phù lên, một cảm giác không dễ chịu chút nào.


Một số phụ nữ khi có thai rất gọn gàng, như thể là có một quả bóng rổ bên dưới áo. Một số khác thì lại trông to từ trước ra sau. Vậy rõ ràng là hình dáng to hay gọn thực sự phụ thuộc vào thể trạng của từng người, và vào sự tăng trưởng của đứa bé bên trong. Không phải bà bầu nào cũng có hình dáng giống nhau.


Quý 3 là giai đoạn mà nguy cơ rủi ro có thể ở mức cao nhất. Tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, chảy máu hoặc các vấn đề về lượng nước ối đều có thể xảy ra. Đây là những lý do vì sao đến giai đoạn này bạn cần phải đi kiểm tra thai định kỳ thường xuyên hơn.


Bạn có thể thỉnh thoảng cảm thấy chân không vững và dễ bị té. Tránh mang giày cao gót và nên đi đứng từ tốn, cẩn thận hơn.


 


Những thay đổi về mặt cảm xúc


Bạn sẽ dễ mệt mỏi hơn trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, sẽ cảm nhận được rõ ràng những ảnh hưởng của việc nuôi dưỡng em bé lớn lên ở bên trong cơ thể mình. Càng gần thời hạn sinh nở thì càng có nhiều lúc bạn cảm thấy kiệt sức hơn, và bắt đầu thấy chán ngán việc mang thai. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc chung của bạn.


 


Bạn có thể sẽ quan tâm, lo lắng nhiều hơn vềviệc chuyển dạ và sinh nở. Mặc dù cũng hiểu rằng không nên quá lo lắng về những điều chưa biết mà hãy cứ để xem mọi thứ diễn ra thế nào, nhưng lúc này bạn sẽ chẳng thể làm được như vậy, đặc biệt nếu bạn vốn là một người muốnmọi thứ luôn được sắp xếp trước và được kiểm soát.


 


Bạn có thể hết sức tin tưởng vào kế hoạch mình sẽ sinh theo phương pháp tự nhiên, không cần bất cứ sự can thiệp nào của thuốc. Tuy nhiên, hãy nghĩ thoáng hơn một chút, vì dù phần lớn các ca sinh nở đều diễn ra suông sẻ, vẫn luôn có khả năng cần phải có sự can thiệp nào đó.


 


Hãy dành thời gian và sức khỏe để lên kế hoạch sinh nở. Nên tham khảo ý kiến của ông xã bạn và xem những gì anh ấy có thể hỗ trợ. Nếu bạn muốn ai đó có mặt khi bạn sinh thì hãy cho họ biết vợ chồng bạn nghĩ thế nào về vai trò tích cực của họ lúc này. Hãy nhớ rằng việc sinh nở luôn là không thể đoán trước được, cho dù bạn có kế hoạch kỹ lưỡng thế nào thì vẫn có những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.


 


Bạn có thể bắt đầu tự hỏi rằng mình sẽ đối phó với việc chăm sóc một em bé như thế nào. Nếu bạn đang có con nhỏ cần dành nhiều thời gian và công sức, thì chỉ cần nghĩ đến việc phải lo thêm cho em bé mới sinh thôi cũng đủ làm bạn thấy choáng. Hãy nói chuyện với chồng bạn, và dàn xếp để có được sự hỗ trợ từ anh ấy cũng như những người thân khác trong gia đình và bạn bè.


 


Những thay đổi của thai nhi trong quý 3


Nếu được sinh ra vào tuần 30 của thai kỳ thì cơ hội sống của em bé sẽ cao hơn rất nhiều so với những tuần trước. Mỗi ngày trong tử cung của mẹ đều rất có ích, giúp cơ thể bé trưởng thành hơn để chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập khi chào đời.


 


Khi khám thai định kỳ, nếu biết đầu em bé không nằm ở vị trí hướng xuống thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Vào đầu quý 3 thì việc thai có vị trí ngôi ngang cũng không phải là không phổ biến. Vị trí này có thể làm bạn hơi khó chịu ở phía dưới mạn sườn, thay vì cái mông tròn, mềm mại, dễ thương nép ở đó thì bạn sẽ cảm thấy cái đầu xương xương cồm cộm.


 


Những gợi ý cần thiết


Hãy nghỉ ngơi và đặt chân lên cao khi bạn có thể. Không nên cố gắng quá. Cần có những giấc nghỉ ngắn vào ban ngày để dưỡng sức.


Hãy chuẩn bị đồ sơ sinh sẵn sàng cho em bé. Giặt và xếp sẵn quần áo sơ sinh, tận hưởng niềm vui chuẩn bị đón bé chào đời. Hãy dành ít phút mỗi ngày ngồi trong phòng của bé và nghĩ về cuộc sống mới của bạn khi có em bé. Đó thực sự là một điều đáng yêu và thú vị.


Hãy ăn khi đói, và ngưng khi đã no. Bạn sẽ  không thể thoải mái với những bữa ăn lớn vì bụng của bạn không thể chứa nhiều hơn được nữa. Nhớ uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giữ nước cho cơ thể và giúp bạn tỉnh táo, minh mẫn. Không nên đến những nơi không có nhà vệ sinh, hoặc ở những nơi cách quá xa nhà vệ sinh, vì vào giai đoạn này, bạn sẽ luôn cần có nó.


Hãy đọc truyện cho bé nghe mỗi ngày, việc này thực sự không buồn cười như bạn thoạt nghĩ. Em bé của bạn cũng sẽ nghe được tiếng nhạc, giọng của ông xã bạn, của những anh chị khác của bé, và cả những tiếng ồn khác xung quanh bé hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét